Trên Douyin (TikTok Trung Quốc), Xiu Cai, 39 tuổi, ở Bạc Châu, tỉnh An Huy, sở hữu tài khoản 12 triệu người theo dõi. Trong các video, người đàn ông này ăn mặc theo phong cách trung niên, hát nhép các bản tình ca cũ. Xiu có 3/4 người hâm mộ là nữ giới, 64% trên 50 tuổi, đến từ các thành phố nhỏ.

Họ gọi Xiu là "em trai", coi Xiu là niềm an ủi tuổi già. Họ cũng thường tâm sự về vấn đề hôn nhân, con cái, nỗi cô đơn dưới phần bình luận. Một phụ nữ nói với truyền thông Trung Quốc rằng Xiu đã an ủi bà của cô trong quá trình điều trị ung thư giai đoạn cuối.

Nhưng Xiu thường xuyên kêu gọi những người theo dõi gửi tiền mặt và quà cho mình. Beijing Youth Daily đưa tin rằng Xiu gửi tin nhắn riêng tới những người tặng tiền để khiến họ cảm thấy được quan tâm đặc biệt. Những người khác thậm chí nói rằng Xiu tán tỉnh mình trên mạng.

efdb1d5013326e092a015fc8bcefb0-4916-1743-1695027433.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qARHcSlLnJolsgo8NpM8sQ

Xiu Cai trong một video hát nhép. Ảnh: Douyin

Một phụ nữ phải lòng Xiu đã gửi 71.500 USD vào năm 2020. Một phụ nữ khác gửi 9.600 USD, trích từ tiền chữa bệnh của mình.

Tài khoản của Xiu bị khóa ngày 2/9, trong cuộc truy quét những người có ảnh hưởng trên mạng gây hại đến xã hội. Cơ quan thuế Bạc Châu, An Huy đã mở điều tra.

Xiu Cai trở thành điểm nóng bàn tán trong dư luận toàn quốc, làm nổi bật nhu cầu tình cảm của nhóm người cao tuổi và nguy cơ họ bị lừa đảo trực tuyến, trong bối cảnh dân số Trung Quốc già hóa nhanh chóng.

Trái ngược với niềm tin rằng có cách biệt lớn về thế hệ, nhiều người cao tuổi ở Trung Quốc đang tích cực sử dụng smartphone, mạng xã hội. Họ cũng là nhóm chia sẻ thông tin, video tích cực nhất trên WeChat, mạng xã hội lớn nhất nước, theo Viện Pangoal, trụ sở ở Bắc Kinh.

Năm 2022, Trung Quốc, quốc gia 1,4 tỷ dân, có 280 triệu người trên 60 tuổi. Khoảng 100 triệu người trong số đó sống một mình, nhiều người cô đơn dành cả ngày dùng smartphone.

"Nội dung do Xiu Cai đăng tải sẽ thu hút nhóm này, bởi họ có nhiều thời gian hơn những người trung niên bận rộn với công việc, con cháu", Li Jia, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu xã hội già hóa của Viện Pangoal, giải thích.

Thiet-ke-chua-co-ten-40-7182-1695007294.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gXSC8Dnz02qsExYXV5t5Pg

Một phụ nữ cao tuổi sử dụng smartphone tại nhà dưỡng lão, ngày 26/12/2017. Ảnh: AFP

Nhiều người cao tuổi chưa quen với "thế giới ảo", không biết phân biệt đâu là thật, đâu là giả trên mạng. "Chúng ta hướng dẫn người cao tuổi dùng mạng xã hội, và sau đó chúng ta không quan tâm họ theo dõi, sử dụng thế nào", phó giám đốc Li nói.

"Người cao tuổi bị rối loạn cảm xúc có nguy cơ cao bị lừa đảo. Họ dễ xiêu lòng khi có người quan tâm, hỏi han. Và họ có xu hướng nghe theo chỉ dẫn hoặc sẵn sàng đưa tiền nếu nghe tin đối phương gặp khó khăn tài chính. Tình trạng còn nghiêm trọng hơn với những người thiếu minh mẫn, vì khả năng phán đoán của họ bị suy giảm", Lai Chi-lun, bác sĩ tâm lý ở Hong Kong, cảnh báo.

Tình trạng lừa đảo tài chính đối với nhóm người cao tuổi đang gia tăng không chỉ ở Trung Quốc mà trên toàn thế giới.

"Phần lớn tiền tiết kiệm cá nhân ở ngân hàng Mỹ, Trung Quốc thuộc về người cao tuổi. Họ có thời gian và tiền bạc, trở thành mục tiêu của những đối tượng lừa đảo", phó giám đốc Li nói.

Dù không có số liệu thống kê chính xác về tình trạng này ở Trung Quốc, giới phân tích cảnh báo người cao tuổi có thể xấu hổ khi biết bị lừa và không dám trình báo.

Dong Xinqi, giám đốc điều hành Viện Khoa học Sức khỏe Dân số ở Chicago, cảnh báo hành vi lợi dụng tài chính với người cao tuổi có thể dẫn đến "hậu quả thảm khốc, trong đó có nguy cơ tử vong sớm, nhập viện".

Giới phân tích cho rằng xử lý các trường hợp riêng lẻ sẽ không giải quyết vấn đề, thay vào đó cần lập hệ thống hỗ trợ, hướng dẫn cho nhóm người cao tuổi Trung Quốc.

afp-com-20180508-partners-035-9262-2734-1695007294.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hJRBTty2vkA4vnZa6x-BgQ

Một tình nguyện viên hướng dẫn một phụ nữ cao tuổi cách sử dụng smartphone ở tỉnh Giang Tô, ngày 3/8/2018. Ảnh: AFP

Phó giám đốc Li và bác sĩ Lai đều cho rằng cần hướng dẫn họ cách tự bảo vệ mình trên mạng. Duke Han, giám đốc Khoa Tâm thần ở Đại học Nam California, nói các công ty công nghệ "nên đóng vai trò nhất định".

"Nhiều nền tảng không quan tâm đến nhóm cao tuổi khi phát triển, triển khai ứng dụng. Họ cần các biện pháp để tăng kết nối xã hội giữa người cao tuổi với gia đình và bạn bè, tránh để họ bị người lạ lợi dụng", ông nói.

Điểm mấu chốt của vấn đề nằm ở nỗi cô đơn và tình trạng thiếu hỗ trợ xã hội phù hợp đối với nhóm cao tuổi, giới phân tích nhận định.

"Đôi khi họ có cảm giác rằng mình bị lừa. Nhưng nỗi cô đơn và mong muốn tìm người kết nối vốn là bản năng mạnh mẽ, những người nhạy cảm rất dễ rơi vào bẫy", giám đốc Dong ở Chicago nói.

Li đề xuất Trung Quốc thành lập nhiều tổ chức hỗ trợ người cao tuổi hơn, giúp họ hòa nhập tốt hơn với xã hội. "Số lượng các tổ chức và công cụ hiện chưa đủ", ông nói.

Đức Trung (Theo SCMP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022