Bệnh nhân ngụ quận Bình Tân vào bệnh viện do đau ngực dữ dội, trưa 18/9. Các cơn đau bắt đầu từ hai ngày trước, đến lúc đau nhiều không thể chịu nổi mới đi cấp cứu. Bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, chuyển sang Bệnh viện Thống Nhất.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Tân, Trưởng Khoa Tim mạch Cấp cứu Can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết các bác sĩ cấp cứu đo điện tim ghi nhận bệnh nhân nhồi máu cơ tim, huyết áp có xu hướng tụt, mạch chậm dần, nên hội chẩn khẩn cùng ê kíp can thiệp mạch vành.
Trên đường chuyển lên phòng can thiệp, gần đến nơi thì bệnh nhân bị rung thất. Đây là tình trạng rối loạn nhịp tim, khiến huyết áp giảm đột ngột, khó bơm máu đến các cơ quan, sẽ nhanh chóng ngưng thở. Các bác sĩ phải sốc điện chuyển nhịp, hồi sinh tim phổi, nhưng sốc điện nhiều lần, dùng thuốc để kiểm soát, tình trạng rung thất vẫn tái diễn, lặp đi lặp lại.
Không thể trì hoãn thêm, ê kíp quyết định vừa sốc điện vừa can thiệp bệnh nhân. Mỗi lần bệnh nhân sốc điện, kíp can thiệp dừng tay trong giây lát, rồi lại lao vào làm tiếp thật nhanh. Sau khoảng 5-10 phút, các bác sĩ can thiệp xong mạch vành, xác định thủ phạm gây nhồi máu cơ tim cấp là huyết khối gây tắc hoàn toàn đoạn gần động mạch vành. Kíp can thiệp đặt stent tại tổn thương này để tái thông dòng chảy.
Sau khi đặt stent cấp cứu, tình trạng nhịp nhanh thất, rung thất vẫn tiếp tục. Bác sĩ sốc điện thêm vài lần, kèm truyền thuốc khống chế nhịp qua đường tĩnh mạch, bổ sung thuốc điện giải đi kèm. Theo dõi tại phòng thông tim khoảng 30 phút, tình trạng bệnh nhân dần ổn định. Tuy nhiên, khi chuyển lên khoa, bệnh nhân xuất hiện thêm một lần rung thất, được bác sĩ phát hiện và cứu chữa kịp thời.
Bệnh nhân được sốc điện khoảng hơn 30 lần. "Đây là lần đầu tiên bác sĩ vừa sốc điện vừa can thiệp tim cho bệnh nhân. Trước đây có một số trường hợp sau khi sốc điện vài lần thì tình trạng bệnh nhân ổn định, bác sĩ có thể can thiệp", phó giáo sư Tân nói.
Hình ảnh dòng chảy mạch máu bị tắc nghẽn trước khi can thiệp (bên trái) và dòng chảy thông thoáng sau khi đặt stent (bên phải). Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Theo bác sĩ Tân, tình trạng này gọi "cơn bão điện học" trong nhồi máu cơ tim cấp. Biến chứng này không thường gặp, xảy ra sau nhồi máu cơ tim cấp, chiếm khoảng 50-10%, thường nặng nếu không chẩn đoán và xử trí kịp thời, bệnh nhân dễ diễn tiến tử vong ngay.
Cơn bão điện học xuất hiện có thể do thiếu máu cục bộ vùng cơ tim gây nhồi máu dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp. Ngoài ra, tình trạng này có thể do một số yếu tố khác thúc đẩy, chẳng hạn rối loạn điện giải, tăng đường huyết nặng, nhiễm trùng nặng, sử dụng một số loại thuốc... Với nguyên nhân thiếu máu cục bộ, việc điều trị tái tưới máu trong nhồi máu cơ tim cấp đóng vai trò rất quan trọng, kết hợp với điều chỉnh thêm các yếu tố thúc đẩy để cứu được bệnh nhân. Việc điều trị phải thực hiện nhanh chóng, kịp thời, không trì hoãn, kết hợp nhiều ê kíp khi cần.
Bệnh nhân hồi phục sau can thiệp, chiều 19/8. Ảnh: Lê Phương
Bệnh nhân này có nhiều bệnh đồng mắc đi kèm, như đường huyết tăng rất cao, không được kiểm soát tốt trước đó. Bác sĩ nhận định đây có thể là yếu tố thúc đẩy, làm loạn nhịp sau nhồi máu cơ tim. Chiều 19/8, tình trạng bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, tim không còn loạn nhịp, tiếp xúc tốt, ăn uống được.
"Nếu vào viện chậm vài phút, xử trí không kịp thời, bệnh nhân sẽ không qua khỏi", bác sĩ nói.
Lê Phương