Có lẽ những dư âm của 1 kì nghỉ Tết khá dài vẫn đọng lại trong tâm trí nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ. Bao nhiêu cô vợ được ăn Tết và bao nhiêu người phụ nữ bị “Tết ăn”?

Không biết có liên quan gì đến hội chứng “sợ Tết” mà nhiều chị em vẫn hay nhắc đến nhưng gần đây, họ mách nhau: “Lấy chồng phải né combo: con một, con trưởng, con út, cháu đích tôn, bố là con trưởng”. Nghe thì có vẻ “vai vế” nhưng sự thật thì kiểu đàn ông sinh ra đã gánh trên vai trọng trách và “sứ mệnh” họ tộc thế này cô gái nào nhìn vào cũng thấy áp lực. Sự thật có phải như thế?

Dâu trưởng – Chức vụ nghe thôi đã thấy bão tố phong ba

Hân (kết hôn 9 năm, sống tại Nam Định) chia sẻ: “Nhà chồng mình có 2 chị em nhưng chồng mình là con trai, bố chồng là trưởng họ. Tất cả công to việc lớn lễ Tết cúng giỗ đều tập trung ở nhà mình. Nói chung là nó rất kinh khủng. Lúc yêu thì mình chẳng nghĩ đến thực tế nó tréo ngoe thế này đâu nhưng về làm dâu mới thấm. Mẹ chồng mình có cố gắng đến thế nào trong cái trọng trách dâu trưởng vẫn sẽ bị các cô, các thím không vừa ý nên mình rất thương bà. Chưa kể cứ có việc trong họ là lúc nào trưởng cũng phải đóng góp nhiều nhất, thậm chí có nhà nào lục đục cũng gọi bác trưởng đến giải quyết”.

avatar1675944586190-16759445868421331342210.png

Ảnh minh họa

Hân kể, ngày Tết với cô là cơn 'ác mộng' khủng khiếp nhất. 23 cúng ông Công làm 4 mâm mời họ hàng, 28 Tất niên làm 6 mâm mời cả họ hàng và bạn bè, mùng 1, mùng 2 ở nhà chờ anh em, con cháu đến chúc Tết. Cơm thì cứ phải làm ít nhất 2 mâm, khách nào đến cũng lấy bát lấy chén ra “đầu xuân năm mới”. Họ ngồi cho có lệ được 5 phút rồi nàng dâu lại đi dọn. Một ngày Hân phải rửa bát đến 5, 6 lần tùy vào lượng khách đến. Mùng 3 thì hóa vàng bất di bất dịch năm nào cũng thế, ngày này Hân đỡ vất vả nhất vì không có quá nhiều khách đến do ai cũng “kín lịch”.

“Mỗi năm giỗ ông nội chồng mình cũng vậy, đó là những dịp to nhất còn những ngày giỗ lẻ trong năm nhiều không đếm xuể. Giỗ ông sẽ diễn ra trong 3 ngày: trước giỗ chính 2 ngày thì làm 2 mâm cơm nhẹ nhàng để các cô chú trong họ đến bàn bạc phân công công việc, ngày hôm sau cúng cáo, ngày giỗ chính thì làm khoảng 15-20 mâm tùy lượng con cháu ở xa có về kịp không. Nói không ngoa chứ đồ lễ mà mọi người mang đến thắp hương trong những ngày này không nằm trên bàn thờ được quá nửa ngày vì nó nhiều lắm, cứ người mới đến dâng lại hạ của người cũ xuống. 9 năm làm dâu mình gần như không có Tết, mà đã là dâu trưởng thì về ngoại ăn Tết sao được”, Hân than thở.

Lấy chồng con út nhưng rồi cũng thành trưởng

Một cô vợ khác đã cố né “con trai trưởng” và lấy con út rồi nhưng vẫn không thoát được trọng trách.

Ngọc (kết hôn 5 năm, sống tại Hà Nội) chia sẻ: “Nhà chồng mình có 3 anh em: 2 trai, 1 gái nhưng anh đi du học rồi định cư luôn bên đó nên mọi thứ vợ chồng mình lo. Cứ bảo nhà có công việc mới vất vả nhưng chả hiểu sao nhà chồng mình công việc liên tục, có tháng đến 11 cái giỗ lớn bé đủ cả. Làm hùng hục rồi được các cô chú khen đảm cũng thích đấy nhưng được tiếng khen ho hen cả người”.

Tuy nhiên, Ngọc cho biết trước kia bà nội chồng cô còn sống mọi lễ nghi cũng phức tạp lắm, cứ lễ Tết là quay cuồng rửa bát, dọn dẹp. Nhưng cụ mất được 2 năm rồi họ hàng cũng ít khi qua lại, có giỗ chạp nhà Ngọc cũng không tổ chức to, mời rộng như trước. Tết năm vừa rồi anh trai chồng Ngọc còn book vé cho ông bà sang bên ấy ăn Tết đổi gió nên giờ cô ‘dễ thở’ lắm rồi.

edit-3271159495926387688944742822230282601580544n-1675944937514900239243.png

Sướng khổ không ở vai vế, quan trọng là tư tưởng của mỗi gia đình

Thực tế có nhiều người phải chung sống mấy thế hệ, lấy chồng con trưởng nhưng “sướng - khổ” cũng tùy thuộc từng gia đình. Mọi thứ sẽ khác nhau ở tư tưởng, suy nghĩ và lối sống chứ không quan trọng vai vế, trọng trách, đặc biệt là ở thời buổi nam nữ bình đẳng này.

Người ta vẫn nói, lấy chồng chứ không lấy cả gia đình chồng. Nếu bạn gặp được 1 người đàn ông tốt, có trách nhiệm với gia đình và yêu thương mình thì cũng không nên vì anh ta là con trưởng mà chia tay. Có rất nhiều nàng dâu trưởng không quá khổ hay vất vả khi được bố mẹ chồng hỗ trợ, thấu hiểu.

Trong thời gian tìm hiểu bạn cũng đừng ngần ngại nếu được mời đến đám giỗ nhà anh ta, vì đây chính là cơ hội tốt để bạn nắm bắt được quan điểm, nếp sống nhà anh ấy, xem mối quan hệ này có thực sự đáng để bạn đi tiếp không.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022