Ngày 9/8, tập đoàn Issey Miyake thông báo nhà thiết kế qua đời tại một bệnh viện ở Tokyo. Đơn vị này tôn vinh sự nghiệp 52 năm của Issey Miyake: "Tinh thần năng động của ông được thúc đẩy bởi sự sáng tạo không ngừng, mong muốn truyền tải niềm vui thông qua công việc thiết kế". Theo nguyện vọng của Issey Miyake, sẽ không có lễ tang hay sự kiện tưởng niệm sau khi ông chết.

Issey Miyake sinh năm 1938 tại Hiroshima. Ông từng theo học ngành thiết kế đồ họa tại Đại học Nghệ thuật Tama ở Tokyo, sau đó lấn sân sang thời trang bằng việc chuyển đến Paris, trở thành người học việc của Guy Laroche, sau đó làm việc cho Hubert de Givenchy.

Issey-Miyake-6191-1660054157.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tLAp3gpJtArIx71Nxt9e-A

Nhà thiết kế Issey Miyake. Ảnh: AFP

Đặc trưng váy áo của ông là những nếp gấp giống origami, biến đổi chất liệu polyester thô ráp trở nên sang trọng. Ông sử dụng công nghệ hiện đại trong dệt vải để tạo ra váy áo. Trang phục của ông nhằm tôn vinh cơ thể con người bất kể chủng tộc, dáng người, kích thước và tuổi tác.

xep-ly-miyake-jpeg-3202-1660056985.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tMMrl5wkwLKwZeS7Wgx6Vw

Một thiết kế của Miyake ra mắt năm 1994 ở Paris. Ảnh: AFP

Ông còn thiết kế chiếc áo cổ lọ bằng polyester-cotton gắn liền với Steve Jobs. Miyake từng sản xuất 100 sản phẩm với giá dưới 200 USD mỗi chiếc cho người đồng sáng lập Apple. Trang phục được thiết kế hướng tới "giảm bớt sự mệt mỏi cho người mặc". Mẫu áo trở thành xu hướng vào cuối những năm 1990, thay thế cho trang phục cần cà vạt.

297042897-382167980728253-2206-8046-2316-1660056250.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=V05Yma2ApsUWYgLlbiACow

Steve Jobs trong mẫu áo do Miyake thiết kế. Ảnh: Twitter Oliver Jia

Trong nhiều thập niên gắn bó với công việc, ông giữ lập trường "đi ngược xu hướng", xem các thiết kế của mình là "quần áo", không phải "thời trang". Miyake từng nói với New York Times vào năm 2014: "Tôi quan tâm nhất đến con người và cơ thể. Quần áo chính là thứ gần gũi nhất với mỗi chúng ta".

Năm 1968, Miyake chán nản vì cho rằng ngành công nghiệp thời trang chỉ dành cho người giàu có. Điều này thôi thúc ông thành lập xưởng thiết kế Miyake vào năm 1970, trình diễn bộ sưu tập đầu tiên ở New York vào năm 1971. Một trong những tác phẩm đầu tiên của ông là sơ mi vẽ tay bằng kỹ thuật xăm truyền thống của Nhật Bản. Pleats Please - dòng thời trang phổ biến nhất của ông về tính ứng dụng và giá thành phải chăng - được tung ra vào năm 1993.

Model-7630-1660054157.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Npzmej9epKJNYHcp-88gtQ

Các người mẫu thể hiện bộ sưu tập nam giới Xuân Hè 2023 của Issey Miyake tại Tuần lễ thời trang Paris hồi tháng 6. Ảnh: EPA

Trong một cuộc phỏng vấn với Village Voice vào năm 1983, Miyake nói: "Tôi muốn khách hàng có thể mặc chiếc áo len do tôi thiết kế cách đây 10 năm nhưng vẫn phù hợp khi kết hợp các kiểu quần năm nay".

Miyake từng sống sót sau vụ ném bom nguyên tử năm 1945 xuống thành phố Hiroshima, quê hương của ông lúc mới bảy tuổi. Ba năm sau, mẹ ông qua đời vì nhiễm phóng xạ. Năm 2009, trong một lần xuất hiện ở New York Times, Miyake nói không muốn bị gắn mác "nhà thiết kế sống sót sau bom nguyên tử", thay vào đó là người hướng đến tính sáng tạo và tinh thần lạc quan.

Hiện nhiều thiết kế của ông nằm trong Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại. Năm 2010, ông nhận Huân chương Văn hóa, được phong huân chương Bắc Đẩu bội tinh năm 2016.

Miyake giữ kín cuộc sống gia đình nhiều năm qua, ít người biết đến.

Tân Cao (theo The Guardian)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022