Hu, làm việc trong một xưởng kính ở Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang, đã có 4 con gái và đang mang thai 8 tháng. Hu cho hay chồng cô đã dọn khỏi căn hộ từ ba tháng trước và từ chối trả tiền thuê nhà, tuyên bố "nên ly hôn càng sớm càng tốt", SCMP đưa tin ngày 16/11.
"Chồng tôi muốn ly hôn vì anh ấy nhìn hình dáng bụng của tôi và nghĩ rằng tôi lại chửa con gái", Hu nói. "Anh ấy nói rất sợ có thêm con gái vì anh ấy là con trai duy nhất của cả họ. Nếu tôi không thể sinh con trai, anh ấy sẽ tìm người phụ nữ khác".
Hu cùng 4 con gái. Ảnh: SCMP.
Hu cho hay hai người đến từ vùng nông thôn nghèo ở tỉnh Quý Châu. Họ sống cùng nhau từ năm cô 15 tuổi và sinh con gái đầu lòng năm 2014, khi cô 17 tuổi. Hu đồng ý ly dị vì muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân.
"Ly hôn có cả ưu và nhược điểm. Tôi và các con sẽ không phải chịu cảnh ngược đãi nữa nếu ly hôn", Hu nói, cáo buộc chồng thường xuyên đánh đập và ngoại tình khi cô đang mang thai con thứ hai.
Hu cho hay hai vợ chồng thống nhất các con sẽ ở với mẹ sau khi ly hôn. Chồng sẽ đưa 1.000 tệ (140 USD mỗi tháng) tiền chu cấp nuôi con. Hai người sẽ trở về quê hương Quý Châu để làm thủ tục ly hôn. Tại Trung Quốc, muốn ly hôn phải về nơi đăng ký hộ khẩu.
"Dù sao anh ta vẫn còn lương tâm. Tôi cứ nghĩ anh ta sẽ không cho các con một xu nào", Hu nói. "Tôi sẽ làm việc chăm chỉ, sống tiết kiệm, để nuôi các con ăn học".
Liên đoàn Phụ nữ Lâm Hải, tổ chức bảo vệ phụ nữ của chính quyền, cho hay đã đề nghị hỗ trợ Hu và đang điều tra cáo buộc người chồng bạo lực gia đình.
Câu chuyện của Hu nằm trong số những chủ đề thu hút nhất trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây, với hơn 5 triệu lượt xem trên Weibo và 6 triệu trên Douyin. Nhiều người bày tỏ lo lắng và tức giận về cách đối xử của người chồng.
"Tôi đang tự hỏi tại sao cô ấy lại sẵn lòng sinh con cho một gã như thế?" một người viết trên Douyin. "Giới tính của con phụ thuộc nhiều vào người bố. Tại sao anh ta lại đổ lỗi cho vợ?", một người khác bình luận.
"Bây giờ là thế kỷ 21 rồi, tôi vẫn không hiểu tại sao có người thích con trai hơn con gái", một người viết trên Weibo.
Quan niệm trọng nam khinh nữ ở tồn tại lâu nay ở Trung Quốc dẫn đến tình trạng chênh lệch giới tính. Năm ngoái, tỷ lệ bé trai/bé gái là 108,3/100, giảm 9,4 so với năm 2012. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn mức trung bình thế giới là 103-107.
Hồi đầu năm, một câu chuyện khác cũng gây xôn xao mạng xã hội Trung Quốc về người mẹ đơn thân 21 tuổi làm nghề chuyển phát nhanh để nuôi con gái ba tuổi sau khi chồng chết. Cô cho hay chồng qua đời vì tai nạn giao thông, hai mẹ con bị đuổi khỏi nhà chồng vì mẹ chồng không hài lòng khi cháu nội là con gái.
Hồng Hạnh (Theo SCMP)