Nghệ sỹ đàn bầu Hoàng Anh Tú

Hoàng Anh Tú (chồng cũ của Thanh Thanh Hiền) được người cha dẫn dắt con vào thế giới của nhạc cụ dân tộc và coi cây độc huyền cầm như số phận của mình.

Hoàng Anh Tú là một nghệ sỹ đàn bầu nổi tiếng. Gần đây, nhiều người còn quan tâm đến anh bởi những bài báo về cuộc chia tay với người vợ - nghệ sỹ cải lương tài sắc, Thanh Thanh Hiền.

Nghe tiếng đàn bầu Hoàng Anh Tú

Riêng với NSƯT Hoàng Anh Tú anh hạnh phúc khi được sống chết với cây đàn bầu truyền thống, mang nó đến với công chúng, và kiếm tiền từ nó để nuôi hai cô con gái nhỏ mà anh coi như ý nghĩa sống của cuộc đời. Những năm bẩy mươi của thế kỉ trước, người ta chuộng nhạc cụ phương Tây, vậy mà khi hướng nghiệp cho con trai Hoàng Anh Tú, cha anh - một giáo viên dạy chính trị - lại dẫn dắt con vào thế giới của nhạc cụ dân tộc. Kể từ đó, cậu bé 8 tuổi nghiễm nhiên coi cây độc huyền cầm như là "số phận" của mình. Kể cũng lạ, sinh ra trong một gia đình không làm nghệ thuật vậy mà Anh Tú lại tỏ ra có năng khiếu và sự tương thích nhanh chóng với cây đàn bầu. Cứ thế, bao năm qua đi, đàn với anh như hình với bóng.

dan1.jpg

Hoàng Anh Tú biểu diễn tiết mục hát xẩm cùng con gái Thanh Thanh Tấm
Khi biểu diễn, anh đắm đuối theo từng ngón tay gẩy vì thế thanh âm như có hồn hơn, réo rắt, ngây ngất hơn. Trong suốt 15 năm (1971 - 1985) theo học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) anh luôn đạt thành tích học tập xuất sắc, nhiều lần tham gia hội diễn, hội thi, và biểu diễn phục vụ khách quốc tế. Ra trường anh ước mơ thành lập nhóm nhạc dân tộc.
Nhưng phải chờ đến khi "đầu quân" ở Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long mong ước của anh mới được thực hiện. Nhóm nhạc "Mưa rừng" chính là nơi để NSƯT Anh Tú cùng những người bạn "cháy hết mình" cho niềm đam mê biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Tiếng đàn cùng phong cách biểu diễn chuyên nghiệp của chàng nghệ sĩ họ Hoàng liên tiếp mang về cho anh những thành công và nhiều giải thưởng lớn.
Đến với Thanh Thanh Hiền sau khi chia tay người vợ đầu và có một cô con gái, anh từng tâm sự: "Dường như mọi thứ giữa tôi và Hiền hợp nhau đến không ngờ". Nhưng cuộc sống hạnh phúc chấm dứt bằng một cuộc chia tay lặng lẽ. Anh Tú không oán trách, không lên báo kể tội "người cũ" như nhiều "nghệ sỹ" vẫn làm bởi chỉ đơn giản: "Tôi cố gắng sống làm sao để các con ít bị mất mát nhất, cố gắng để các con không cảm thấy bị mất đi một gia đình.
Các con đi học về, gia đình tôi vẫn có bữa cơm đầm ấm, bố ngồi đó ăn, vui đùa cùng các con, chăm lo cho nó, nó cũng cảm thấy có một mái ấm gia đình, có bố, có bác giúp việc, chỉ có mẹ nó là đi vắng thôi. Thỉnh thoảng mẹ nó vẫn về, tôi vẫn tạo điều kiện để mẹ con gặp nhau, vui đùa với nhau. Nói chung là tôi tránh sự đau xót, nếu vợ chồng đằng nào cũng chia tay thì nên cố gắng làm sao chia tay văn hóa nhất, làm sao vẫn còn sự tôn trọng nhau cùng cả gia đình, khi ấy các con nhìn vào còn thấy nhiều thứ tốt đẹp. Chặng đường phía trước mặt tôi còn dài lắm".
chongTTH1.jpg
 
Từ hơn một năm nay, người dân Thủ đô đi dạo ở khu vực hồ Hoàn Kiếm vào buổi tối thường được thưởng thức tiếng đàn bầu của các nghệ sĩ biểu diễn ở Nhà Kèn (phía sau tượng đài Lý Thái Tổ). Đây là chương trình bảo tồn và quảng bá cây đàn bầu dân tộc do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội chủ trì và CLB Hoàng Anh Tú thực hiện.
Hoàng Anh Tú chọn Nhà Kèn làm nơi để biểu diễn bởi đây là một sân khấu ngoài trời quen thuộc của người Hà Nội. Sân khấu này tồn tại từ thời Pháp thuộc. Đây cũng là nơi đủ rộng, thoáng để biểu diễn và quảng bá cây đàn bầu Việt Nam. Anh chia sẻ: "Tôi xuất thân là một nghệ sĩ chơi đàn bầu, càng tìm hiểu về cây đàn bầu tôi càng thấy cái hay của nó, từ âm thanh đến sự độc đáo trong cách chơi đàn. Đàn bầu là loại nhạc cụ rất gần gũi với người Việt, dễ làm, dễ chơi, sử dụng được ở nhiều nơi khác nhau. Tuy thế, không phải ai cũng hiểu hết về cây đàn bầu, nhất là trong thời đại người ta chơi nhiều nhạc cụ tây, cây đàn bầu càng trở nên lép vế trong những buổi trình diễn âm nhạc. Số người tìm hiểu cây đàn bầu càng ít so với những loại nhạc cụ dân tộc khác. Bởi vậy, với mong muốn rất nhỏ nhoi là mọi người hiểu hơn về cây đàn bầu nên tôi đến đây trình diễn". Diễn không lấy cat xê, thậm chí thỉnh thoảng còn mang theo cô con gái nhỏ, được ví như một tài năng hát dân ca nhí đi diễn cùng bố.
 
Chắc thời buổi này ít nghệ sỹ dám bỏ ra một tuần đến ba buổi tối làm công việc anh đang làm. Bởi được biết anh rất bận rộn, nào phối khí, sáng tác, làm nhạc cho sân khấu, vừa rồi sáng tác nhạc cho một số festival, phối nhạc cho các ca sĩ cần phần đệm, lại còn điều hành Cty riêng và câu lạc bộ đàn bầu biểu diễn tại tư gia hàng đêm. Ý tưởng biểu diễn giới thiệu cây đàn bầu của Hoàng Anh Tú trùng hợp với chương trình của Sở VH, TT& DL đang ấp ủ là sẽ tiến hành biểu diễn lần lượt những nhạc cụ dân tộc khác như nhị, sáo, trống cơm nhưng chưa thể thực hiện vì còn vướng vấn đề kinh phí. Anh trải lòng: "Đàn bầu trong cuộc sống bây giờ cũng bị lãng quên nhiều, ra ngoài trời biểu diễn mình khoe được tiếng đàn với giới trẻ, giới trẻ bây giờ ít biết về đàn bầu, khi tôi làm ở Nhà Bát Giác họ tò mò lắm. Người trẻ của mình đi nước ngoài đây đó mà không biết cội nguồn cây đàn bầu như thế nào trong khi Tây thì họ lại biết. Giới trẻ cũng chẳng có lỗi gì, với cuộc sống thế này, con mình cũng học suốt như thế, khi giải trí thì chơi game chứ ai biết đến đàn bầu. Lỗi do mình, mình chưa cập nhật, quảng bá được. Tôi đang cố gắng tìm trên mạng, học hỏi hàng ngày để làm sao tìm được ngôn ngữ của thời đại bây giờ đưa vào đàn bầu. Tôi phải nghiên cứu làm sao để họ thích dạng nhạc đó, đàn bầu thể hiện được tất cả những ngôn ngữ nhạc của thế giới đấy. Đêm nào tôi cũng tập luyện, cứ 2-3h sáng lại dậy tập, cốt để làm sao giữ chân khách. Làm sao để một bà đi tập thể dục qua đứng lại xem rồi đứng mãi không về được thì là thành công. Người Tây nói một câu rất giản dị là cái hay từ trong nhà đi ra, mình đánh đàn làm sao thu hút được ngay từ hàng xóm của mình, còn cứ đi Pháp, Mỹ rồi lên báo chí, nhưng ở nhà đàn đầy mạng nhện thì… Phải làm sao thuyết phục được dân Hà Nội mình mới là quan trọng". Của để dành và niềm tự hào của anh là hai cô con gái đáng yêu, đặc biệt là cô bé út có nghệ danh Thanh Thanh Tấm (tên thật là Hoàng Anh Thái Phương). Nhiều người đến Nhà Kèn xem biểu diễn chỉ để thưởng thức tiết mục Say trăng và Mục hạ vô nhân của cô bé và bố. Cô bé con này từ khi chưa biết đọc đã có khả năng cảm thụ âm nhạc, đặc biệt là nhạc dân ca rất tốt. Khi nói sõi cũng là lúc Thanh Thanh Tấm biết nghêu ngao những bài dân ca, lớn thêm chút nữa, những bài cô bé hát tự nhiên có nhịp, điệu rõ ràng. Ngạc nhiên trước khả năng của con, Hoàng Anh Tú dành thời gian luyện tập thêm cho con. Và khi lên 5 tuổi, cô bé đã cùng cha mình đi khắp nơi trong và ngoài nước biểu diễn. Mới  hơn 6 tuổi, nhưng Tấm đã có gia tài riêng là một CD thu âm 5 ca khúc gồm các bài dân ca: Mời nước mời trầu, Lý ngựa ô, Lý kéo chài, Say trăng và một bài xẩm Mục hạ vô nhân. Hoàng Anh Tú đang mơ làm được một liveshow, nơi mà cây độc huyền cầm thể hiện được đủ cung bậc, đủ giai điệu khiến khán giả không thể chán được, liveshow ấy sẽ là cầu nối để khán giả trẻ biết đến độc huyền cầm thật rộng rãi và tự hào về nó. Anh còn ấp ủ thực hiện một bộ phim ca nhạc về nhạc truyền thống nói chung và đàn bầu nói riêng. Anh đã viết xong kịch bản với những nhân vật sinh động, lồng vào đó là những giai điệu cổ truyền... Trong thời gian hiện thực các dự án ấy, căn nhà đầy ắp không khí nghệ thuật tại 221 Hoàng Hoa Thám của nghệ sỹ Anh Tú vẫn luôn mở cửa đón những người yêu đàn bầu nói riêng và nhạc cụ truyền thống nói chung.