"Công tác dân số đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức", ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, cho biết tại lễ mittinh nhân Ngày Dân số thế giới 11/7, tại Hà Nội.

Thách thức đầu tiên là tỷ lệ đối tác không đáp ứng nhu cầu sử dụng các phương pháp tránh thai xu hướng tăng. Cụ thể, con số này ở nhóm phụ nữ đang có chồng tăng gần hai lần, từ 6,1% năm 2014 lên 10,2% năm 2021. Ở nhóm phụ nữ chưa kết hôn có sinh hoạt tình dục, tỷ lệ này 40,7%.

Tình trạng mang thai ở người chưa thành niên còn cao cũng là thách thức về dân số. Điều tra năm 2021 cho thấy phụ nữ 20-24 tuổi có con ở tuổi chưa thành niên cả nước ở mức 8,2%, trong đó khu vực Tây Nguyên là 16,6% và Trung du miền núi phía bắc là 19,9%.

Hệ lụy dẫn đến tỷ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên tăng từ 0,4 lên 1%, gấp đôi so với thập niên trước, nhiều em chỉ mới 12 tuổi, phá khi thai đã to. Cụ thể, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Trường Đại học Y Hà Nội nghiên cứu, phát hiện trong hơn 4.700 hồ sơ đình chỉ thai nghén tự nguyện tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong năm 2022, có 51 trường hợp là trẻ vị thành niên, chiếm hơn 1%. 27 em trong số này bỏ thai dưới ba tháng tuổi (53%), còn lại phá thai to trên 12 tuần.

Độ tuổi trung bình của các em trong nghiên cứu là 15,7; nhỏ nhất là 12 tuổi, lớn nhất là gần 18. Chỉ ba trẻ vị thành niên (6%) sử dụng biện pháp tránh thai, cho thấy các em thiếu kiến thức tránh thai nghiêm trọng, trích dẫn từ nghiên cứu. Phá ở tuổi thai muộn làm tăng nguy cơ thất bại và các tai biến của thủ thuật, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản, thậm chí tính mạng.

Thách thức tiếp theo là nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc, xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp. Ông Dũng cho biết Việt Nam đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tổng tỷ suất sinh (TFR) được duy trì ở mức 2,0 - 2,1 con/phụ nữ trong suốt thời gian qua. Song từ năm 2020 đến nay, đã xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp tại các tỉnh, thành phố phía nam, làm mức sinh của toàn quốc năm 2023 xuống còn 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm. Trong khi đó, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn chậm khắc phục, nhất là vùng Tây Nguyên, Trung du miền núi phía Bắc.

Đơn cử như TPHCM, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32, trong khi năm ngoái là 1,42, giảm ở mức cảnh báo. Hiện, nơi này được tiếp tục xếp vào nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp cả nước. Điều này kéo dài gây nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng an sinh xã hội..., trong bối cảnh kinh tế thành phố tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa cao.

Cuối cùng là tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già, theo ông Dũng. Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và là một trong quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2038, nghĩa là chỉ còn 15 năm nữa, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già, cứ 5 người dân thì có một người trên 60 tuổi.

Già hóa dân số đặt ra những thách thức nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh không lây nhiễm cần điều trị suốt đời như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, sa sút trí tuệ. Già hóa dân số cũng làm cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn...

1-jpeg-3074-1720716925.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Br7-Uzu8nI42JtDGXfq8Yw

Hai cụ già tập thể dục ở Hồ Tây, Hà Nội. Ảnh:Đình Tùng

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cũng nhìn nhận thực tế tồn tại các vấn đề như mức sinh thay thế chưa bền vững, xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp, tăng mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số nhanh, phân bố dân số, quản lý di dân chưa được chú trọng đúng mức.

"Điều này đòi hỏi phải có những đổi mới để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề dân số", bà nói, kêu gọi hệ thống, gồm cả các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển tiếp tục quan tâm và đầu tư cho công tác dân số của Việt Nam.

Cụ thể, hỗ trợ tiếp cận nguồn cung ứng phương tiện tránh thai với giá ưu đãi và hỗ trợ kỹ thuật cho việc mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Từ đó tăng khả năng tiếp cận, đáp ứng nhu cầu tránh thai của mọi người dân, giảm mang thai ngoài ý muốn của thanh thiếu niên.

Hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam ứng phó với xu thế mức sinh xuống thấp, thích ứng với già hóa dân số. Đặc biệt là xây dựng nhân viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, phát triển cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đảm bảo thực hiện già hóa tại chỗ với chi phí thấp, diện bao phủ cao phù hợp với người cao tuổi.

Bộ trưởng cũng cho biết Dự án Luật Dân số và các văn bản hướng dẫn thi hành đang được xây dựng với mục tiêu chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12/2024 và trình Quốc hội vào tháng 10/2025.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022