GiadinhNet – Sau khi ăn tiết canh, người này có biểu hiện sốt cao, đau đầu dữ dội, suy giảm nhận thức nên được đưa đi cấp cứu.
Gần 10 ngày qua, thời tiết mưa nắng thất thường khiến cả hai cậu con trai nhà chị Hảo (ở Hà Đông, Hà Nội) cùng lăn ra ốm. Chị cho biết, ban đầu thấy con trai lớn 5 tuổi bị ho, chị không vội đi mua thuốc Tây ngay mà trưng chanh đào mật ong cho con uống.
Tuy nhiên, 3 ngày sau đó, tình trạng của bé vẫn không thuyên giảm mà ngày càng ho nặng tiếng hơn. Đến đêm, bé liên tục bị sốt cao trên 39 độ, phải dùng thuốc hạ sốt để cắt cơn.
Khi con lớn chưa đỡ thì cu bé (9 tháng tuổi) của vợ chồng chị cũng có hiện tượng sốt kèm theo ho, chảy nước mũi rất nhiều. Bé bị sốt liên tiếp 2 ngày, chủ yếu là từ chiều tối đến đêm.
Chị Hảo cho biết, bản thân cũng định đưa 2 con đi viện khám ngay những ngày mới sốt nhưng lại lo lây chéo bệnh nơi đông người nên cứ lưỡng lự. Tuy nhiên, tình trạng của các bé ngày càng nặng thêm buộc chị phải cho con vào viện kiểm tra. Khi ấy, các bác sĩ cho biết, hai con chị bị sốt virus có biến chứng chớm viêm phổi.
Ảnh minh họa
Theo các bác sĩ, miền Bắc hiện đang là thời điểm giao mùa, tiết trời hanh khô, ban ngày trời nắng, trở lạnh về tối và sáng sớm. Sự chênh lệch nhiệt độ, độ ẩm không khí đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, nhất là đối với trẻ em.
Trong đó, sốt virus hay còn gọi là sốt siêu vi là một trong những bệnh trẻ dễ gặp nhất thời điểm này. Nguyên nhân là do trẻ nhiễm phải nhiều loại virus (hay siêu vi trùng).
Hiện nay, có rất nhiều chủng loại virus gây nên bệnh sốt siêu vi này, trong đó có những loại tiêu biểu như Adenovirus, Rhinovirus, Enterovirus,... Tùy thuộc vào mỗi chủng loại mà sẽ gây ra những bệnh khác nhau.
Dấu hiệu nhận diện trẻ bị sốt virus
Theo BS CKII. Lê Thanh Chương, Trưởng Khoa Hồi sức hô hấp, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, những dấu hiệu thường gặp ở trẻ nhiễm virus là sốt ở nhiều mức độ khác nhau, có thể là sốt thoáng qua, sốt nhẹ hoặc có những trẻ sốt cao liên tục.
Khi trẻ sốt cao có thể rét run toàn thân, một số trẻ có thể bị co giật do sốt. Trẻ có thể sốt đơn thuần hoặc kèm theo các dầu hiệu khác tùy từng loại virus và từng trẻ như ho, chảy mũi trong, tiêu chảy, phát ban, mụn nước trên da…
Các chủng virus là tác nhân chủ yếu gây sốt trong căn bệnh này nên sốt virus hoàn toàn có khả năng lây lan từ người này sang người khác. Những con đường lây nhiễm phổ biến nhất như: Khi người bênh ho, hắt hơi vô tình đẩy virus từ người mang bệnh sang những người xung quanh.
Bên cạnh đó, một số virus có khả năng tồn tại bên ngoài cơ thể bằng cách bám vào thực phẩm hay đồ uống và lây qua đường tiêu hóa. Hoặc có thể bị lây bệnh gián tiếp qua hành động tiếp xúc đồ vật nơi công cộng: nắm cửa, hành lang,… vô tình bị dính dịch chứa virus.
Theo BS Lê Thanh Chương, lứa tuổi càng nhỏ thì càng dễ bị nhiễm virus, do sức đề kháng của trẻ kém. Nhiễm virus có ở trẻ sẽ trở nên nguy hiểm khi xảy ra các biến chứng trên nhiều cơ quan của cơ thể nếu không được phát hiện kịp thời và chăm sóc đúng cách như: viêm phổi nặng do RSV, cúm, phù não, viêm cơ tim, phù phổi do virus tay chân miệng; chảy máu, sốc do sốt xuất huyết…
Khi nào cần đưa trẻ bị sốt virus đến bệnh viện?
Các bác sĩ cho biết, hiện các bệnh do virus gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Nếu trẻ sốt virus đơn thuần có thể điều trị tại nhà, theo hướng dẫn của bác sĩ. Bố mẹ cho trẻ mặc thoáng mát, uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu giàu dinh dưỡng, ăn thêm quả, nước ép trái cây… đồng thời nên dự phòng sẵn thuốc hạ sốt để dùng khi cần thiết.
Khi thân nhiệt trẻ cao trên 38,5 độ C đo ngoài da (nách, trán, lỗ tai) thì có thể dùng paracetamol (tên biệt dược: Efferalgan, Panadol, Hapacol…) với liều 10-15mg/kg cân nặng mỗi 6 giờ để tránh sốt quá cao có thể gây các phản ứng bất lợi như co giật, mất nước, mệt mỏi nhiều.
Nếu chưa loại trừ được trẻ có bị sốt xuất huyết hay không thì không được dùng các thuốc chứa thành phần ibuprofen (tên biệt dược: Sotstop, Brufen…) vì có thể gây xuất huyết nặng thêm.
Khi trẻ bị nhiễm virus, cha mẹ không nên quá lo lắng nhưng cũng không nên quá chủ quan. Cần chăm sóc trẻ chu đáo và theo dõi trẻ thật kỹ để có thể phát hiện được các dấu hiệu nặng để đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám.
Một số dấu hiệu trẻ có tiến triển nặng như: Sốt đơn thuần 2 - 3 ngày không thuyên giảm, sốt kèm theo các dấu hiệu toàn thân hoặc các cơ quan khác như mệt mỏi nhiều, ăn uống kém, phát ban, mụn nước trên da, giật mình, co giật, ho, khó thở, tiêu chảy…
Để phòng ngừa trẻ bị nhiễm virus thời điểm giao mùa, các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ không nên cho trẻ đến nơi quá đông người hoặc tránh tiếp xúc người đang nhiễm virus; cho trẻ nằm màn và phun thuốc muỗi để hạn chế muỗi lây truyền virus Dengue gây sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao sức đề kháng cho trẻ, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, thường xuyên cho trẻ vận động tăng cường thể lực, tạo môi trường sống trong sạch, vui vẻ, lành mạnh đồng thời tiêm phòng đầy đủ vaccine cho trẻ để tạo miễn dịch chủ động cho trẻ chống lại các virus gây bệnh.