Chàng trai 24 tuổi gửi khoảng 70 đơn xin việc, tham dự nhiều vòng phỏng vấn, nhưng chỉ nhận được lời mời làm việc cho những vị trí có mức lương khởi điểm 90.000 tệ (gần 13.000 USD) một năm.

Sau đó, anh chú ý đến một video trên nền tảng Bilibili, trong đó vlogger gợi ý cách tìm việc lương cao là sang châu Phi. Zhu làm theo lời gợi ý, gửi sơ yếu lý lịch cho một số doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc. Vài ngày sau, anh được tuyển dụng làm trợ lý tài chính cho một tập đoàn xây dựng đang hoạt động ở châu Phi.

73-1672030418-9126-1672031139.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qGjXjA8kIjJLf6vlKDPnFg

Li Yao (giữa) nhảy múa cùng người dân địa phương trong một ngày lễ quốc gia ở Guinea ngày 2/10. Ảnh: Sixth Tone

Công ty chưa cho Zhu biết anh được cử tới quốc gia nào, nhưng mức lương đủ để thuyết phục Zhu nhận việc. Lương khởi điểm là 240.000 tệ (34.400 USD) một năm và sẽ tăng thêm hàng chục nghìn nhân dân tệ mỗi năm.

"Tôi dự định làm việc ở châu Phi vài năm sau đó về nước khi nền kinh tế tốt hơn", Zhu nói hôm 22/12. "Bây giờ tìm việc ở châu Phi dễ hơn".

Đối với thanh niên Trung Quốc, chuyển tới châu Phi trở thành lựa chọn sáng giá năm 2022. Với tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao kỷ lục, hàng triệu sinh viên tốt nghiệp chật vật tìm việc ở Trung Quốc và đang chuyển tới những nơi xa hơn.

Không rõ bao nhiêu sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học đang chuyển tới châu Phi, nhưng xu hướng này đang thu hút chú ý trên mạng xã hội. Các nhà tuyển dụng Trung Quốc cho hay nhận thấy sự gia tăng rõ rệt về số lượng và chất lượng đơn xin việc trong năm nay.

Li Yao, 26 tuổi, làm việc cho một công ty Trung Quốc ở Guinea, tận mắt chứng kiến sự thay đổi này. Từ khi bắt đầu tung video giới thiệu về cuộc sống ở Guniea năm 2020, cô thấy ngày càng nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Trung Quốc đăng nội dung tương tự.

Những bài đăng cho lời khuyên khi đến châu Phi thu hút nhiều lượt xem. Trong video, Li gợi ý cách tìm việc làm, hành lý cần mang theo, những điều nên và không nên làm khi sống ở nước khác. Cô cho hay bài đăng của mình về những chủ đề này thường nhận được vô số câu hỏi và bình luận.

"Ngay cả khi tôi không đăng những bài như thế này, thì vẫn có một hoặc hai người ngày nào cũng đặt câu hỏi như 'Đất nước châu Phi này thế nào?' hay 'Công ty này có ổn không?'", Li nói.

Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đang cân nhắc chuyển tới châu Phi có điểm chung là học ở những trường nằm ngoài Dự án 211 và 895, hai dự án gồm khoảng 100 đại học được coi là tốt nhất Trung Quốc.

Những cựu sinh viên của các trường đại học hạng trung không thuộc hai dự án trên đang chật vật tìm việc ở Trung Quốc. Các nhà tuyển dụng có xu hướng chú ý nhiều tới những trường đại học mà ứng viên đã tốt nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc tăng lên gần 20% vào mùa hè năm nay và mọi thứ dường như đang khó khăn hơn. Mùa thu năm nay, nhiều công ty giảm tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp.

Tuy nhiên, ở châu Phi, các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng sinh viên Trung Quốc mới tốt nghiệp. Thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi vẫn phát triển mạnh giữa đại dịch. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại giữa hai bên tăng lên mức kỷ lục 254 tỷ USD, tăng 35% so với năm trước. Đầu tư của Trung Quốc vào lục địa này cũng tăng đều đặn.

Ma, 24 tuổi, tốt nghiệp ngành kế toán, đồng ý chuyển tới châu Phi sau khi cố gắng tìm việc và thất bại nhiều lần ở quê nhà. Giống Zhu và Li, Ma cũng tốt nghiệp trường hạng trung và nhận ra cơ hội tìm được việc ở Trung Quốc rất hạn chế.

Cô nộp đơn ứng tuyển 300 vị trí ở Trung Quốc nhưng chỉ nhận được hai lời đề nghị với mức lương cả năm 50.000 tệ (7.160 USD). Cô sau đó xem xét các công ty Trung Quốc ở châu Phi và nhanh chóng tìm được việc làm với mức lương cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, việc làm ở châu Phi cũng bắt đầu trở nên cạnh tranh khi thông tin về khu vực này ngày càng nhiều trên mạng xã hội Trung Quốc.

57-1957-1672031139.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=08ByU4QCZ75CTBoxDRNQ3w

Một cuộc biểu tình ở DRC ngày 18/12. Ảnh: Sixth Tone

Ida chuyển tới Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) cuối năm 2021, sau khi tốt nghiệp cử nhân tiếng Pháp tại một trường hạng trung. Bên cạnh cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn, cô cho hay cuộc sống nằm ngoài chính sách Không Covid là lý do cô quyết định làm việc ở nước ngoài.

Dù mắc bệnh sốt rét tới 5 lần, cô gái 23 tuổi cho biết rất vui vì đã ra nước ngoài thành công. Ida đặc biệt ấn tượng với điều kiện sinh hoạt bao ăn ở miễn phí mà chủ lao động, một tập đoàn nhà nước Trung Quốc, cung cấp cho nhân viên.

"Chỗ ở thậm chí tốt hơn tôi mong đợi. Tôi được ở phòng một người", Ida nói. "Tôi rất hài lòng".

Luc, giám đốc đầu tư và tuyển dụng của một doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc tại Algeria, cho hay cuối năm 2021 là thời điểm quan trọng đối với các nhà tuyển dụng Trung Quốc trong khu vực.

Suốt năm 2020, khi đại dịch hoành hành ở nước ngoài nhưng bị dập tắt nhanh chóng ở Trung Quốc, nhiều công ty ở châu Phi chật vật tuyển người. Nhưng điều này đã thay đổi khi Trung Quốc tăng cường biện pháp Không Covid.

"Từ cuối năm 2021, việc tuyển dụng dễ dàng hơn và năm nay trở thành phố biến", anh nói. "Số lượng người được phỏng vấn tăng 80%".

Ida, người đang làm việc tại DRC, cho hay các sinh viên Trung Quốc từng tốt nghiệp những trường đại học ngoại ngữ hàng đầu Trung Quốc và Pháp đang nộp đơn xin việc vào công ty cô. Nhiều người thậm chí còn có bằng thạc sĩ.

Li cũng nhận thấy ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu Trung Quốc bắt đầu hỏi cô về công việc ở châu Phi. "Tôi bắt đầu tự hỏi, từ bao giờ mà việc làm ở châu Phi lại trở nên hấp dẫn như thế?" Li bày tỏ.

Giống Zhu, nhiều người coi làm việc ở châu Phi là giải pháp tạm thời, cách để tích lũy tiền tiết kiệm trong khi chờ đợi môi trường ở Trung Quốc cải thiện.

Khi được hỏi về những ưu điểm của cuộc sống ở châu Phi, đa số đều nói đến lương cao, chi phí sinh hoạt thấp, ăn ở miễn phí. Những người khác đề cập tới các kỳ nghỉ dài: nhiều công ty Trung Quốc trong khu vực cho nghỉ phép một tháng hưởng lương cho mỗi 3-5 tháng làm việc, nhiều hơn so với các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc. Một số người đánh giá cao cường độ làm việc ít căng thẳng hơn ở quê nhà.

Theo Li, hạn chế của sống và làm việc ở châu Phi là vấn đề an ninh. Cô nói với những người theo dõi trên mạng xã hội rằng điều kiện an ninh ở Bắc Phi nói chung an toàn hơn vùng nam và đông châu Phi, kém an toàn nhất là khu vực trung và tây châu Phi.

Li đang làm việc ở Guinea, nơi năm ngoái xảy ra đảo chính. Cô khuyên người lao động Trung Quốc tránh xa chỗ đông người, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng và chớ ra ngoài vào buổi tối. Cô cũng khuyên nên nhờ bạn bè là người địa phương đi cùng mỗi khi mua sắm bởi người bán thường hét giá cao vì tin rằng người Trung Quốc rất giàu.

Y tế cũng là mối quan tâm phổ biến. Theo Li, nhiều người Trung Quốc chưa từng sống ở các vùng cận Sahara nên sợ mắc bệnh sốt rét. Nhưng Ida, người mắc sốt rét ba tháng một lần từ khi chuyển tới DRC, cho hay bệnh không nặng như cúm, bởi đa số quốc gia châu Phi có hệ thống điều trị sốt rét hiệu quả.

"Tôi chỉ sợ nhiễm bệnh ảnh hưởng tới công việc vì nếu nhiễm, tôi phải tới bệnh viện truyền thuốc", cô nói.

Việc tiếp cận điều trị các bệnh phổ biến như đau răng cũng khó khăn hơn. "Dịch vụ y tế ở đây rất kém nên khó tìm được bác sĩ", Ida nói. "Chúng tôi sẽ mất khoảng hai tiếng để đến một bệnh viện đủ tiêu chuẩn do người nước ngoài làm chủ. Chi phí không hề rẻ".

Bởi những lo ngại này, đa số sinh viên mới tốt nghiệp thường chọn làm việc cho doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc. Các doanh nghiệp nhà nước thường được coi là an toàn hơn, đáng tin hơn ở Trung Quốc và điều này đặc biệt đúng khi làm việc ở nước ngoài.

"Ông chủ các công ty tư nhân đều khá lạnh lùng", Ida nói. "Các công ty nhà nước phản ứng tốt hơn nếu có xung đột. Phụ huynh cũng yên tâm hơn nếu con cái làm việc trong công ty nhà nước".

Nhưng việc các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc siết chặt an ninh cũng có nhược điểm. Nhiều người cảm thấy bị hạn chế quyền tự do đi lại. Một số người cho hay chỉ được phép rời trụ sở công ty nếu chứng minh được chuyến đi là "cần thiết" và được cấp trên cho phép.

Quanh quẩn trong ký túc xá, lao động Trung Quốc thường cảm thấy buồn chán. Nhiều người cho biết ở châu Phi rất ít thứ để giải trí như ở Trung Quốc. Thực tế, họ bị cô lập với phần lớn xã hội và thường ít đam mê khám phá văn hóa địa phương, khiến mọi thứ càng khó khăn hơn.

Li cho hay cô trở thành vlogger để lấp đầy thời gian trống. Quá buồn chán, tháng nào cô cũng khóc và thỉnh thoảng "bị suy sụp tinh thần". Cô cho rằng nhiều vlogger Trung Quốc khác ở châu Phi cũng bắt đầu quay video vì lý do tương tự.

"Tôi ở xa gia đình, xa cuộc sống thú vị ở Trung Quốc", cô nói. "Đôi khi, tôi tự hỏi tại sao mình lại dành cả tuổi thanh xuân ở châu Phi".

Nhiều người dành phần lớn thời gian lên kế hoạch quay lại Trung Quốc và lo lắng sẽ làm như thế nào. Họ cảm thấy đồng hồ đang điểm nhanh. Ở Trung Quốc, quan niệm tồn tại phổ biến là mua nhà, kết hôn, lập gia đình khi 30 tuổi.

Một số người tin rằng làm việc ở châu Phi sẽ giúp họ thực hiện mục tiêu này. Họ muốn tích lũy kinh nghiệm làm việc có ích, tiết kiệm nhiều nhất có thể, sau đó quay về Trung Quốc ổn định.

Nhưng nói dễ hơn làm. Ida lo lắng liệu có thể tìm được công việc tốt hơn nếu về Trung Quốc hay không. Kinh nghiệm mà cô tích lũy ở châu Phi có thể không được các nhà tuyển dụng trong nước đánh giá cao. "Bạn cắm rễ ở châu Phi", cô nói. "Nếu quay về, giống như bạn đang nhổ rễ chính mình".

Người lao động Trung Quốc thường nói đùa về việc bị mắc kẹt ở nước ngoài. Họ thường nói: "Nếu ở châu Phi một ngày, bạn sẽ ở châu Phi cả đời", bởi người Trung Quốc ở nước ngoài thường quen với mức lương cao, kỳ nghỉ dài, cảm giác phiêu lưu khi làm việc ở châu Phi nên khó tìm được công việc như ý ở Trung Quốc.

Trong khi đó, nhiều người đã nảy sinh tình cảm với quê hương mới. Li thường hào hứng nói về mặt trời dường như không bao giờ lặn ở Guinea. Ida say sưa với nhịp sống chậm rãi ở DRC. Suna, người ở châu Phi lâu năm, vẫn ấn tượng trước cảnh biển Địa Trung Hải sau 10 năm sống ở Algeria.

Trong khi đó, Zhu rất vui vì được chuyển tới châu Phi dù chưa chắc về nơi làm việc. Anh cảm thấy làm việc trong một khu vực năng động như châu Phi sẽ đem tới rất nhiều cơ hội.

Zhu dự định làm việc ở châu Phi trong ba năm nhưng không loại trừ khả năng ở lại lâu hơn. Anh không vội vàng kết hôn, bố mẹ sức khỏe vẫn tốt. Những kỳ nghỉ dài thậm chí cho phép anh gặp bố mẹ hai tháng một năm, lâu hơn nếu làm việc ở Trung Quốc.

"Nếu công việc thực sự có triển vọng và gia đình ủng hộ, tôi có thể dành cả đời làm việc ở châu Phi", Zhu nói.

Hồng Hạnh (Theo Sixth Tone)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022