Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) cho biết sau khi hoạt động trở lại vào sáng 30/4, vệ tinh VNREDSat-1 liên tục gửi về các hình ảnh chụp bề mặt Trái Đất.

Từ ngày 30/4 đến 5/5, vệ tinh VNREDSat-1 đã chụp 8 dải ảnh với chiều dài hơn 1.500 km trên lãnh thổ Việt Nam, tương đương khoảng 90 cảnh ảnh. Đánh giá bước đầu cho thấy sản phẩm ảnh đảm bảo chất lượng sử dụng.

Đội ngũ vận hành cho biết hiện VNREDSat-1 vẫn ở tình trạng tốt. "Vệ tinh vẫn có thể cung cấp hình ảnh cho Việt Nam trong một hai năm tới".

vnredsatkhoiphuc1-1746897494-2345-1746945747.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NZ9GfcH8E8wqKYMYSywkSg

Hình ảnh chụp khu vực cửa biển Thuận An (Thừa thiên Huế) do vệ tinh VNREDSat-1 gửi về ngày 1/5/2025. Ảnh: VNSC

Trước đó, vào cuối năm 2023, vệ tinh gặp sự cố lỗi hệ thống điều khiển, dẫn đến việc không thu nhận được hình ảnh. Sau đó Trung tâm Điều khiển và Khai thác Vệ tinh nhỏ, đơn vị trực thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã tìm cách khắc phục.

Theo phân tích ban đầu, vệ tinh VNREDSat-1 có sai lệch nhỏ về vị trí so với thiết kế. "Nguyên nhân do vệ tinh chưa được hiệu chỉnh quỹ đạo một thời gian dài. Sai lệch nằm trong tầm kiểm soát, có thể khắc phục theo các quy trình kỹ thuật vận hành", đại diện Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nói.

huy-7956-6826-1746945748-17470-3118-4700-1747045248.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ibx5h7-8mlgy_LSFWIzi6g

Trung tâm điều khiển và vận hành vệ tinh tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

VNREDSat-1 là vệ tinh quan sát Trái Đất đầu tiên của Việt Nam, được phóng lên quỹ đạo ngày 7/5/2013, từ bãi phóng Kourou, Guyana thuộc Pháp. VNREDSat-1 có kích thước 600 mm x 570 mm x 500 mm, trọng lượng 120 kg. Vệ tinh do công ty EADS Astrium của Pháp thiết kế, chế tạo.

VNREDSat-1 có tuổi thọ dự kiến 5 năm, nhưng đến nay đã vận hành quá 7 năm so với thiết kế. Vệ tinh đã bay hơn 53.000 vòng quanh Trái Đất, tương đương 2,4 tỷ km, cung cấp 160.000 ảnh chụp.

Vệ tinh được sử dụng như một công cụ giám sát, cung cấp nguồn dữ liệu có giá trị, giúp các cơ quan chức năng chủ động trong quản lý tài nguyên môi trường, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, phục vụ nghiên cứu khoa học, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia trên quỹ đạo.

Trọng Đạt

  • Starlink miễn phí thiết bị Internet vệ tinh ở một số khu vực
  • Internet Starlink không thay thế mạng truyền thống ở Việt Nam
  • Vì sao Starlink đặt trạm mặt đất ở Việt Nam?

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022