Vì sao học cùng một lớp, một cô giáo, cùng một khoảng thời gian như nhau nhưng con người khác thì đạt điểm số cao còn con bạn lúc nào thành tích cũng lẹt đẹt? Có phải đây là điều khiến nhiều phụ huynh cảm thấy đau đầu, thậm chí cau có, bực mình và quát mắng con.
Tuy nhiên quát mắng cũng chẳng được ích lợi gì. Điểm số của con bạn chẳng thể nào tăng vụt vì một trận đòn roi, mắng mỏ của cha mẹ. Trái lại, con còn cảm thấy áp lực, sợ hãi việc học hơn.
Thực chất, mỗi đứa trẻ có một thế mạnh, tiềm năng học tập khác nhau. Cái cha mẹ cần làm không phải thúc ép mà là tìm ra được điểm mạnh của con. Từ đó chúng ta giúp con có phương pháp học tập phù hợp với bản thân.
Cuốn sách "Mỗi đứa trẻ một cách học" của tác giả Cynthia Ulrich Tobias có lẽ sẽ là "cứu cánh" cho những cha mẹ đang loay hoay với vấn đề này.
Cuốn sách "Mỗi đứa trẻ một cách học".
Cynthia là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy về chủ đề giáo dục, đồng thời là diễn giả nổi tiếng của nhiều hội thảo, khóa đào tạo cho doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, trường học trên khắp thế giới và là khách mời đặc biêt của nhiều chương trình phát thanh, truyền hình Bắc Mỹ. Với nhiều năm kinh nghiệm về giáo dục và định hình phong cách học tâp, trong cuốn sách này, Cynthia đã cung cấp một bộ công cụ thực hành để giảng dạy theo thế mạnh của trẻ, đưa trẻ vào con đường học tập tốt nhất.
Cha mẹ cần phải vượt qua suy nghĩ cũ
Muốn con học tập tốt, trước hết cha mẹ cần phải bỏ đi những suy nghĩ cũ. Đó là quan niệm cho rằng thông minh và thành công phải thể hiện trong kết quả xuất sắc ở môi trường học tập truyền thống. Trí thông minh thật ra rất đa dạng. Nếu bạn giúp con nhận ra loại hình thông minh của trẻ và phát huy nó, trẻ sẽ tự tin hơn và bộc lộ những khả năng mà thậm chí bạn không hề nghĩ đến.
Và ngay cả khi con bạn gặp một số khó khăn trong học tập, bạn vẫn có thể giúp trẻ thành công nếu xác định được phong cách học tập của trẻ và phân tích xem khó khăn nào là do con chưa học theo phương pháp phù hợp với phong cách tự nhiên của mình và khó khăn nào hoàn toàn vì lý do tâm lý hay thể chất.
Cuốn sách có tất cả 12 chương.
Có những phong cách học tập mà cha mẹ chưa từng nghe tới
Cuốn sách của Cynthia gồm tất cả 12 chương, trong đó đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi cốt lõi của cha mẹ như:
- Phong cách học tập của bản thân bạn và của trẻ là gì?
- Cách bố trí không gian, nhiệt độ, ánh sáng, thời gian học nào phù hợp nhất với phong cách ấy?
- Đâu là cách giúp trẻ tập trung và ghi nhớ hiệu quả nhất?
- Làm thế nào xác dịnh những thế mạnh và hạn chế của trẻ cũng như của chính bạn trong quá trình học tập?
- Đâu là những sai lầm mà các bậc cha mẹ hay thầy cô không bao giờ nên phạm phải?
- Nên giúp trẻ học tập theo cách nào để hạn chế những bất đồng?
Trước hết, Cynthia giúp cha mẹ nhận biết được rằng, con trẻ nhận thức về cuộc sống khác với chúng ta. Mỗi đứa trẻ là một cá nhân độc đáo với sở trường và sở thích riêng. Những năng lực bẩm sinh này sẽ định hình cái gọi là phong cách học của trẻ. Sẽ có những phong cách học mà cha mẹ chưa từng nghe tới tên, chẳng hạn như: Phong cách học cụ thể - theo trình tự; phong cách học trừu tượng - theo trình tự; phong cách học trừu tượng - ngẫu nhiên; hay phong cách học cụ thể - ngẫu nhiên;...
Từ việc định nghĩa các phong cách học, Cynthia đi đến việc giúp cha mẹ biết được cách giúp trẻ tập trung ra sao, ghi nhớ thông tin thế nào..., những yếu tố vô cùng quan trọng trong việc học. Có những yếu tố mà cha mẹ thường bỏ qua như "môi trường học" mà không biết rằng nó tác động lớn đến sự tập trung của trẻ.
Không phải cứ ngồi học một giờ cố định mỗi tối trong một căn phòng sạch sẽ, yên tình, đủ ánh sáng, bàn ghế tươm tất, không có điều gì mất tập trung là có thể học tập tốt. Đôi khi việc ngồi bệt ra sàn, xung quanh đầy giấy tờ bừa bộn lại giúp một người tập trung vào việc học tập hơn và điều này thuộc về phong cách học. Mỗi người có một sở thích riêng, cách học của người này chưa chắc đã phù hợp với người kia.
Cuốn sách cũng chỉ ra chúng ta có thể thông minh theo bao nhiêu cách, hay làm thế nào để kết hợp các phong cách học, cũng như sự khác nhau giữa phong cách học và những khiếm khuyết trong việc học. Ở các chương này, cha mẹ nhận ra mình đã nôn nóng trong việc học của con.
Rất nhiều tình huống xảy ra mà các bậc phụ huynh có thể hiểu nhầm là con họ cố tình trêu ngươi hay chọc tức bố mẹ nhưng thực ra đó chỉ là vì khác biệt trong cách tiếp cận và quan điểm.