Joel Cauchi, 40 tuổi, ngày 13/4 dùng dao làm bếp đâm chết 6 người, làm bị thương 12 người tại trung tâm thương mại Westfield Bondi Junction sầm uất ở Sydney, bang New South Wales (NSW), đánh dấu vụ thảm sát đẫm máu nhất Australia kể từ vụ cựu y tá đốt viện dưỡng lão Quakers Hill năm 2011.

Thảm kịch tấn công như vậy rất hiếm xảy ra ở Australia, một trong những nước áp luật quản lý súng đạn nghiêm ngặt nhất thế giới. Các bài đăng trên mạng xã hội của Cauchi cho thấy nghi phạm có tiền sử tâm thần này có mối quan tâm đến súng, thường tìm người "cùng sở thích".

Vụ tấn công ở NSW trở thành tâm điểm chú ý trên thế giới. Một số người ủng hộ súng đạn ở Australia và Mỹ cho rằng nếu nước này cho phép người dân tự do sở hữu súng, họ có thể đã ngăn chặn được thảm kịch này.

afp-20240413-34pc442-v4-highre-6428-1764-1713164784.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=J93XnksMZIVIFpFPPn-gdg

Cảnh sát Australia tiếp cận trung tâm thương mại Westfield Bondi Junction ở Sydney trong vụ đâm dao ngày 13/4. Ảnh: AFP

"Đây là lý do tôi ủng hộ quyền mang súng trong người. Bao nhiêu người sẽ sống sót nếu có một người tốt mang súng khi thảm kịch xảy ra?", Tara Bull, người Mỹ mang tư tưởng cực hữu, đặt câu hỏi trên mạng xã hội X.

Bài đăng của Bull, người có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, đã thu hút gần 300.000 lượt xem cùng nhiều ý kiến ủng hộ.

"Chúng ta cần phải có khả năng tự bảo vệ mình. Nếu đang sống ở một nơi hạn chế bạn có quyền làm như vậy, bạn nên chuyển đến chỗ khác sống", người dùng có tên Adam bình luận.

Tuy nhiên, ý tưởng này vấp phải làn sóng phản bác của dân Australia, những người khẳng định luật kiểm soát súng đạn được ban hành từ năm 1996 đã cứu sống rất nhiều người.

"Chúng tôi đã có người tốt mang súng rồi, đó chính là nữ cảnh sát đã bắn hạ nghi phạm", tài khoản Alan từ Australia bình luận. Amy Scott, nữ cảnh sát cấp cao, được xác định là người đã nổ súng tiêu diệt nghi phạm Joe Cauchi tại trung tâm thương mại.

"Chúng tôi từ bỏ súng để cứu người. Hãy so sánh số trẻ em, nạn nhân thiệt mạng trong các vụ xả súng so với Mỹ", một người dùng mạng Australia cho hay.

"Chúng tôi từ bỏ súng để ngăn nghi phạm tàn sát 60 người, thay vì 6 người. Chúng tôi rất mừng vì đã làm vậy", người khác viết.

"Người đàn ông này cầm dao, nhưng nếu là súng trường, thương vong có thể lên hàng trăm. Đây là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của luật kiểm soát súng nghiêm ngặt ở Australia", Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 14/4 phát biểu.

afp-20240413-34pc8ea-v2-highre-3515-3485-1713164784.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JHzORNrMNAw1CeBbbDta2Q

Một gia đình rời trung tâm thương mại Westfield Bondi Junction sau vụ tấn công ngày 13/4. Ảnh: AFP

Trong vòng 12 ngày kể từ vụ thảm sát Port Arthur khiến 35 người thiệt mạng năm 1996, tất cả 6 bang Australia nhất trí ban hành Thỏa thuận Quốc gia về Quản lý Súng đạn (NFA).

Trong đó, chính phủ thiết lập cơ quan đăng ký sở hữu súng, kèm một chương trình mua lại để người dân có thể giao nộp súng đạn cho chính phủ, đồng thời áp lệnh cấm đối với súng săn và súng trường bán tự động.

Người Australia phải trên 18 tuổi, cần trải qua khóa huấn luyện an toàn, quá trình kiểm tra lý lịch 28 ngày trước khi mua súng, phải có giấy phép sử dụng súng, đồng thời cung cấp thông tin về nơi bảo quản súng. Đáng chú ý nhất là họ cần cung cấp "lý do chính đáng" để sở hữu súng, giới chức không chấp nhận lý do "tự vệ" như ở Mỹ.

"Ở quốc gia này, chúng ta sẽ không đi theo con đường của Mỹ", cựu thủ tướng Australia John Howard nói năm 1996.

Đức Trung (Theo News Au, LSJ Online)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022