Vào một đêm muộn tại Bantar Gebang - Indonesia. Dù trời mưa như trút nước nhưng rất nhiều người dân tại đây vẫn lầm lũi bới móc trên những núi rác cao ngang tòa nhà 15 tầng. Đội quân bới rác này hầu như chẳng trang bị bảo hộ gì mấy dù dịch Covid-19 đang hoành hành tại xứ sở vạn đảo. Một số còn dùng găng tay cao su và móc sắt, trong khi nhiều người thậm chí dùng tay không để bới rác.

Mùi hôi thối của đống rác thải không phải là mối hiểm họa duy nhất ở nơi đây. Thậm chí vấn đề dịch bệnh cũng chẳng phải thứ đáng sợ nhất với những người nhặt rác, một trong những tầng lớp dưới đáy xã hội ở Indonesia. Trong khi mải mê tìm kiếm những mẩu gỗ, bìa giấy hay bất cứ thứ gì có thể bán lại tái chế, người nhặt rác phải chú ý các máy xúc rác quanh đó bởi chúng có thể gây ra sạt lở núi rác và chôn vùi mọi người quanh đó.

photo-10-1588159783147831789549-1588178815651-1588178815906407994294.jpg

Bantar Gebang hiện là một trong những bãi rác lớn nhất thế giới với diện tích lớn hơn cả 200 sân bóng cộng lại. Hàng ngày, bãi rác này xử lý hơn 7.000 tấn rác thải từ thủ đô Jakarta-Indonesia. Hoạt động đổ rác, bới rác tại đây diễn ra suốt ngày đêm không ngừng nghỉ.

Hàng nghìn xe chở rác đổ về Gebang mỗi ngày và những chiếc máy xúc rác sẽ chất chúng lên những núi rác cao tới 150 feet, tương đương 46m. Bên dưới đó là vô số những người nhặt rác cố tìm kiếm thứ gì đó có thể bán được.

Nghề bới rác tại Gebang đã thành lập nên những ngôi làng xung quanh bãi rác, chủ yếu là gia đình của các hộ dân làm nghề này. Số liệu chính thức từ chính phủ cho thấy có khoảng 6.000 người sống quanh Gebang nhưng những người bản địa cho biết con số thực tế lên đến 20.000 người.

Tại một số gia đình, những đứa trẻ mới lên 5 đã phải đi bới rác cùng cha mẹ để mưu sinh.

"Họ có nhà trẻ và trường học ở đó nhưng khi hết giờ học, lũ trẻ sẽ đi phụ giúp gia đình. Việc bới rác khá đơn giản, bạn chỉ cần một cái móc sắt là làm được. Hơn nữa, lũ trẻ chẳng còn lựa chọn nào khác nếu muốn sống tiếp", Quận trưởng Asep Gunawan của Bantar Gebang nói.

Những người nhặt rác tại Indonesia, hay còn gọi là "Pemulung" kiếm được khoảng 2-10 USD/ngày nhờ bán các vật liệu tái chế bới được từ bãi rác. Thậm chí những thứ như xương động vật cũng có giá trị khi chúng được dùng để chế tác trang sức, hoặc làm nguyên liệu lát sàn.

Thậm chí, hoạt động này còn tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ khi nhiều nhà khởi nghiệp xây dựng những lều tạm bằng gỗ quanh bãi rác để bán nước uống, đồ ăn, thuốc lá… phục vụ người bới rác.

Khi bãi rác còn hoạt động bình thường, hàng trăm người bới rác sẽ đến đây mỗi ngày để mưu sinh. Tuy nhiên khi dịch Covid-19 bùng phát, mọi thứ chẳng còn như trước.

Nỗi buồn của những kẻ khốn khổ

Hầu hết các công ty tái chế vật liệu mua rác của những người bới rác tại Indonesia đã phải đóng cửa vì dịch Covid-19. Hệ quả là nhiều người bới rác phải nghỉ làm bởi họ chẳng biết bán cho ai, cũng như chẳng đủ khả năng để tích trữ những thứ mình móc được.

Ngoài ra, những quy định cách ly càng khiến cộng đồng nhặt rác tại Gebang khốn đốn.

Tính đến ngày 26/4/2020, Indonesia đã khó 8.882 người nhiễm bệnh với 743 trường hợp tử vong, trở thành nước có tỷ lệ thiệt mạng cao nhất Châu Á vì dịch Covid-19. Riêng tại thủ đô Jakarta, khoảng 50% dân số đã bị nhiễm, ngay cả những vùng lân cận quanh bãi rác Gebang như Bekasi cũng có người lây bệnh.

Kể từ khi Indonesia báo cáo cái chết đầu tiên vì Covid-19 vào giữa tháng 3, tỷ lệ tử vong ở Indonesia luôn ở mức cao, khoảng 8-9%. Con số này ở Philippines khoảng 6,5%, tại Singapore và Malaysia lần lượt là 0,1% và 1,7%. Tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc khoảng 5,6%. Con số này ở Nhật Bản và Hàn Quốc là 2% và 3%.

Mặc dù chưa có ca bệnh nào tại vùng bãi rác Gebang được chính thức công bố nhưng chính phủ cũng chẳng thèm quan tâm khám nghiệm cho người dân ở đây. Cư dân của vùng này không nhận được trợ cấp của chính phủ trong dịch Covid-19 vì phần lớn không đăng ký hộ khẩu. Trong khi đó, các gia đình tại Gebang cũng chẳng mấy quan tâm đến dịch bệnh bởi họ còn mải lo kiếm ăn.

Thậm chí, tư tưởng ở bẩn sống lâu đã trở thành quan điểm sống của nhiều người dân Gebang. Họ cho rằng việc sống trong môi trường ô nhiễm khiến cơ thể xây dựng được sức đề kháng tốt chống lại các dịch bệnh như Covid-19, một tư tưởng chưa hề được bất kỳ nhà khoa học nào xác nhận và có thể trở thành hiểm họa cho Indonesia trong công cuộc chống dịch.

"Người dân ở Gebang chẳng sợ hãi mấy với dịch Covid-19. Tôi không thấy họ có sự thay đổi thói quen nào trong lối sống mùa dịch", Nhà sáng lập Resa Boenard của tổ chức phi lợi nhuận Seeds of Bantar Gebang nói.

Gia đình của cô Resa chuyển đến Gebang từ năm cô 6 tuổi và hiểu rất rõ về vùng đất này. Hiện tổ chức của Resa đang giúp nuôi sống 600 người trong vùng chịu ảnh hưởng kinh tế do dịch Covid-19. Bản thân cô cũng đang phát động một chương trình quyên góp nhằm cứu trợ cho cộng đồng người dân trong vùng.

photo-10-1588159783147831789549-1588178815651-1588178815906407994294.jpg

"Những người dân nơi đây chưa cần khẩu trang hay nước rửa tay, thứ họ cần trước tiên là thực phẩm để nuôi sống gia đình", cô Resa nhấn mạnh.

Vùng bãi rác Gebang đã hoạt động được 30 năm nay và việc ô nhiễm, lây lan dịch bệnh chẳng có gì là mới. Những loại bệnh ngoài da, việc ô nhiễm nguồn nước đã tồn tại nhiều năm nhưng chẳng được chính quyền quan tâm.

Phần lớn người dân bới rác ở Gebang là những nông dân mất mùa từ nơi khác đổ về, có người đã sống tại đây vài chục năm.

"Khi người dân chẳng có cơ hội việc làm, họ sẽ đổ về đây", cô Resa ngậm ngùi nói.

Theo NYT

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022