Ngày 20/9, đại diện Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, cho biết trẻ nhập viện được một tuần do viêm tiểu phế quản cấp, viêm tai giữa hai bên, chỉ định dùng kháng sinh amoxicilin.
Hai hôm trước, sau khi tiêm thuốc, bé có biểu hiện sốc phản vệ, tím tái, khó thở. Lúc này, điều dưỡng chăm sóc bé đang thực hiện y lệnh ở buồng khác, nên bố bệnh nhi ôm con chạy ra ngoài. Cùng lúc, điều dưỡng Nguyễn Huy Hoàng, Khoa Chấn thương Chỉnh hình đi ngang qua, phát hiện bé có bất thường liền ôm trẻ chạy đến Khoa Hồi sức Tích cực (ICU)
"Lúc này, diễn biến trẻ rất xấu, mạch nhanh, nhỏ khó bắt, SpO2 tụt, huyết áp không đo được, toàn thân tím tái và rơi vào tình trạng hôn mê sâu", anh Hoàng nói.
Các bác sĩ và điều dưỡng trực tại ICU đã kích hoạt báo động đỏ toàn viện, sử dụng thuốc cấp cứu sốc phản vệ Adrenalin, các thuốc vận mạch khác, đặt nội khí quản, bóp bóng, thở máy. Ê kíp chuẩn bị sẵn các kịch bản cấp cứu ngừng tuần hoàn, lọc máu cấp cứu..., đồng thời thiết lập hệ thống hội chẩn từ xa với các bác sĩ Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) để chuẩn bị cho tình huống nặng nề hơn.
May mắn, sau 20 giờ theo dõi chỉ số sinh tồn, trẻ hồi phục các chức năng. Hiện, bệnh nhi đã cai máy, tự thở, tự ăn uống...
Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng, có thể khiến bệnh nhân co thắt đường thở, suy tuần hoàn, đe dọa tử vong nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Phản ứng phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và diễn biến rất nhanh.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh thận trọng, đặc biệt người bị dị ứng thuốc và các dị nguyên cần khám trước khi sử dụng. Ngoài ra, bệnh nhân dùng thuốc theo chỉ định, tuyệt đối không tự sử dụng tại nhà.
Các y bác sĩ hợp lực cứu bé trai bị sốc phản vệ. Video: Bệnh viện cung cấp
Minh An