Tổ chức World Press Photo hôm nay công bố kết quả cuộc điều tra riêng được tiến hành từ tháng 1 đến tháng 5, thông báo đình chỉ ghi nhận nhiếp ảnh gia Nick Út (Huỳnh Công Út) là tác giả bức ảnh Em bé Napalm, một trong những bức ảnh tiêu biểu của thế kỷ 20.

World Press Photo, tổ chức có trụ sở ở Hà Lan và quản lý một trong những giải thưởng ảnh báo chí danh giá nhất thế giới, đã tiến hành cuộc điều tra sau khi phim tài liệu The Stringer công chiếu hồi đầu năm cho rằng bức ảnh được chụp bởi một người khác có tên là Nguyễn Thành Nghệ.

"Theo phân tích vị trí, khoảng cách và loại máy ảnh được sử dụng hôm đó, chúng tôi xác định nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ có khả năng cao là người chụp bức ảnh", Joumana El Zein Khoury, giám đốc World Press Photo, cho biết. Tuy nhiên, tổ chức này cũng không loại trừ khả năng ông Nick Út "đã ở vị trí thuận lợi hơn để chụp bức ảnh".

AFP-20230412-33D422B-v1-Previe-5382-5778-1747388333.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7kkvoiYXy2q3kf3ffHg6zA

Nhiếp ảnh gia Nick Út (trái) cầm bức ảnh Em bé Napalm đứng cạnh bà Kim Phúc ở Costa Rica năm 2023. Ảnh: AFP

Theo phim The Stringer được công chiếu tại liên hoan phim Sundance hồi tháng 1, nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ, tài xế của hãng tin NBC, đã chụp và bán bức ảnh cho hãng AP với tư cách là cộng tác viên. Phim cho biết ông Nghệ bị AP bác quyền ghi nhận là tác giả ảnh vì không phải nhân viên chính thức.

AP hồi đầu tháng công bố kết quả điều tra riêng, xác định ông Út "có khả năng đã chụp ảnh". Hãng cho biết "không tìm thấy bằng chứng xác đáng cho thấy người khác chụp", nên không thay đổi tác quyền bức ảnh. Theo điều tra của hãng, ông Nghệ là người duy nhất cho rằng ông Út không chụp bức ảnh trong số 10 người có mặt ở hiện trường hôm đó.

Trong thông báo công bố hôm nay, giám đốc World Press Photo Khoury cho biết việc tổ chức đình chỉ ghi nhận Nick Út là tác giả không đồng nghĩa với việc rút danh hiệu Ảnh của Năm 1973 (Photo of the Year 1973) của bức ảnh.

"Giá trị bức ảnh là không thể tranh cãi. Nó tiếp tục gây ảnh hưởng ở Việt Nam, Mỹ và trên thế giới. Giải thưởng dành cho khoảnh khắc tiêu biểu của thế kỷ 20 này vẫn được ghi nhận", ông Khoury nói.

afp-20191006-1l58o9-v5-highres-2455-8846-1747388333.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7FxuO86neKYbxnfiCn28SQ

Bà Kim Phúc, người được chụp trong ảnh Em bé Napalm, tại Paris, Pháp, năm 2019. Ảnh: AFP

Em bé Napalm ghi lại hình ảnh bé gái 9 tuổi tên Kim Phúc đang la hét và bỏ chạy trong trạng thái khỏa thân sau một vụ đánh bom napalm ngày 8/6/1972. Từ trước đến nay, Nick Út, nhiếp ảnh gia người Việt làm việc cho AP, được biết đến là tác giả chính thức của bức ảnh.

Ông Út khẳng định đã chụp bức ảnh hồi năm 21 tuổi. Bức ảnh sau đó đoạt giải Ảnh của Năm 1973 từ World Press Photo, khiến ông Út trở thành phóng viên ảnh nổi tiếng.

"Toàn bộ việc này đã khiến tôi rất khổ sở và buồn phiền. Tôi hiện rất mừng vì báo cáo đã làm sáng tỏ mọi chuyện", ông nói khi AP công bố kết quả điều tra hồi đầu tháng.

Giám đốc Khoury cho biết có khả năng tác giả thực sự của bức ảnh sẽ không bao giờ được xác định một cách rõ ràng. "Đây vẫn là một chi tiết lịch sử gây tranh cãi. Quyết định đình chỉ ghi nhận ông Út là tác giả bức ảnh sẽ có hiệu lực cho đến khi có bằng chứng khác", ông nói. Ông Út chưa bình luận về quyết định này của World Press Photo.

Đức Trung (Theo Guardian, World Press Photo)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022