Khi đại dịch dần lùi đi và các chính sách hạn chế, đóng cửa được dỡ bỏ, giảm bớt, ngành du lịch đã chứng kiến đà hồi phục mạnh. Chỉ trong quý đầu năm nay, thế giới đã ghi nhận 117 triệu lượt du khách quốc tế, tăng 182% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thái Lan không chào đón du khách tới hút cần sa
Thành phố ở Trung Quốc quen thuộc với du khách ngoại quốc nhưng lạ lẫm với nhiều người bản địa
Chưa kể, tình trạng quá tải liên tiếp tại các sân bay lớn như Heathrow (London, Anh) hay Pearson (Toronto, Canada) cũng là minh chứng cho việc ngành du lịch đang dần bắt nhịp lại như trước đại dịch.
Tuy nhiên, theo Euronews, đây cũng là thời điểm nhiều quốc gai trở nên "kén chọn" hơn với những vị khách đến viếng thăm mình. Tuần trước, Bộ trưởng Du lịch New Zealand đã nhắc lại mong muốn thu hút "du khách chất lượng cao" chứ không phải những người du lịch bụi trên xe cắm trại và "tiêu 10 đô mỗi ngày bằng cách ăn mì gói".
Nhiều quốc gia bắt đầu ban hành chính sách hạn chế khách du lịch bụi.
Trong suốt đại dịch COVID-19, các cơ quan du lịch trên khắp thế giới đã và đang thử nghiệm các chính sách nhập cảnh có chọn lọc. Giờ đây, họ đang triển khai các kế hoạch phục hồi - nhiều trong số đó mang tinh thần "chất lượng hơn số lượng".
Giảm thiểu du lịch quá tải có thể có tác động tích cực đến môi trường và cộng đồng địa phương ở các điểm đến nổi tiếng. Nhưng liệu điều này có biến ngành công nghiệp thành đặc quyền cho giới siêu giàu?
Với chi phí nhiên liệu tăng cao báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên bay giá rẻ, theo một cuộc phỏng vấn gần đây của đài BBC với giám đốc điều hành hãng hàng không Ryanair, Michael O'Leary, du lịch tiết kiệm có lẽ sẽ dần thành dĩ vãng.
Quần đảo Fiji
Trong suốt thời kỳ đại dịch, Fiji đã định hình bản thân là một điểm đi trốn cho các tỷ phú thế giới. Hồi tháng 6 năm 2020, đảo quốc này khởi động chương trình "Làn Xanh" (Blue Lanes) để ưu tiên các du thuyền "đang muốn trốn thoát khỏi đại dịch tại một thiên đường".
Trong một bài đăng lên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Fiji mời chào các tỷ phú với phi cơ tư nhân đến thuê một hòn đảo cho riêng mình.
Trước COVID, ngành du lịch chiếm 38% nền kinh tế của Fiji. Để bắt đầu quá trình phục hồi, đảo quốc Nam Thái Bình Dương tiếp tục tập trung vào loại hình du lịch hạng sang.
Kế hoạch Du lịch của Fiji cho năm 2022 đến 2024 cam kết "thu hút và mở rộng các phân khúc khách hàng có giá trị cao" và khuyến khích "tăng trưởng chi tiêu của du khách" để thúc đẩy du lịch bền vững.
Indonesia
Vào tháng 9 năm 2021, Indonesia gia nhập danh sách các quốc gia mong muốn tìm kiếm du khách "chất lượng" sau đại dịch.
Bộ trưởng điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư của Indonesia, Luhut Binsar Pandjaitan cho biết: "Chúng tôi sẽ hướng tới mục tiêu du lịch chất lượng ở Bali, vì vậy chúng tôi sẽ không cho phép khách du lịch bụi tham gia một khi kế hoạch mở cửa trở lại cho khách quốc tế chính thức được thực hiện trong tương lai gần", theo nguồn tin trên báo địa phương Bali Sun.
Dù sau đó ông làm rõ rằng mình muốn đề cập đến những du khách "có thể vi phạm quy định về y tế hay nhập cư của đất nước", việc xuất hiện vào năm nay của các thương hiệu khách sạn sang trọng như Banyan Tree và Jumeirah ở Bali cho thấy hòn đảo này đang muốn rời xa khỏi hình ảnh du lịch bụi và tiến gần đến du lịch hạng sang.
New Zealand
Kế hoạch phục hồi du lịch sau đại dịch của New Zealand đặt mục tiêu là những du khách sở hữu khối tài sản lớn.
Bộ trưởng Du lịch Stuart Nash phát biểu tại hội nghị thường niên của Hội đồng Xuất khẩu Du lịch của New Zealand vào tháng này: "Đó không phải là những du khách nhảy lên một chiếc xe cắm trại và… đi vòng quanh đất nước của chúng ta với chi tiêu 10 đô New Zealand (145.000 đồng) mỗi ngày bằng cách ăn mì gói".
Thay vào đó, ông muốn thu hút những du khách "chi nhiều tiền hơn một chút, ở lại lâu hơn một chút".
New Zealand cuối cùng đã mở lại biên giới của mình vào tháng 8 năm nay, với kế hoạch quản lý tốt hơn ngành du lịch bằng cách giảm thiểu tình trạng quá tải và cải thiện tính bền vững.
Thái Lan
Theo Euronews, ngành du lịch của Thái Lan đang dần phục hồi sau nhiều tháng bị hạn chế bởi COVID, vốn đã kiểm tra mức độ sẵn sàng của du khách trong việc chấp nhận các chương trình kiểm dịch tốn kém.
Muốn tận dụng điều này và giảm bớt hình ảnh "thiên đường du lịch bụi" đã tồn tại nhiều năm, nhà chức trách Thái Lan yêu cầu các khách sạn và doanh nghiệp không thu hút khách du lịch bằng các khoản giảm giá lớn.
Phó Thủ tướng Anutin Charnvirakul phát biểu tại một sự kiện du lịch vào tháng 7/2022: "Chúng ta không thể để mọi người đến Thái Lan và nói chỉ vì nó có giá rẻ.
Thay vào đó, ông gợi ý đất nước nên tập trung vào việc nâng cao giá trị của mình như một điểm đến du lịch cao cấp, theo Reuters.
Thái Lan cũng hy vọng sẽ thu hút dân du mục kỹ thuật số có thu nhập cao với thị thực mới 10 năm làm việc tại nước này. Chỉ dành cho những người có thu nhập từ 80.000 USD (gần 1,9 tỷ đồng) trở lên mỗi năm, thị thực loại này càng chứng minh mong muốn thu hút đất nước đối với những du khách giàu có.
Tây Ban Nha
Hồi tháng 7 vừa qua, tờ Greek Reporter đưa tin Tây Ban Nha đã áp dụng quy định về mức chi tiêu tối thiểu đối với du khách đến từ khu vực ngoài EU.
Cụ thể, đất nước Địa Trung Hải yêu cầu rằng khách du lịch ngoài EU phải cung cấp bằng chứng về việc có đủ tiền cho các chuyến đi của họ với mức 100 Euro (hơn 2,3 triệu đồng) mỗi ngày như một giới hạn chi tiêu tối thiểu. Chính sách này không được nhiều người hoan nghênh.
Nguyên tắc do Bộ Nội vụ Tây Ban Nha ban hành yêu cầu các khoản tiền phải ở dạng ngoại tệ, séc du lịch, tiền mặt, thư thanh toán hoặc thẻ tín dụng có đủ tiền.
Ngoài ra, các yêu cầu về chứng minh tài chính còn cao hơn nữa, vì khách du lịch có thể phải cung cấp bằng chứng họ có tổng số tiền tối thiểu là 900 Euro (21,2 triệu đồng) cùng với 2 hình thức chứng minh khác, vé khứ hồi hoặc vé đi và bằng chứng về chỗ ở.
Italia
Thành phố Venice, trung tâm du lịch nổi tiếng của nước Ý đã xác định rằng trong khi hơn 30.000 đến 40.000 du khách xuất hiện mỗi ngày để chụp ảnh tự sướng tại Cầu Rialto, vắt qua Quảng trường St. Mark và lê la qua Cung điện Doge, họ có hại nhiều hơn là có lợi.
Để loại bỏ những khách du lịch giá rẻ, thành phố có kế hoạch tính phí những người đi xe đạp trong ngày từ 3 đến 10 Euro (70.000 đến 230.000 đồng) để vào thành phố bắt đầu từ tháng 1 năm sau. Nhà chức trách vẫn đang xác định các chi tiết cuối cùng, bao gồm cách tính phí và thực thi các khoản phí.
Áp lực phải hành động sẽ trở nên rõ ràng hơn vào mùa hè này khi người tiêu dùng dành khoản tiết kiệm từ trong đại dịch cho các chuyến du lịch. Theo hiệp hội thương mại Assoturismo Confesercenti, số lượng du khách đến 100 thành phố lịch sử hàng đầu của Ý - bao gồm Venice, Rome và Florence - dự kiến sẽ tăng khoảng 25% lên 27,4 triệu người.
Nguồn: Euronews, Bloomberg, Greek Reporter
https://afamily.vn/chi-khach-giau-duoc-chao-don-mot-so-nuoc-ban-hanh-quy-dinh-han-che-du-lich-bui-20220819192614838.chn