Tối 18/12, Công ty Cổ phần Hoàn vũ Sài Gòn (Unicorp) - đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam - thông báo tạm ngưng hợp tác bản quyền đề cử đại diện Việt Nam tham gia Miss Universe.
- Thảo Nhi Lê còn cơ hội nào để thi đấu quốc tế nếu mất suất ở Miss Universe?
Nắm bản quyền cử đại diện Việt Nam dự thi Hoa hậu Hoàn vũ từ năm 2008 với nhiều cái tên nổi bật như Thùy Lâm, Võ Hoàng Yến, Hoàng My, Phạm Hương, H'Hen Niê, Ngọc Châu... quyết định của công ty khiến nhiều người tiếc.
Tuy nhiên, với một số fan sắc đẹp, điều này không quá bất ngờ. Sau khi Miss Universe đổi chủ, nhiều biến động xảy ra với chủ tịch quốc gia, giám đốc nắm giữ bản quyền Miss Universe ở nhiều nước.
Nếu không xảy ra vụ đấu thầu, Thảo Nhi Lê (trái) sẽ đại diện Việt Nam tại Miss Universe sau Ngọc Châu.
Miss Universe Vietnam đổi chủ sau 15 năm
Năm 2008, Unicorp là đơn vị nắm bản quyền đại diện Việt Nam tham dự Miss Universe. Công ty còn đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ quốc tế năm 2008.
Sau nhiều năm cử đại diện thi Miss Universe, công ty có một số thành tích như H'Hen đạt top 5 (MU 2018), Hoàng Thùy top 20 (MU 2019), Khánh Vân top 21 (MU 2020) và Kim Duyên top 16 (MU 2021).
Năm 2022, Ngọc Châu là đại diện Việt Nam tại Miss Universe nhưng không đạt thành tích cao. Cô chấm dứt chuỗi intop của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam tại đấu trường nhan sắc.
Trong lúc nhiều người kỳ vọng Thảo Nhi Lê đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2023, việc Unicorp tuyên bố không nắm giữ bản quyền đại diện Việt Nam dự thi Hoa hậu Hoàn vũ khiến nhiều người thắc mắc cho cơ hội thi quốc tế của Á hậu 1 Miss Universe Vietnam 2022.
Từ ngày 19/2, Unicorp không còn là đối tác cử đại diện Việt Nam đến Miss Universe. Điều này đồng nghĩa với việc Miss Universe Vietnam chính thức thay đổi sau 15 năm.
Hiện, đơn vị mới nắm giữ bản quyền Miss Universe Vietnam đã xuất hiện. Trang cá nhân của cuộc thi thông báo sẽ ban tổ chức sẽ ra mắt ngày 24/3.
Unicorp chọn và cử đại diện Việt Nam đến Miss Universe, thành tích cao nhất thuộc về H'Hen Niê.
Trang cá nhân missuniversevietnam.official được tổ chức Miss Charm nhấn theo dõi. Vì vậy nhiều người cho rằng bà Thúy Nga - chủ tịch Hoa hậu Sắc đẹp - sẽ nắm bản quyền. Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong , trưởng ban giám khảo Miss Charm chia sẻ bà không biết gì về thông tin trên.
Hiện tại, công ty nào nắm giữ bản quyền Miss Universe Vietnam vẫn còn là ẩn số.
Trong lúc đó, Unicorp tuyên bố họ vẫn là đơn vị chính thức nắm bản quyền tên gọi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Năm nay, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vẫn tổ chức, chung kết diễn ra cuối năm. Chỉ khác một điều, tân hoa hậu không tham dự Miss Universe quốc tế.
Tiền Phong liên hệ Unicorp đặt câu hỏi về khả năng thi quốc tế của tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam nhưng công ty chưa giải đáp, cho biết sẽ phản hồi sau khi có kế hoạch chính thức.
"Với thông báo về việc tiếp tục công tác tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023 cùng những thành công đạt được trong nhiều năm vận hành hoạt động của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Unicorp khẳng định là đơn vị duy nhất nắm giữ quyền sở hữu đối với cuộc thi nói chung và thương hiệu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam nói riêng", đại diện công ty cho biết.
Lý do nhiều quốc gia từ bỏ Hoa hậu Hoàn vũ
Sự xuất hiện của nữ tỷ phú chuyển giới người Thái Lan Anne Jakrajutatip làm thay đổi cục diện Miss Universe. Hiện bà là người nắm 100% bản quyền sau khi mua lại Miss Universe vào năm 2022 và có toàn quyền quyết định với cuộc thi, từ cách thức tổ chức đến việc thương thảo hợp đồng, gia hạn bản quyền thi Miss Universe với các quốc gia.
Từ khi sở hữu cuộc thi, bà Anne quyết định "thay máu", đưa ra nhiều chiến lược gây tranh cãi. Ngày 8/2, tổ chức Miss Universe gửi thư đến giám đốc quốc gia bàn tiền duy trì bản quyền cuộc thi. Từ năm 2023, công ty ở các nước đấu thầu để giành quyền tổ chức và cử đại diện Miss Universe.
Thư nói rõ Miss Universe muốn đơn vị đấu thầu trả giá cao nhất sẽ giữ giấy phép Hoa hậu Hoàn vũ. Chiến lược này nhanh chóng tạo ra nhiều bàn luận và ý kiến trái chiều. Nhiều người đặt nghi vấn cuộc thi ở các quốc gia khả năng cao bát nháo do không cố định đơn vị tổ chức. Nếu rơi vào công ty có kinh tế nhưng không có kinh nghiệm tổ chức, thương hiệu Miss Universe sẽ xuống cấp.
Sau quyết định của bà Anne, nhiều công ty nhiều năm qua gắn bó với Miss Universe ở các quốc gia - trong đó có Việt Nam - chọn cách từ bỏ.
Ngày 12/2, ông Nevin Rupear - giám đốc quốc gia Hoa hậu Mauritius và Seychelles - từ chức. Ông là người nắm bản quyền cử đại diện Mauritius và Seychelles đến Miss Universe.
Chia sẻ về việc từ chức và không tiếp tục đồng hành cùng Miss Universe, Rupear nói: "Đấu thầu không dành cho tôi. Tôi có giá trị hơn rất nhiều so với một ai đó bỏ tiền đấu giá nhiều hơn. Với những nỗ lực mà chúng tôi tôi đã bỏ ra kể từ năm 2016, đó là điều không thể định lượng được".
Trước đó, vụ việc Puteri Indonesia - đơn vị nắm bản quyền cử đại diện thi Miss Universe gần 20 năm qua - mất quyền tổ chức cuộc thi dù thương lượng tiền bản quyền cao gấp 10 lần khiến người trong cuộc và fan sắc đẹp sốc.
Ngày 8/2, công ty PT Capella Swastika Karya do diễn viên nổi tiếng Poppy Capellaa làm chủ tịch mở họp báo, công bố chính thức sở hữu bản quyền của Miss Universe tại Indonesia. Điều đó khiến tổ chức Puteri Indonesia bất ngờ.
Chiến lược của bà Anne Jakrajutatip khiến nhiều người bất bình.
Mega Angkasa - trưởng bộ phận truyền thông của tổ chức Puteri Indonesia - nói: "Tổ chức Puteri Indonesia bất ngờ vì chúng tôi vẫn chờ tin chính thức từ Giám đốc Nhượng quyền Toàn cầu của Miss Universe - Carlos Capetillo về việc tiếp tục cấp phép như những năm trước".
Bà Mega cho biết tổ chức chỉ có 3 ngày làm việc kể từ ngày Miss Universe thông báo tiền gia hạn bản quyền. Puteri Indonesia gửi giá thầu theo lịch trình MUO yêu cầu và đề nghị tăng tiền bản quyền lên gấp 10 lần so với năm 2022.
Dù vậy, đơn vị cử đại diện Indonesia đến Miss Universe suốt 20 năm qua vẫn mất bản quyền trước công ty đối thủ.
Ban tổ chức Miss Universe Ghana cũng là đơn vị tiếp theo quyết định từ bỏ đấu thầu để giữ bản quyền cuộc thi. Công ty Malz Promotions cho biết họ không còn phù hợp với tiêu chí mới của Miss Universe.
"Việc triển khai mô hình kinh doanh mới một cách đột ngột của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ dưới sự lãnh đạo của Tập đoàn Toàn cầu JKN không phù hợp với các mục tiêu của Malz Promotions, vì vậy chúng tôi muốn chấm dứt mối quan hệ với Hoa hậu Hoàn vũ", Malz Promotions tuyên bố.
Trong thông báo của Unicorp ngày 18/2, công ty cho biết chiến lược mới của nữ tỷ phú người Thái Lan khiến Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam từ bỏ quyền cử đại diện thi Miss Universe.
"Trước tình hình tổ chức Miss Universe thay đổi chủ sở hữu mới đến từ Thái Lan, sau thời gian suy xét kỹ lưỡng trên nhiều yếu tố và nhận thấy những định hướng kinh doanh mới của Miss Universe không còn phù hợp với chiến lược và mục tiêu phát triển lâu dài của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.
Vì vậy, Unicorp quyết định tạm ngưng hợp tác với tổ chức Miss Universe trong việc giữ bản quyền đề cử đại diện Việt Nam tham gia Miss Universe từ năm 2023", đại diện Unicorp tuyên bố.
Quyết định đấu thầu gay gắt để giành bản quyền Miss Universe của bà Anne Jakrajutatip khiến nhiều người bất bình. Thậm chí có người cho rằng tổ chức đang đi ngược tiêu chí của cuộc thi. Sau Indonesia, Mauritius, Seychelles, Ghana và mới nhất là Việt Nam, nhiều người dự đoán sẽ có thêm quốc gia từ bỏ vì tiêu chí gắt gao này.