Ngày 12/5, Bộ Y tế yêu cầu như trên trong bối cảnh thời gian qua một số cơ sở khám chữa bệnh xảy ra tình trạng thân nhân người bệnh hành hung nhân viên y tế. Điển hình, từ đầu năm 2025 đến nay liên tiếp 3 vụ việc tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai vào ngày 31/3; Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba tỉnh Phú Thọ vào ngày 28/4 và Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định vào ngày 3/5.
"Các vụ việc trên làm mất trật tự, an ninh, an toàn bệnh viện; ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh; ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe, đe dọa tính mạng, giảm động lực và sự tận tụy của đội ngũ thầy thuốc", Bộ Y tế nêu.
Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo Sở Y tế địa phương, giám đốc bệnh viện tăng cường đảm bảo công tác an ninh, an toàn cho cơ sở khám chữa bệnh. Hệ thống camera an ninh được lắp đặt tại các khu vực trọng điểm như khoa khám bệnh, cấp cứu, phòng trực, hành lang hành chính, lối vào bệnh viện... Bệnh viện tăng cường nhân lực bảo vệ, bố trí trực 24/7 tại các vị trí trọng yếu và bảo đảm tính chủ động trong xử lý tình huống, đồng thời phối hợp với công an và chính quyền địa phương xử lý hành vi vi phạm.
Mặt khác, bệnh viện rà soát quy trình tiếp nhận và xử trí cấp cứu, quy trình khám bệnh và các quy định về cung cấp, trao đổi thông tin với người bệnh cùng thân nhân. Nhân viên y tế phải được giáo dục đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống.
Để giảm thời gian bệnh nhân chờ đợi, tránh quá tải, giảm nguy cơ xung đột, các bệnh viện tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, đặc biệt là triển khai hiệu quả hồ sơ bệnh án điện tử, đăng ký khám trực tuyến, khám theo khung giờ...

Người dân đến khám bệnh, mua thuốc tại bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM (quận 5). Ảnh: Quỳnh Trần
TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay tình trạng bác sĩ bị tấn công đã kéo dài nhiều năm và từng có những vụ việc nghiêm trọng dẫn tới tử vong. Áp lực khám chữa bệnh ngày càng lớn, ước tính mỗi năm có khoảng 200 triệu lượt khám, khiến đội ngũ y tế luôn trong tình trạng quá tải. Ngoài ra, tâm lý người bệnh và người nhà mong muốn được phục vụ nhanh, kỹ lưỡng, trong khi nguồn lực y tế có hạn, càng làm gia tăng căng thẳng.
Sự kỳ vọng vượt ngoài khả năng đáp ứng của bệnh viện cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến mâu thuẫn. Ông dẫn chứng tại một số quốc gia phát triển, người dân có thể chờ đợi dịch vụ y tế nhiều tuần, trong khi tại Việt Nam chỉ cần phải đợi vài tiếng đã có thể gây bức xúc. Đồng thời, không loại trừ trường hợp y bác sĩ cư xử chưa phù hợp do áp lực công việc, khiến những va chạm nhỏ cũng có thể leo thang thành xung đột nếu cả hai bên thiếu kiềm chế.
"Bộ Y tế đã ban hành quy tắc đạo đức ngành, lấy người bệnh làm trung tâm. Tuy nhiên, để bảo đảm môi trường an toàn cho y bác sĩ, rất cần sự hợp tác, chia sẻ và tôn trọng quy trình chuyên môn từ phía người dân", ông Đức nói.
Lê Nga