Đông Thiên Đức tiết lộ: Anh viết ca khúc theo đơn đặt hàng nhưng gói ghém trong đó cả nỗi cô đơn và niềm đau đã trải qua của thời tuổi trẻ buồn vui mãnh liệt. Ngoài “Ai chung tình được mãi” anh còn tạo những cơn “bão” khác trong quá khứ như “Thêm một lần đau” hay “Thay thế”. Hiện tại, ca khúc “Sao cũng được” của anh cũng đang tung hoành. Nhưng tác giả “Ai chung tình được mãi” cho biết, anh lớn lên từ bao nhọc nhằn, tủi hờn và cả những giọt nước mắt rơi trên sân khấu…

dong-thien-duc-tren-san-khau-2-3030.jpg
Đông Thiên Đức trên sân khấu.

Thời không đủ tiền mua chai nước uống

Đông Thiên Đức tên thật Đặng Hữu Đức, sinh năm 1987, tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, trong một gia đình không ai theo nghệ thuật. Anh tiết lộ về nghệ danh: “Tôi sống thiên về tình cảm. Khi vào Nam học tập và lập nghiệp tôi rất nhớ nhà, nhớ quê, lúc nào cũng tưởng tượng ra cảnh quê nhà. Tôi không lấy họ mình vào nghệ danh vì đường đời ai mà biết được, có người thích mình, có người ghét mình… Tôi không muốn ai đó mang họ tôi ra mắng, chửi, giễu cợt nên mới lấy chữ 'Đông', 'Đông' cũng gần với 'Đặng'. Nhà tôi cũng nằm hướng đông”.

Thuở hăm hở vào đời, Đông Thiên Đức không chọn âm nhạc làm nghiệp. Anh vốn là dân công nghệ thông tin: “Trước đó, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ đi theo ngành nhạc. Đam mê của tôi là công nghệ thông tin. Tôi tự học lập trình từ năm lớp 10. Đến lớp 12 đã khá “món” này. Về sau, tôi làm lập trình web và đồ họa lĩnh vực truyền thông. Công việc thuận buồm xuôi gió. Những năm 2008 - 2009, tôi mở công ty chuyên thiết kế website, có nhiều khách hàng là doanh nghiệp. Nhưng sau đó, tôi bị tai nạn giao thông nên bị mất khách”. Dòng đời đưa đẩy Đông Thiên Đức đến với nghệ thuật.

Anh biết mình có năng khiếu âm nhạc song để chinh phục mảnh đất mới, Đông Thiên Đức quyết định đi học: “Tôi đăng ký một lớp học luyện thanh và sáng tác. “Đứa con tinh thần” đầu tiên của tôi chào đời cũng khoảng năm 2008-2009”. Ít nhạc sĩ nổi tiếng ngay từ ca khúc đầu tiên, Đông Thiên Đức cũng vậy, anh bùi ngùi chiêm nghiệm: “Làm nghệ thuật không dễ như tôi tưởng. Nhưng đã bước vào nó, tôi càng ngày càng say…”. Khi ca khúc viết ra chỉ để cất ngăn kéo, Đông Thiên Đức buộc phải đi hát kiếm tiền để tồn tại giữa chốn đô thị bon chen: “Cát-xê đầu tiên của tôi chỉ được khoảng 50.000 đồng sau đó lên 150.000 đồng. Thuở ấy, giọng tôi khá giống giọng Khánh Phương nên tôi thường hát ca khúc của anh ấy”.

Tại sao Đông Thiên Đức không hát ca khúc của chính mình? Tôi hỏi. Chàng nhạc sĩ ăn khách hiện nay cười, đáp: “Lúc đó tôi đã có sáng tác nhưng không có tiền để hoà âm, phối khí. Tôi còn không có tiền để ăn, nói gì đến tiền hoà âm phối khí?”. Đến đây, giọng Đông Thiên Đức chùng xuống: “Tôi từng đi diễn trong tình trạng không đủ tiền mua một chai nước, tôi khát nước mà không biết lấy nước ở đâu để uống. Trong khi nhìn sang những ca sĩ khác, chỉ cần kêu khát nước, quản lý đã tới liền, đưa nước tận miệng, chỉ cần ngửa cổ uống thôi. Bỗng nhiên tôi thấy tủi, tôi khóc tại sân khấu, thầm cầu xin: Sao con khổ thế này! Nếu Tổ nghiệp thương con, hãy giúp con. Con chịu hết nổi rồi”. Chẳng biết Tổ nghiệp thấu lời Đông Thiên Đức nên đã dang tay đón anh, hay nỗi nhọc nhằn, tủi hổ đã biến thành cảm hứng để anh viết “Thêm một lần đau”: “Khi tôi đưa bài cho một nhóm nhạc, họ không thèm hát, còn mắng tôi: Anh bị khùng hả? Anh nghĩ nhóm em là gì mà hát cái bài này? Lúc đó, người ta chỉ nghĩ đến những tên tuổi nhạc sĩ đã thành danh, đình đám, sao nghĩ tới bài hát của kẻ vô danh như tôi? Nhưng rồi, về sau họ cũng hát và thu được thành công bất ngờ. “Thêm một lần đau” đã trở thành “hit” đình đám một thời”, Đông Thiên Đức nhớ lại.

Chính ca khúc “Thêm một lần đau” đã đưa cuộc đời nhạc sĩ quê Bình Định sang trang mới mà chính anh cũng không hình dung được: “Hồi đó, tôi xài chiếc điện thoại Nokia trắng đen, cũng không có tiền để trả tiền phòng trọ luôn. Bỗng một hôm tôi nhận một tin nhắn từ bên ngân hàng gửi tới, tài khoản của tôi được cộng thêm một khoản tiền trong mơ, hơn 400 triệu đồng. Đó là nguồn thu từ nhạc chuông, nhạc chờ… của ca khúc “Thêm một lần đau”. Đông Thiên Đức không mang số tiền ấy để tiêu xài cho bõ những ngày kham khổ, anh dùng chúng để đầu tư cho âm nhạc, ra album, ra ca khúc mới… và đi đến một quyết định: Gắn bó với “người tình” âm nhạc dài lâu.

Đam mê nhưng… tỉnh táo

Đông Thiên Đức đã có vợ và hai con trai. Anh có thói quen cứ ra khỏi nhà là kéo theo cả vợ và con cùng đi cho vui: “Tôi đang sống ở Bình Dương vì Sài Gòn xô bồ quá”, nhạc sĩ nói. Vợ anh thuộc mẫu phụ nữ của gia đình, sẵn sàng gánh vác mọi việc để chồng chuyên tâm sáng tác. Người phụ nữ ấy chưa bao giờ hát “Ai chung tình được mãi”, dù yêu thích và tự hào về “đứa con tinh thần” của chồng. Nhạc sĩ tự nhận là người đàn ông “không mơ mộng, không đa tình, hết lòng vì gia đình”.

Theo Đông Thiên Đức một bạn trẻ yêu âm nhạc nếu muốn theo đuổi con đường này và gặt hái thành công, cần cả đam mê và tỉnh táo. “Luôn biết mình phải làm gì và đặt ra mục tiêu cụ thể: Trong 3 năm sẽ gặt hái gì? Sau 5 năm sẽ được gì? Nếu sau 5 năm vẫn giậm chân tại chỗ thì nên nghĩ đến sự dừng lại. Tôi thấy nhiều bạn đam mê âm nhạc lao theo mù quáng, bỏ lỡ cả thanh xuân của mình, rồi sinh ra chán nản. Rất tội. Nếu bạn đam mê thì hãy đặt kế hoạch học nhạc lý. Đã làm nhạc bắt buộc phải học, không học không thể làm được”, anh nhắn gửi. Bản thân Đông Thiên Đức vẫn đang tiếp tục học mỗi ngày: “Tôi tự học là chính, trau dồi liên tục vì âm nhạc là vô hạn”.

Dùng chữ “cô đơn” để nói về cô đơn thì… quá dễ!

Trở lại với ca khúc “Ai chung tình được mãi”. Lúc này, Đông Thiên Đức đã có chỗ đứng vững chắc được tạo nên từ những bản “hit” trước đó: “Ai chung tình được mãi” được viết theo đơn đặt hàng của một ca sĩ. Bạn ấy muốn viết về nỗi cô đơn. Nhưng tôi không thích dùng chữ “cô đơn” để nói về nỗi cô đơn. Như thế dễ quá. Cô đơn tận cùng, ấy là khi ta không còn ai bầu bạn, phải đánh thức cả bình minh, gọi cả màn đêm để giãi bày. Những câu hát đầu tiên bắt đầu như thế: “Bình minh ơi dậy chưa, cà phê sáng với tôi được không/Chơi vơi qua ngày đông sao thấy cô đơn và lạc lõng/Đêm ơi đã ngủ chưa ngồi đây uống với tôi vài ly/Say thì cứ say, yêu thì bỏ đi…”. Người hát “Ai chung tình được mãi” đầu tiên chính là ca sỹ Đinh Tùng Huy. Đến nay, trên YouTube, “Ai chung tình được mãi” của Đinh Tùng Huy đã đạt 64 triệu lượt xem. Các ca sĩ nổi tiếng đua nhau thử sức với ca khúc này, từ Minh Tuyết, Hồ Ngọc Hà, Hoài Lâm, Noo Phước Thịnh… đến cả những giọng ca bolero cũng bị cuốn vào, như Phương Mỹ Chi, Như Quỳnh… Nhưng Đông Thiên Đức lại không nhân cơ hội “cover” ca khúc của chính mình: “Nếu tôi cover bài của chính tôi thì “Ai chung tình được mãi” sẽ còn phổ biến hơn nữa. Nhưng tôi không làm. Nói thật, nhiều người còn không tin tôi viết ca khúc này vì tôi không thuộc lời luôn”, nói đến đây nhạc sĩ sinh năm 1987 cười vui vẻ. Hoá ra, nếu bật karaoke lên thì Đông Thiên Đức mới hát được trọn bài.

gia-dinh-dong-thien-duc-9130.jpg
Gia đình nhỏ của Đông Thiên Đức.

Dù ca khúc ăn khách được viết theo đơn đặt hàng nhưng Đông Thiên Đức không viết “Ai chung tình được mãi” bằng hư cấu, sắp đặt chữ nghĩa: “Bài hát phải xuất phát từ cảm xúc thật của tác giả. Tôi viết trong một đêm, vào hồi tháng 4 năm 2021, không sửa. Với tôi, chỉ khi cực chẳng đã mới phải sửa bài, còn thì giữ nguyên, tôn trọng cảm xúc”. Nhạc sĩ cho biết anh đã phải đấu tranh để giữ mấy chữ “dan dan díu díu mập mờ”: “Khi thu âm người ta đã định bỏ đi. Vì từ cổ chí kim chẳng ai dùng như vậy. Nhưng tôi nói, bằng mọi giá phải giữ lại cho tôi, bởi những chữ này không phải đưa vào cho vui…”. Cảm hứng của câu hát: “Sợ chạm vào nỗi nhớ vu vơ dan dan díu díu mập mờ” bắt đầu từ kỷ niệm buồn trong quá khứ của tác giả: “Tôi từng có mối quan hệ không vui. Người ta ứng xử không đẹp với tôi. Tôi biết nhưng vẫn cố giữ. Nếu gọi là phản bội thì hơi nặng nên tôi dùng từ dan díu. Nhưng lại thấy dùng dan díu thôi vẫn không đủ phản ánh hiện trạng. Vì thế tôi viết dan dan díu díu mập mờ”.

Ngoài hai câu đầu tiên của ca khúc, Đông Thiên Đức còn thích một câu khác, chỉ tiếc sau này người hát đã sửa. Lý do được anh tiết lộ: “Họ sửa để con gái cũng hát được, con trai hát cũng được: “Đôi chân mang lặng thinh thương một người không hề toan tính”. Thấy hợp lý nên tôi đồng ý. Nhưng sửa câu này khiến bài hát mông lung hơn một chút”. Nguyên bản câu hát ấy: “Đôi chân mang lặng thinh bước một mình mặc đời khiêu khích”. Anh giải thích: Nhân vật trong bài hát, chọn cuộc đời cô đơn dù xung quanh có nhiều người “bật đèn xanh”. Vì thế, mới dẫn đến câu sau: “Nhiều khi muốn một mình nhưng sợ cô đơn”.

Nhạc sĩ ngày xưa thường bị gắn với chữ “nghèo”. Nhạc sĩ ngày nay, nếu có nhiều ca khúc nổi tiếng, thừa sức sống ung dung. “Ai chung tình được mãi” mang lại cho Đông Thiên Đức những gì? Anh không tiết lộ con số cụ thể từ tiền bản quyền, chỉ nói: “Nhờ Ai chung tình được mãi và bản “hit” mới đây là “Sao cũng được” thì cuộc sống của tôi cũng đỡ hơn rất nhiều. Năm vừa rồi chúng tôi tậu thêm được một chiếc xe, một căn nhà”.

Anh vẫn luôn nhớ quê nhà Bình Định nhưng do quá bận rộn với đơn đặt hàng nên Đông Thiên Đức chỉ về quê vào những dịp đặc biệt như lễ tết hay giỗ chạp: “Ở quê ai cũng biết tôi là tác giả của “Ai chung tình được mãi”, vì bài hát phổ biến quá, tôi muốn giấu cũng không được”. Tôi hỏi, khi đã thành người nổi tiếng, người quê đón nhận anh ra sao? Đông Thiên Đức chia sẻ: “Người ở quê vẫn cười như trước kia khi nhìn thấy tôi. Nhưng nụ cười hôm nay họ dành cho tôi tươi hơn và không còn gượng gạo”./.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022