Ngày 14/3, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, một bé gái vừa chào đời tại bệnh viện cùng vòng tránh thai của mẹ trong bánh nhau.
Trước đó, chị N.T.C.T (32 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long với chẩn đoán con lần 2 thai 38 tuần, ngôi đầu, chuyển dạ sanh. Ngay sau khi tiếp nhận, ê kíp đã theo dõi và chuyển sản phụ lên phòng sinh. Sau khoảng 45 phút, sản phụ sinh thường. Bé gái nặng 3,5 kg, chào đời an toàn, khỏe mạnh.
Điều đặc biệt, bé gái chào đời cùng một chiếc vòng tránh thai của mẹ trong bánh nhau. Sau khi bé chào đời, các bác sĩ đã cho bé cầm vòng tránh thai để chụp ảnh kỷ niệm.
Bé gái chào đời cùng vòng tránh thai ở bệnh viện Hoàn Mỹ Củu Long.
Hiện tại, sức khỏe của mẹ và bé đã ổn định. Chia sẻ về hoàn cảnh hi hữu này, vợ chồng chị T cho biết, trước đó, vì có kế hoạch sinh con nên chị T đã đặt vòng tránh thai. Nhưng cách đây 9 tháng, chị T chậm kinh nên đi khám thì phát hiện có bầu, dù vòng tránh thai vẫn đặt đúng vị trí. Chị và chồng đã quyết định giữ con và theo dõi tại bệnh viện.
BS.CK1 Đào Bích Chiền (Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long) cho biết theo thống kê, phụ nữ đặt vòng vẫn có trường hợp mang thai nhưng rất hiếm, chỉ xuất hiện với tỷ lệ 2% trên thế giới. Tuy nhiên, việc mẹ đặt vòng tránh thai rồi chẳng may có bầu tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thai nhi.
1. Đặt vòng tránh thai, sao vẫn có bầu?
Theo các bác sĩ tại bệnh viện Hồng Ngọc, việc mẹ đặt vòng tránh thai nhưng vẫn có bầu là do các nguyên nhân sau:
Tuột vòng tránh thai: Vòng tránh thai bị rơi ra mà không biết; Vòng nằm trong khoang tử cung ở vị trí thấp gần cửa cổ tử cung nên không khống chế được sự phát triển và quá trình đưa phôi vào trong tử cung; Kích cỡ của vòng không phù hợp với kích thước của tử cung hoặc do vòng đã bị biến dạng làm mất đi tác dụng của vòng tránh thai; Nội mạc tử cung không thích ứng với vòng tránh thai cho nên cũng không đạt được hiệu quả tránh thai mong muốn. Vòng tránh thai chưa hoạt động: chẳng hạn, vòng tránh thai nội tiết cần đến 7 ngày để bắt đầu có hiệu quả. Trong thời gian khuyến cáo, nếu không sử dụng thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ khác thì rất có thể dính bầu. Phụ nữ cũng có thể mang thai khi đặt vòng đã quá hạn sử dụng do đơn vị không uy tín thực hiện.
Trong tất cả các nguyên nhân trên thì tuột vòng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến có thai dù đã đặt vòng.
2. Tuột vòng tránh thai nguyên nhân do đâu?
Dù là phương pháp tránh thai an toàn nhưng đặt vòng tránh thai cũng có thể gây một số phản ứng với cơ thể nữ giới. Một số trường hợp bị tuột vòng tránh thai, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do:
Phản ứng co thắt của cơ thể khi đặt vòng
Khi đặt vòng tránh thai vào bên trong buồng tử cung được coi là một dị vật. Vì vậy, cơ thể có thể sẽ có các phản ứng co thắt dẫn đến tuột vòng tránh thai ra khỏi tử cung. Ở một số trường hợp không có dấu hiệu bị tuột vòng tránh thai, dấu hiệu bị lệch vòng tránh thai. Vì vậy, đã dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn.
Vòng tránh thai được đặt quá lâu
Nếu thời gian đặt vòng vượt quá tuổi thọ của vòng sẽ dẫn đến bị tuột vòng tránh thai. Thông thường vòng tránh thai có tác dụng trong khoảng từ 3-5 năm. Vòng tránh thai bằng đồng có thể sử dụng được khoảng từ 5-10 năm. Khi đã hết tuổi thọ của vòng, các chị em cần chủ động đi tháo vòng để tránh tình trạng vòng bị mòn, gãy rơi vào ổ bụng rất nguy hiểm.
Hoạt động mạnh khi vòng tránh thai chưa ổn định vị trí
Sau khi đặt vòng tránh thai nữ giới cần được nghỉ ngơi hợp lý và tránh có những hoạt động quá mạnh để giúp cho vòng tránh thai có thể ổn định vị trí trước. Thường là khoảng 1 tuần và kiêng quan hệ tình dục ít nhất là từ 2 tuần. Nếu bạn quan hệ tình dục quá sớm hay hoạt động mạnh ngay sau khi đặt vòng thì nguy cơ tụt vòng tránh thai là rất cao.
Đặt vòng tránh thai sai kỹ thuật
Dù là thủ thuật đơn giản nhưng nếu bác sĩ thực hiện chưa có kinh nghiệm cũng có thể gây nên các sai sót. Bác sĩ không đủ tay nghề dễ khiến vòng tránh thai không được đưa đến tận đáy tử cung hoặc sau khi đặt vòng không cẩn thận kéo vòng ra gần miệng cổ tử cung. Việc này là nguyên nhân khiến tuột vòng tránh thai dễ dàng hơn.
Do không nắm rõ vị trí đặt vòng
Phụ nữ sau khi sinh con, tử cung thường co giãn to hoặc trong thời kỳ cho con bú, kinh nguyệt chưa xuất hiện trở lại nên tử cung rất nhỏ. Tử cung quá to hay quá nhỏ nếu dùng loại tránh thai không phù hợp thì đều có thể dẫn đến tình trạng tuột vòng.
Vòng tránh thai không phù hợp với tử cung
Tuột vòng tránh thai có thể là do kích thước tử cung và kích thước vòng tránh thai không tương đồng với nhau. Tuy nhiên, nguyên nhân này thường ít khi xảy ra.
3. Rủi ro khi đặt vòng tránh thai mà vẫn có thai
Rủi ro lớn nhất là thai ngoài tử cung. Nếu gặp trường hợp này, chị em cần được xử lý ngay và không được giữ thai.
Đối với thai nhi phát triển trong tử cung thì việc mang thai ngoài ý muốn khi đã đặt vòng cũng có thể có rủi ro như:
+ Sảy thai trong vòng 20 tuần đầu;
+ Sinh non trước tuần thứ 37 của thai kỳ;
+ Vỡ ối sớm trước khi bắt đầu chuyển dạ;
+ Bóc tách nhau thai (bóc tách một phần hoặc toàn bộ);
+ Nhau tiền đạo (nhau thai che phủ một phần hoặc hoàn toàn cổ tử cung);
+ Viêm nhiễm vùng chậu;
+ Em bé sinh ra nhẹ cân.
Ngoài ra, cũng có thể việc tiếp xúc với hormone trong một số vòng tránh thai có thể ảnh hưởng đến thai nhi sau này. Đã có báo cáo về bất thường bẩm sinh ở trẻ sinh ra ví dụ: Việc tiếp xúc với mức độ proestin tăng lên có liên quan đến việc tăng cường nam tính hóa cơ quan sinh dục ngoài ở thai nhi.
Khi có thai mà không phải thai ngoài tử cung ngay cả khi mẹ đã đặt vòng, mẹ không nên lo lắng. Nếu mẹ muốn giữ em bé, mẹ hãy đi khám sớm. Trước tiên, bác sĩ sẽ tìm và tháo bỏ vòng tránh thai khỏi cơ thể mẹ. Nếu mẹ tiếp tục mang thai thuận lợi, hãy khám thai định kỳ để được theo dõi sức khỏe trong thai kỳ một cách thường xuyên.
Bác sĩ sẽ giúp mẹ thực hiện các kiểm tra, đánh giá, xét nghiệm để phát hiện bất thường sớm nhất đồng thời cảnh báo các nguy cơ nếu có.
Ngoài ra, mẹ nên chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần thật tốt là tiền đề cho thai nhi phát triển khỏe mạnh. Bởi vì có rất nhiều trường hợp trẻ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh mặc dù mẹ có thai trong khi đã đặt vòng.