"Đừng đốt, vì trong đó đã có lửa".

Đó là câu nói được lấy làm tựa đề cho bộ phim điện ảnh "Đừng đốt" (2009) của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Tác phẩm xây dựng dựa trên 2 cuốn nhật ký nổi tiếng của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, từng nhận tới 6 giải thưởng tại Cánh diều Vàng 2010 và được trao giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 2009.

honeycam-2025-04-29-17-24-49-1745922328696803976869.gif

"Đừng đốt" là một bộ phim xuất sắc của đạo diễn Đặng Nhật Minh, do diễn viên Minh Hương đóng chính.

Bộ phim đưa khán giả quay trở lại một thời đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh. Không chỉ khắc họa những ngày tháng gian khổ, "Đừng đốt" còn mở ra thế giới nội tâm của Đặng Thùy Trâm (trong phim là nhân vật chị Thùy), một cô gái trẻ người Hà Nội đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc vào mảnh đất Đức Phổ, Quảng Ngãi làm nhiệm vụ. Những suy tư của cô được tái hiện qua những dòng viết nhẹ nhàng nhưng đầy sức nặng. 

Đồng thời, phim còn là tâm tình, nỗi niềm của những người ở lại. Đó là những người từng được cô cứu giúp, là ba mẹ cô, hay thậm chí là Fred - người lính Mỹ từng là kẻ thù, nhưng sau đó lại xem Đặng Thùy Trâm như ân nhân và lưu giữ 2 cuốn nhật ký suốt 35 năm trời trước khi trả về tận tay cho gia đình của cô. 

Tâm tình của cô gái trẻ người Hà Nội yêu nước trong thời chiến

9-1745922415416272561083.jpg

"Đừng đốt" đưa khán giả tới với mảnh đất Đức Phổ, Quảng Ngãi. Sinh ra trong một gia đình tri thứ có bố làm bác sĩ, bản thân cũng là một bác sĩ giỏi, Đặng Thùy Trâm hoàn toàn có thể chọn một cuộc sống dễ dàng hơn nhiều. Thế nhưng, cô lại chọn làm một bác sĩ quân y ở chiến trường ác liệt. 

Trạm xá quân y nơi Đặng Thùy Trâm làm việc là một trạm xá tàn tạ được xây dựng trong rừng. Mỗi khi trời nổi cơn giông, mọi người phải nhanh nhanh chóng chóng kéo tấm bạt, khả dĩ che mưa chắn gió phần nào để các thương binh còn dưỡng bệnh. Trên bầu trời, máy bay địch có thể bất chợt xuất hiện bất cứ lúc nào. Tiếng cánh quạt, tiếng động cơ vần vũ trên đầu... tất cả đều khiến cho thần kinh của mọi người căng thẳng hết cỡ.

honeycam-2025-04-29-17-27-50-1745922491756836745460.gif

Một ngày nọ, trạm xá quân y nghi bị chỉ điểm. Tình cảnh nguy hiểm vô cùng, mọi người đều rời đi. Thế nhưng, vẫn cần có người ở lại để chăm sóc các thương binh, đó là Đặng Thùy Trâm cùng hai cô y tế trẻ. Hằng ngày, họ đều sống trong sợ hãi, chỉ mong ngóng sớm có người quay trở lại đón mọi người rời đi. Nhưng đợi mãi chẳng thấy ai, họ chỉ biết sáng mong cho đến trưa, trưa lại mong cho đến chiều, ngày quay ngày thời gian như ngừng trôi vậy.

Sự tra tấn về tinh thần không chỉ dừng lại ở đấy. Cô phải nếm trải nỗi đau khi chứng kiến người thương binh tưởng như có cơ hội sống sót nhưng rồi lại phải ra đi. Bản thân cô không thể làm gì hơn ngoài việc hứa sẽ đưa tận tay lá thư cho mẹ của anh, mặc dù có lẽ, chính cô cũng chẳng dám chắc mình sẽ còn sống để thực hiện lời hứa ấy. Và rồi, cô nhớ đến mẹ của mình, tự nhủ nếu bản thân không may ngã xuống, mẹ của mình cũng sẽ đau xót biết nhường nào. Khi ấy, nếu có thể nhắn gửi tới mẹ một lời, cô chỉ mong bà hãy rơi ít nước mắt, tự hào thật nhiều, bởi cô con gái của bà đã sống một cuộc đời đáng sống.

ava-17459233392381269475678.jpg

Đặng Thùy Trâm đã nghe theo tiếng gọi của Tổ Quốc để lên đường đi làm nhiệm vụ.

Mẹ, cha, bạn bè, người thân, đó là những gì mà Đặng Thùy Trâm luôn khắc khoải nhớ về trong những ngày gian khó nhất cuộc đời. Cô muốn được quay trở lại căn nhà thân thương ở phố Lò Đúc, thèm bữa cơm gia đình, hy vọng hòa bình lập lại và thèm được quay trở về những ngày vô ưu của một cô nữ sinh trường Chu Văn An:

"Chiến tranh vẫn tiếp diễn, chết chóc xảy ra hàng ngày dễ như trở bàn tay. Mới tối qua Thìn và anh Son còn cùng mình nói chuyện, Thìn còn dặn Liên mua vải may áo, đêm nay 2 người họ chỉ còn là 2 cái xác nằm dưới lòng đất Đức Phổ. Cái chết đến một cách quá dễ dàng, không cách nào phòng tránh. Hường đã chết khiến Thùy bàng hoàng.

Lâu rồi mình quên đi cái cảm giác của một cô nữ sinh Chu Văn An ngồi ngậm chiếc đuôi bút, quên nghe thầy giảng bài, lơ đãng nhìn ra mặt Hồ Tây mờ mịt trong mưa phùn mà nghĩ vẩn vơ. Nhớ miền Bắc vô vàn, nhớ từng hàng cây bên đường phố, cây bàng, cây sấu lá xanh sau những cơn mưa, đường nhựa sạch sẽ, căn phòng đơn sơ nhưng đầm ấm, buổi sáng râm ran tiếng cười nói xen lẫn tiếng đài phát thanh từ chiếc radio để giữa nhà, nhớ mẹ, nhớ ba, nhớ Phương và tất cả mọi người thân yêu ngoài ấy".

Sự ra đi của một liệt sĩ và nỗi đau khôn cùng cho người ở lại

a-17459227986721134374758.jpg

Cuối cùng thì, Đặng Thùy Trâm không chờ được đến ngày chiến tranh kết thúc. Cô trở thành một trong vô số những người đã nằm xuống để đất nước có được độc lập - tự do - hạnh phúc như ngày hôm nay. Ngày nhận giấy báo tử của con gái, bố cô đau xót, ân hận. Ngày con gái lên đường, ca mổ diễn ra quá lâu và ông đã không kịp đi tiễn. Tận tai nghe tin con gái đã qua đời, ông nhìn thì vẫn có vẻ bình tĩnh đấy, còn mời các đồng chí uống trà. Thế nhưng, ai cũng hiểu rằng ông đang chết lặng ở bên trong, ly trà rót tràn cả ra ngoài từ lúc nào chẳng hay.

Còn mẹ của cô khi nghe tin dữ đã ngay lập tức không kìm được nước mắt. Cú sốc quá lớn ập đến khiến bà ngất đi. Rồi khi tận tay sờ lên nấm mộ của con gái, đứa con gái bằng xương bằng thịt bà hằng thương yêu giờ nằm lại trong lòng đất lạnh, chỉ còn lại chiếc kẹp tóc hôm chia tay bà tặng cho cô mà thôi. Chẳng gì diễn tả được nỗi đau ngập trời ấy!

honeycam-2025-04-29-17-35-55-17459229871401143838015.gif

Sự ra đi của Đặng Thùy Trâm cũng như bất cứ liệt sĩ nào cũng đều để lại nỗi đau to lớn cho gia đình họ.

Hóa ra, cái ôm vội lúc chia tay ấy lại là lần cuối cùng bà được ôm cô trong vòng tay. Từng dòng ký ức về cô con gái nhỏ lướt qua tâm trí bà. Đó là ngày cả nhà vui mừng khi cô báo trúng tuyển vào Đại học Y, hay là bữa bún chả trong ngày sinh nhật đầm ấm đầy ắp tiếng nói cười rộn ràng. Giờ đây, mọi thứ chỉ còn là ký ức, và bà chỉ còn có thể thấy cô trong những giấc mơ mà thôi.

Dù đã nằm xuống, Đặng Thùy Trâm vẫn vẫn luôn sống mãi trong tâm tưởng của những người ở lại

Thời gian thấm thoắt trôi, hàng chục năm dài đã qua, biết bao điều thay đổi nhưng Đặng Thùy Trâm, cũng như vô vàn những người liệt sĩ khác, vẫn luôn sống mãi trong tâm tưởng những người ở lại. Một ngày nọ, cái tên Đặng Thùy Trâm được xuất hiện trên tivi. Chứng kiến cảnh ấy, tất cả những người thân của cô đều dâng lên sự xúc động xen lẫn tự hào.

honeycam-2025-04-29-17-40-35-1745923271731449139658.gif

Và cô gái trẻ Đặng Thùy Trâm năm nào không chỉ được gia đình nhớ đến, mà còn có cả Fred, một cựu quân nhân từng tham gia chiến trường tại Đức Phổ, để rồi có được 2 cuốn nhật ký quý giá của Đặng Thùy Trâm. Fred và Đặng Thùy Trâm từng là kẻ thù của nhau. Đặng Thùy Trâm là một trong vô vàn những người Việt Nam yêu thước sẵn sàng hy sinh tất cả cho cuộc chiến vệ quốc, còn Fred phục vụ cho phe đi xâm lược. Dẫu vậy, chính Fred lại nói rằng cô ấy giờ đây là ân nhân của mình. 

Nhờ những dòng nhật ký ấy, ông mới hiểu được sự phi nghĩa của chiến tranh, hiểu được thế nào là tình yêu giữa người với người. Hai cuốn nhật ký ấy đã theo Fred suốt nhiều năm trời. Chúng khiến ông cảm thấy day dứt, buồn đau, nhưng điều đó không ngăn ông cảm thấy trân trọng. Tất cả những gì Fred muốn là có thể trao trả kỷ vật vô giá này về với gia đình của Đặng Thùy Trâm. Bởi lẽ, không chỉ ông hay gia đình ông, những giá trị về tình yêu thương trong hai cuốn nhật ký là điều mà tất cả mọi người đều xứng đáng được biết, đặc biệt là mẹ của nữ bác sĩ can trường ấy. Và rồi sau 35 năm, mong muốn đó trở thành hiện thực.

honeycam-2025-04-29-17-37-42-17459230842801393613223.gif
  • Bộ phim gây ám ảnh nhưng lấy nước mắt nhất hiện tại, 4 người đi nhưng chỉ có 1 trở về!

Đặng Thùy Trâm cũng giống như biết bao người khác, đều mưu cầu hạnh phúc riêng cho mình và căm ghét chiến tranh. Thử hỏi trên đời có ai lại không trân trọng sinh mạng, ai mà không muốn sống thật lâu để tận hưởng cuộc sống tươi đẹp? Nhưng than ôi, tươi đẹp và hạnh phúc ở đâu khi quê hương còn đang bị bom đạn dày xéo, để rồi ngọn lửa nhiệt huyết trong tim đã đưa Thùy đến đến với mảnh đất Quảng Ngãi khắc nghiệt đến tận cùng.

Có một chiến sĩ hỏi Thùy rằng cô vào đây phải chăng vì người yêu ở trong này. Khi ấy, Thùy không đáp. Nhưng với cô, chẳng tình yêu nào lớn bằng tình yêu đất nước. Và sự thực là Thùy, cũng như hàng triệu người Việt Nam yêu nước ngày ấy, đã sống trọn cuộc đời bằng tinh thần quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022