Trong cáo phó, gia đình diễn viên cho biết ông mất tại Bắc Kinh, Trung Quốc sáng nay, vì bệnh tật. Trên trang cá nhân, Lục Tiểu Linh Đồng - người đóng Tôn Ngộ Không - bày tỏ đau buồn, ông viết: "Bác mãi mãi là Thái Thượng Lão Quân".
Trịnh Dung trong "Tây du ký". Video: Sina
Ở tác phẩm, Thái Thượng Lão Quân là thần tiên trên Thiên đình, có nhiều phép thần thông, bảo vật. Tôn Ngộ Không phạm tội tày đình, bị ông nhốt trong lò bát quái nhưng Ngộ Không nghĩ cách thoát ra, đẩy đổ lò.
Trịnh Dung còn đóng nhiều tác phẩm nổi tiếng khác, như Tam Quốc diễn nghĩa 1994 (vai Khổng Dung), Đường Minh Hoàng, Lưỡng cung hoàng thái hậu... Trang Ifeng nhận xét diễn xuất xuất sắc cùng khí chất riêng biệt của Trịnh Dung giúp các vai diễn của ông lưu dấu ấn sâu đậm với khán giả. Ngoài đóng truyền hình, điện ảnh, Trịnh Dung là nghệ sĩ sân khấu kỳ cựu.
Nghệ sĩ Trịnh Dung mừng thọ năm ngoái và tạo hình ông trong "Tây du ký". Ảnh: Sina
Năm nay, êkíp Tây du ký kỷ niệm 40 năm phim bấm máy, ra mắt. Trên trang cá nhân, nhà quay phim Vương Sùng Thu cho biết vì dịch, các thành viên trong đoàn không thể tái ngộ. Hơn nữa, nhiều nghệ sĩ, nhân viên hậu trường tuổi cao sức yếu, khó quy tụ. Hôm 21/12, chuyên gia tạo hình của phim - Vương Hy Chung - qua đời ở tuổi 94. Ông là người tạo hình, hóa trang cho thầy trò Đường Tăng cùng các nhân vật Ngọc hoàng, Phật Tổ Như Lai, Quan Âm Bồ Tát, Bạch Cốt Tinh...
Tây du ký khởi quay năm 1982 và chiếu lần đầu năm 1986, do Dương Khiết (1929-2017) đạo diễn, Vương Sùng Thu quay phim cùng dàn diễn viên chính Lục Tiểu Linh Đồng, Mã Đức Hoa, Trì Trọng Thụy, Từ Thiếu Hoa... Trong bối cảnh giao thông, vận chuyển chưa thuận lợi, đoàn phim ghi hình tại nhiều nơi hiểm trở như Hỏa Diệm Sơn ở Tân Cương, rừng sâu ở Cát Lâm, thác ở Cửu Trại Câu, chùa trên vách núi ở tỉnh Sơn Tây... Dù kỹ xảo thô sơ, Tây du ký thành tác phẩm kinh điển, giữ kỷ lục phim được phát lại nhiều lần nhất ở Trung Quốc.
Như Anh