Dù thế nào thì vợ chồng cũng cần phải nói chuyện
thu-huyen-tan-minh-1.jpg Thu Huyền nghĩ, cả chị hay anh Minh đều không phải là người hoàn hảo. Hai người cũng giống như hàng trăm, hàng triệu các cặp vợ chồng khác trên thế giới khác, cũng cáu gắt, cũng có xích mích, xung đột nhau. Nhưng, đã là vợ chồng thì phải chia sẻ với nhau. Chỉ có sự chia sẻ mới có thể giúp người này hiểu người kia. Thu Huyền rất quan trọng việc hai vợ chồng phải nói chuyện, dù bận thế nào, vất vả đến đâu cũng phải dành chút thời gian tâm sự cùng nhau. Đôi khi cuộc nói chuyện chỉ là những sự nhỏ nhặt thôi, như chuyện nhận xét người này thế này, người kia thế kia, rồi “buôn dưa lê” lan man sang ti tỉ thứ vớ vẩn trên đời. Nói gì cũng được, miễn là phải nói vì có nói thì vợ mới hiểu chồng đang nghĩ gì và chồng cũng mới hiểu quan điểm, cách nhìn của vợ như thế nào. Thu Huyền đã nhìn rất nhiều cái gương tày liếp của nhiều gia đình khác, khi họ bận bịu, vất vả, về đến nhà chỉ còn ngồi nghỉ được thôi chứ chưa nói gì đến nói chuyện. Không trò chuyện, không “buôn dưa” với nhau lâu dần tạo thành một khoảng cách và dần xa nhau. Thu Huyền cũng nghĩ, cũng có thể do tính chị nói lắm, hay nói nên cứ buộc phải “tâm sự” với chồng suốt ngày. Nhưng, nói thì phải có người nghe. Điều quan trọng hơn cả và là yếu tố quyết định để sự sẻ chia giữa hai vợ chồng được thuận hòa là người nghe phải biết lắng nghe. Ở nhà Thu Huyền, bao giờ hai vợ chồng cũng cố gắng ăn cơm cùng với nhau để tranh thủ nói chuyện trong bữa cơm, có những hôm cả ngày đi làm mệt mỏi, đêm đến 1-2 giờ sáng hai vợ chồng còn “thắp đèn” để nói chuyện. Đấy cũng là “chiêu thức” khiến cặp vợ chồng có tiếng tốt là thuận hòa và hạnh phúc trong làng giải trí xứ Bắc luôn tìm được tiếng nói chung. Thu Huyền sợ nhất là vợ chồng hay chấp nhặt những chuyện lặt vặt trong nhà. Sống chung thì đương nhiên có chuyện này chuyện kia, nhưng cứ chấp nhặt nhau sẽ sớm đôi người đôi ngả. Chị thú thực là vợ chồng thật đấy, yêu thương và tình nghĩa đủ cả nhưng để sống tốt với nhau là điều không đơn giản chút nào. Khi Thu Huyền làm gì, chị cũng đều nghĩ xem nếu mình ở địa vị của anh Tấn Minh thì anh ấy sẽ nghĩ gì về vấn đề này, anh ấy sẽ phản ứng ra sao. Khi mình đặt tâm trạng, suy nghĩ của mình vào suy nghĩ của người khác thì chắc chắn mỗi người sẽ tìm được cho mình một cách ứng xử sao cho tốt nhất và sống tốt hơn cho nhau. Bản thân Thu Huyền thấy may mắn vì lấy chồng… muộn. 29 tuổi chị mới cưới, khi đó Tấn Minh cũng đã 30. Đàn ông thì bình thường nhưng với phụ nữ thế là cũng “chín” lắm. Tuy nhiên, cái “chín” cũng có cái giá trị của nó, khi đó Thu Huyền cũng đã va chạm xã hội nhiều rồi nên chị cũng đã trang bị cho mình một vốn sống nhất định, chị thấu hiểu hơn việc làm thế nào để ứng xử tốt với chồng, chia sẻ với chồng để đặt nền tảng cho một hạnh phúc vững vàng. Thu Huyền rút ra kinh nghiệm, muốn sống trong nhà thoải mái thì có chuyện gì cũng phải nói, không bao giờ được giữ sự ấm ức trong lòng. Sự ấm ức đó rất dễ gây bùng nổ và làm cuộc sống không còn vui vẻ nữa. Một lần ấm ức, hai lần ấm ức thì sẽ dồn nén giống như một quả bom, chỉ chờ cơ hội rồi phát nổ và tan vỡ. Ở vị trí một phụ nữ, Thu Huyền cũng hiểu tính phụ nữ khi được chiều thì hay hiếu thắng. Tấn Minh là người chiều vợ và cũng biết “nhịn” vợ, nhưng người hiền thì hay… cục tính, khi anh mà đã tức giận và cáu thì cũng biết tay, dù cho anh rất ít khi cáu giận. Thu Huyền biết cái tính đó nên khi có vấn đề gì căng thẳng một chút là chị phải kìm cái tính hiếu thắng của mình lại, tìm cách lảng ra chỗ khác để dừng câu chuyện. Chuyện nhỏ thường dễ thành chuyện lớn, Thu Huyền quan niệm, nếu người phụ nữ biết nhịn bớt một chút để giữ hòa khí thì sẽ có hạnh phúc. Sau đó, chắc chắn các ông chồng sẽ hiểu ra mọi chuyện và hòa giải được. Gia đình chị là thế, hạnh phúc anh chị vun vén chỉ từ những chuyện nho nhỏ như thế. Lựa nhau để sống tốt cũng là một nghệ thuật phải học và nghiên cứu mới có thể “ứng dụng”. Nhưng quan trọng đã là vợ chồng thì nên nghĩ về cái chung nhiều hơn là nghĩ về bản thân mình thì cuộc sống sẽ rất dễ chịu.Nguyên tắc của hạnh phúc: phụ nữ đừng quá ôm đồm
thu-huyen-tan-minh-2.jpg Nhanh nhẹn, tháo vát và cũng nổi tiếng đảm đang nấu nướng, nhưng Thu Huyền luôn giữ nguyên quan điểm là không bao giờ “lấn sân” sang trách nhiệm của chồng trong gia đình. Không hẳn là sự phân công công việc trong nhà, nhưng việc ai người đó phải làm và đó là cách để mỗi người đều cùng lo lắng cho cái tổ ấm của mình. Hai đứa con nhỏ nhưng Thu Huyền lúc nào cũng được người khác nói là sướng vì cứ tênh tênh thế thôi, thích đi chơi lúc nào thì đi. Đã đành là Thu Huyền và Tấn Minh cũng có ông bà bên cạnh giúp đỡ việc chăm sóc con cái, nhưng không hẳn đó là lý do để chị được “tênh tênh” như người ta thấy. Thu Huyền đặc biệt không bao giờ tham lam quá nhiều việc và hy sinh quá cho gia đình. Nếu nghe thế, người ta dễ nghĩ chị vô trách nhiệm, nhưng không, sự không ôm đồm, không tham lam của chị lại mang lại nhiều hiệu quả rất tuyệt vời trong đời sống vợ chồng. Trong nhà, chị biết việc gì cần làm và việc gì chị sẽ không bao giờ làm. Việc chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa thì đương nhiên là việc của phụ nữ rồi nhưng những việc như sửa chữa nhà cửa, lắp bóng đèn, sửa máy nước … thì đó là việc của Tấn Minh, chị không bao giờ đụng đến. Có những khi, một món đồ trong nhà hỏng đến cả tuần, anh Minh bận không sửa được, chị cũng cứ kệ đó, nhất định không chịu gọi thợ. Chị nói: “Em có thể gọi thợ được ngay nhưng đó là việc của anh!”. Như thế, Tấn Minh hiểu được cái trách nhiệm của anh với việc nhà và anh buộc phải lo lắng đến điều đó, có ý thức với việc nhà hơn. Bảo rằng Thu Huyền “khôn”, thì chị nói không hẳn thế mà phụ nữ ai cũng nên như vậy. Nếu cứ chiều chồng, lo hết mọi việc trong nhà thì sẽ đến một ngày, người phụ nữ không còn sức để thở nữa, sẽ không còn có thời gian quan tâm được đến vẻ ngoài của mình và rồi sẽ làm chồng chán khi mình cẩu thả, tất bật quá. “Giữ sức” để lo cho chồng, cho con cũng là bí mật của hạnh phúc. Khi người phụ nữ có nhiều thời gian hơn, khỏe mạnh hơn tinh thần cũng họ cũng thư thái hơn thì họ sẽ có nhiều điều kiện để tìm đến những giây phút lãng mạn, yêu thương với chồng. Rất nhiều người bạn của Thu Huyền suốt ngày than thở khi bị chồng dồn hết công việc nhà cửa lên đôi vai nhỏ bé của họ, rồi thì họ tấm tức, rồi thì khen Tấn Minh là chồng tốt, chồng hay biết chia sẻ công việc cho vợ. Nhưng, Thu Huyền nghĩ, người chồng biết sẻ chia hay không cũng phải tùy vào cách thức “trị” của người vợ. Thu Huyền cũng tin rằng, một trong những điều làm nên hạnh phúc của gia đình chị chính là sự đảm đang và khéo tay của chị. Thu Huyền tự hào mình có cái khả năng sắp xếp mọi việc rất khoa học để ở nhà dù bận bịu thế nào cũng rất ngăn nắp. Khi có con là khi mọi việc xáo trộn nhất từ đời sống đến nội thất nhà cửa, nhưng chị luôn biết cách làm sao để mọi thứ nhẹ nhàng và đơn giản, không quá ảnh hưởng đến công việc của cả hai vợ chồng. Khi yêu nhau, Tấn Minh còn không hề biết Thu Huyền biết nấu ăn, bởi khi chị còn ở với bố mẹ, Thu Huyền chẳng phải làm gì, hôm nào cũng chỉ có đi làm về ăn cơm rồi lên giường đi ngủ. Mọi thứ khác đều đã được bố mẹ thu xếp hết cả. Tấn Minh cũng lo lắm khi người phụ nữ của mình không có tài nội trợ, nhưng vì yêu quá rồi nên anh Minh thủ thỉ: “Thôi, sau này mình đi ăn cơm hàng cũng được, không sao đâu”. Khi cưới nhau rồi, thấy Thu Huyền trổ tài nấu ăn, Tấn Minh hoàn toàn bất ngờ, không những thế lại còn nấu ăn ngon là đằng khác, Tấn Minh vui lắm và càng yêu vợ hơn. Dù thế nào đi chăng nữa thì “đường đến trái tim của người đàn ông cũng đi qua dạ dày” mà, dù có những người đàn ông không coi trọng lắm đến thiên chức của người phụ nữ, nhưng người phụ nữ vẫn phải có sự đảm đang, một chút tài nội trợ để gìn giữ chính hạnh phúc lâu bền của mình. Thu Huyền rất nể chồng vì chị thấy Tấn Minh là người đàn ông biết ý, tinh tế. Dù mê món ăn chị nấu, thích ăn cơm không khí gia đình, nhưng khi thấy chị mệt mỏi thì anh cũng lại rủ rê chị đi ăn hàng để “giải phóng” cho chị. Thu Huyền cũng lại rất “khôn”, biết tính chồng hiền, dễ nhờ vả, thi thoảng chị lại nhờ anh một chút làm công việc của bà nội trợ như rửa bát chẳng hạn. Bình thường, người đàn ông hay nghĩ rằng việc rửa bát ấy chẳng có gì, làm một loáng là xong rồi, vô cùng đơn giản và nhẹ nhàng. Và Tấn Minh cũng cần phải xem cái sự đơn giản ấy như thế nào, Thu Huyền khéo nhờ chồng rửa bát, khi đứng rửa bát cả tiếng đồng hồ, Tấn Minh cũng mới chợt chặc lưỡi kêu mệt và hiểu được cái sự vất vả của người vợ với việc gia đình. Và Thu Huyền cho rằng, người phụ nữ muốn giữ được hòa khí và hạnh phúc trong nhà cần phải lựa chồng để có những nghệ thuật đặc biệt bắt chồng cũng phải chia sẻ với vợ, thông cảm với vợ.