Đã cuối vụ gấc, chị em nội trợ nên tranh thủ tích trữ ít gấc để cả năm dùng dần.
Gấc chứa hàm lượng dinh dưỡng cực kỳ phong phú, nhiều vitamin A tự nhiên giúp chống khô mắt, lại tăng sức đề kháng, ngăn ngừa ung thư…
Để có gấc dùng quanh năm, bạn nên trữ đông gấc ở trong ngăn đông lạnh, như vậy vừa tiết kiệm, lại vừa tiện lợi, khi cần thì có sẵn để dùng rồi. Cách bảo quản gấc lại không khó, chị em có tham khảo cách làm của chị Loan Trần (sống tại Hòa Bình) ngay sau đây nhé!
Theo chị Loan Trần, gấc có thể dùng để chế biến rất nhiều món, ngoài dùng gấc để nấu xôi gấc, mọi người có thể nấu sốt vang, tạo màu cho bánh vừa ngon, màu lên lại đẹp.
Đầu tiên nên chọn những quả gấc nếp vừa nhiều thịt, màu lại đỏ nhung rất đẹp. Chọn gấc có cuống còn xanh, tươi... là những quả vừa hái sẽ đảm bảo được độ tươi ngon, thịt gấc màu đẹp. Tránh những quả cuống héo, teo tóp.
Quả gấc nếp có màu đỏ nhung, nhiều thịt.
Sau đó tách vỏ lấy phần thịt gấc, tách thịt gấc với hạt bỏ riêng. Mọi người có thể cho gấc vào ngăn đông, để 1h cho dăm đá rồi tách sẽ dễ hơn.
Gấc sau khi tách lấy phần thịt, sẽ sơ chế thịt gấc để dễ bảo quản hơn, mỗi lần chỉ việc lấy ra dùng cho nhanh gọn.
Tách bỏ hạt gấc.
Phần thịt gấc mình cho vào cối xay, thêm đường tuỳ ý + vài thìa dầu ăn+vài thìa rượu trắng rồi xay mịn.
Sau khi gấc xay mịn, cho vào nồi, bật lửa vừa và nhỏ, vừa nấu vừa khuấy đều tay 5-7 phút, lúc này thịt gấc chín tới, tắt bếp và để nguội. Theo chị Loan Trần, việc nấu qua gấc như này giúp bảo quản gấc tốt hơn, để gấc không bị đổi màu, cũng không bị mùi.
Đợi gấc nguội, sẽ chia ra các túi đủ dùng cho 1 bữa, cấp đông và dùng dần.
Với cách trữ gấc như này có rất nhiều ưu điểm:
- Tiết kiệm diện tích trong tủ đông
- Màu xôi đỏ đẹp, đều màu, bóng, mượt mà, không bị lẫn xơ gấc.
- Mỗi lần dùng lấy ra rã đông tự nhiên rất nhanh và nhàn, không cần chế biến gì thêm.