Độc tố trong cơ thể là những chất có hại tích tụ bên trong cơ thể, đến từ môi trường bên ngoài hoặc sinh ra trong quá trình trao đổi chất. Những độc tố này bao gồm kim loại nặng, chất thải từ thực phẩm chế biến, hóa chất từ thuốc trừ sâu, chất bảo quản, khói bụi… mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày.
Nguyên nhân làm tích tụ độc tố đến từ chế độ ăn uống không lành mạnh, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, lạm dụng thuốc, hoặc căng thẳng kéo dài khiến cơ thể sản sinh nhiều gốc tự do. Ngoài ra, khi chức năng gan, thận và hệ bài tiết suy giảm, quá trình đào thải chất độc sẽ bị ảnh hưởng, làm cho độc tố tích tụ nhiều hơn trong máu.

Độc tố trong cơ thể là những chất có hại tích tụ bên trong cơ thể, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Khi lượng độc tố vượt quá khả năng xử lý của cơ thể, nó có thể dẫn đến mệt mỏi, suy giảm miễn dịch, rối loạn tiêu hóa, viêm nhiễm, tổn thương gan thận và thậm chí là các bệnh mãn tính như ung thư, tim mạch. Ngoài ra, độc tố còn ảnh hưởng đến làn da, gây mụn, sạm màu và đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho biết, một khi cơ thể bắt đầu xuất hiện 5 dấu hiệu này, đồng nghĩa bạn đang bị quá tải độc tố trong người. Cần phải tìm biện pháp để thanh lọc cơ thể và bài độc ngay.
Dấu hiệu độc tố tích tụ trong cơ thể
1. Có nhiềubệnh lý về da
Những vấn đề trên da như mụn trứng cá, nám, da xỉn màu, lão hóa sớm… có thể là dấu hiệu cơ thể đang chứa quá nhiều độc tố. Cụ thể, da là cơ quan bài tiết lớn nhất của cơ thể, giúp loại bỏ chất độc qua tuyến mồ hôi và bã nhờn. Khi cơ thể không đào thải độc tố hiệu quả, nó sẽ tìm cách đẩy chúng ra ngoài qua da, gây ra các vấn đề như viêm nhiễm, bít tắc lỗ chân lông.
Ngoài ra, chế độ ăn uống không lành mạnh, tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có cồn, đường, chất béo xấu có thể làm gia tăng gốc tự do và khiến da trở nên yếu đi. Môi trường ô nhiễm, khói bụi và hóa chất độc hại cũng góp phần làm da bị tổn thương, mất đi sự tươi trẻ.

Những vấn đề như mụn trứng cá, nám, lão hóa sớm… là dấu hiệu cơ thể đang chứa quá nhiều độc tố.
2. Hơi thở hôi, có mùi cơ thể khó chịu
Theo các chuyên gia, khi hệ tiêu hóa hoạt động không tốt, thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn có thể lên men trong ruột, sinh ra các khí có mùi hôi như sulfur và amoniac, dẫn đến hơi thở có mùi khó chịu. Ngoài ra, gan, thận nếu bị quá tải sẽ không thể xử lý hết cặn bã, khiến chúng tích tụ trong máu và thoát ra ngoài qua tuyến mồ hôi, tạo nên mùi cơ thể nặng hơn bình thường.
Nếu không được cải thiện, tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sự tự tin trong giao tiếp mà còn là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe bên trong đang bị suy giảm. Để khắc phục, cần tăng cường uống nước, ăn nhiều rau xanh, bổ sung probiotic hỗ trợ tiêu hóa và duy trì lối sống lành mạnh.
3. Thường xuyên đau ốm, bị cảm lạnh
Ít ai nghĩ rằng, việc thường xuyên ốm đau và bị cảm lạnh cũng là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chứa quá nhiều độc tố. Lúc này, hệ miễn dịch suy yếu và không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.
Cụ thể hơn, khi cơ thể tiếp xúc với quá nhiều hóa chất độc hại từ thực phẩm, không khí ô nhiễm hoặc căng thẳng kéo dài… hệ thống miễn dịch phải hoạt động liên tục để loại bỏ chúng. Điều này làm tiêu hao năng lượng và giảm khả năng chống lại vi khuẩn lẫn virus, khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như cảm lạnh, ho…

Việc thường xuyên ốm đau và bị cảm lạnh cũng là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chứa quá nhiều độc tố.
Bên cạnh đó, khi gan và thận không đào thải độc tố hiệu quả, các chất cặn bã có thể tích tụ trong máu, gây viêm nhiễm, làm suy giảm chức năng của các cơ quan khác. Độc tố cũng có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, khiến cơ thể không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì một hệ miễn dịch khỏe mạnh.
4. Đầu óc kém tập trung
Khi độc tố trong cơ thể quá nhiều, chúng có thể gây viêm nhiễm và làm suy giảm chức năng của các tế bào thần kinh. Điều này khiến não bộ khó tập trung, tư duy chậm chạp, dễ quên và thậm chí có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng, lo âu kéo dài.
Ngoài ra, hệ tiêu hóa và gan cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lọc bỏ các chất độc hại. Nếu các cơ quan này bị quá tải, độc tố có thể xâm nhập vào máu và ảnh hưởng đến quá trình cung cấp oxy cũng như chất dinh dưỡng cho não, khiến tinh thần trở nên mệt mỏi, khó tập trung.
5. Khó giảm cân dù đã ăn uống khoa học
Nghe qua có vẻ không liên quan, nhưng đây lại là sự thật. Theo đó, độc tố có thể làm rối loạn cân bằng nội tiết, đặc biệt là hormone insulin và leptin. Đây là hai hormone quan trọng trong việc kiểm soát cảm giác đói và quá trình chuyển hóa năng lượng. Khi các hormone này bị ảnh hưởng, cơ thể có xu hướng thèm ăn nhiều hơn, đặc biệt là thực phẩm giàu đường và tinh bột, làm chậm quá trình giảm cân.
Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa kém do độc tố tích tụ cũng có thể gây tình trạng chướng bụng, tích nước và giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng. Vậy nên lúc này, dù bạn có ăn uống khoa học mấy cũng khó giảm cân.

Độc tố có thể làm rối loạn cân bằng nội tiết, khiến chúng ta khó giảm cân.
Làm sao để bài độc và thanh lọc cơ thể?
Để bài độc và thanh lọc cơ thể hiệu quả, cần kết hợp nhiều phương pháp tự nhiên giúp hỗ trợ gan, thận, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết hoạt động tốt hơn. Cụ thể như sau:
- Uống đủ nước:Nước đóng vai trò quan trọng trong việc đào thải chất độc qua nước tiểu và mồ hôi. Hãy uống từ 2–3 lít nước mỗi ngày.
- Ăn nhiều rau xanh và thực phẩm giàu chất xơ:Chất xơ giúp làm sạch ruột, hỗ trợ tiêu hóa và loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể.
- Bổ sung thực phẩm hỗ trợ gan thải độc:Gan là cơ quan chính giúp thanh lọc độc tố, vì vậy cần bổ sung thực phẩm tốt cho gan như tỏi, nghệ, chanh, gừng, trà xanh, dầu ô liu.
- Tập thể dục và đổ mồ hôi thường xuyên:Vận động giúp tăng cường lưu thông máu, kích thích hệ bạch huyết và đào thải độc tố qua tuyến mồ hôi.
- Bổ sung lợi khuẩn để hỗ trợ hệ tiêu hóa:Hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh giúp cải thiện tiêu hóa và tăng cường khả năng thải độc. Có thể bổ sung probiotic từ sữa chua, kim chi, dưa muối…
Theo Indiatimes, Healthline