Hoàng, 45 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, vẫn cặm cụi làm việc trước màn hình máy tính dù bị đau bụng âm ỉ, đầy hơi, khó tiêu kéo dài. Nghĩ bệnh do thói quen thường xuyên bỏ bữa, ăn uống thất thường, người đàn ông không thăm khám. Cuối cùng, sau một đêm thức trắng lo chạy "deadline", anh bị đau bụng dữ dội, phải cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.

Trong phòng nội soi, ánh đèn chiếu sáng làm nổi bật những thiết bị y tế hiện đại. TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, chăm chú nhìn hình ảnh dạ dày của bệnh nhân qua màn hình, rõ nét và chi tiết. Hệ thống AI phát hiện một tổn thương nhỏ ở hang vị, vùng thường khó quan sát bằng mắt thường. Công nghệ nhuộm màu điện tử và phóng đại giúp bác sĩ nhìn rõ hơn những bất thường ở niêm mạc. Kết quả sinh thiết xác nhận đó là ung thư dạ dày giai đoạn sớm.

"Anh đã rất may mắn", bác sĩ Nam nói với Hoàng. "Nếu để lâu hơn, khối u có thể đã phát triển và di căn". Anh Hoàng được điều trị bằng phương pháp cắt hớt dưới niêm mạc dạ dày (ESD), loại bỏ hoàn toàn khối u mà không cần hóa trị hay xạ trị.

"Nhờ AI, các bác sĩ có thể phát hiện và chẩn đoán tổn thương dù nhỏ nhất, khó thấy bằng mắt thường. Hệ thống nội soi tiêu hóa ứng dụng AI là bước đột phá trong lĩnh vực này, giúp tối ưu kết quả chẩn đoán", TS Nam nói hôm 29/3.

1-1743134545-5192-1743134709.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MGgwMr-HhVKvYk4d3qm84g

Các bác sĩ nội soi dạ dày, đại tràng cho bệnh nhân. Ảnh: Thế Anh

Ung thư đường tiêu hóa hiện là một trong những ung thư phổ biến và nguy hiểm nhất tại Việt Nam. Tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày các bác sĩ thực hiện từ 800 đến 1.000 ca nội soi, trong đó phát hiện khoảng 1-2% bệnh nhân mắc ung thư, chủ yếu là những người trên 50 tuổi. Các tổn thương thường xuất hiện tại đại tràng, dạ dày và thực quản. Tuy nhiên, việc phát hiện các tổn thương tiền ung thư từ sớm luôn là thách thức lớn ngay cả với những bác sĩ nhiều kinh nghiệm, bởi các dấu hiệu nhỏ có thể bị che khuất hoặc khó nhận diện bằng mắt thường.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang mang đến bước đột phá trong nội soi tiêu hóa, giúp nâng cao đáng kể độ chính xác trong chẩn đoán. Nhiều bệnh viện lớn tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai AI cho lĩnh vực này.

Tiến sĩ Nam cho biết AI có khả năng phân tích hình ảnh nhanh chóng và nhận diện các bất thường mà bác sĩ có thể bỏ sót. "AI giảm thiểu sai sót, tăng khả năng phát hiện các tổn thương khó thấy nhất và góp phần phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, khi cơ hội chữa khỏi còn rất cao", ông cho hay.

Cụ thể, tỷ lệ bỏ sót tổn thương, đặc biệt là với polyp nhỏ hoặc phẳng, hiện vẫn là một vấn đề đáng lo ngại trong nội soi tiêu hóa. Các nghiên cứu chỉ ra bác sĩ có thể bỏ qua từ 22-26% adenoma (tổn thương tiền ung thư) trong quá trình nội soi. Nhưng với sự hỗ trợ của các hệ thống AI như CADe (Computer-Assisted Detection), tỷ lệ phát hiện đã tăng thêm khoảng 14%. CADe hoạt động bằng cách phân tích hình ảnh nội soi theo thời gian thực, nhận diện những thay đổi bất thường của mô và cảnh báo bác sĩ ngay lập tức về các vùng nghi ngờ.

Bên cạnh đó, CADx (Computer-Assisted Diagnosis) - một công nghệ AI tiên tiến khác - cho phép đánh giá đặc điểm của tổn thương, phân loại lành tính hay ác tính dựa trên dữ liệu từ hàng triệu hình ảnh nội soi. Điều này giúp các bác sĩ có cơ sở khoa học rõ ràng để đưa ra quyết định điều trị chính xác, giảm thiểu các rủi ro không cần thiết cho bệnh nhân.

ThS.BS Nguyễn Thế Phương, Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, cũng nhấn mạnh vai trò của AI trong việc hỗ trợ đào tạo bác sĩ nội soi. "AI không chỉ hỗ trợ chẩn đoán mà còn cung cấp phản hồi lập tức về chất lượng nội soi, hướng dẫn bác sĩ cải thiện kỹ năng nhận diện các vùng bất thường. Hơn nữa, hệ thống AI còn có thể đánh giá mức độ làm sạch ruột, cảnh báo những vùng chưa được kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo nội soi đạt hiệu quả toàn diện", ông nói.

Một trong những công nghệ khác là nội soi viên nang ứng dụng AI, nơi các viên nang nhỏ gọn được nuốt vào cơ thể sẽ ghi lại hình ảnh toàn bộ ruột non. Hệ thống AI sẽ tự động phân tích khối lượng dữ liệu hình ảnh khổng lồ này, nhanh chóng phát hiện các tổn thương mà không cần sự can thiệp trực tiếp của bác sĩ trong suốt quá trình.

Với sự hỗ trợ của AI, nội soi tiêu hóa không chỉ tối ưu hóa chẩn đoán mà còn mở ra tiềm năng cá nhân hóa quy trình điều trị cho từng bệnh nhân, bác sĩ Nam cho hay.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022