Đời sống cá nhân gặp nhiều áp lực, nhiều bạn trẻ tự tạo ra một tài khoản phụ (nick clone - PV) trên mạng xã hội và tự nói chuyện với chính mình trên đó để giảm bớt gánh nặng tâm lý thay vì tìm đến người thân hay bạn bè để tâm sự, giải tỏa.
Những cuộc trò chuyện trên thường được diễn ra giữa tài khoản chính và tài khoản phụ do cùng một người vận hành và điều khiển.
Trao đổi với Dân trí, lý do chung cho hiện tượng này đa phần đến từ việc họ không tìm được sự cảm thông, thấu hiểu từ những người xung quanh hoặc không muốn năng lượng tiêu cực của mình "lây" sang cho người khác.
Không muốn làm phiền người khác nên nói chuyện một mình
Nguyễn Thị Thúy An (25 tuổi) thường trò chuyện với tài khoản phụ của chính mình mỗi khi gặp chuyện buồn hoặc gặp phải đả kích.
Lo sợ cảm xúc tiêu cực của bản thân sẽ làm phiền tới người khác, nhiều bạn trẻ thu mình, tự ôm nỗi buồn (Ảnh: P.V).
Lâu dần, An cảm thấy việc tâm sự với những người xung quanh giống như đang làm phiền những người khác và chỉ tìm thấy sự thấu hiểu khi tự nói chuyện với chính mình.
"Không ai hiểu bản thân mình hơn chính bản thân mình. Mình nghĩ rằng những lời do chính bản thân mình nói ra sẽ mang tính tự động viên và "gãi đúng chỗ ngứa" của mình hơn", An chia sẻ.
Mỗi lần "tâm sự" cùng tài khoản phụ, An lại thay đổi luân phiên giữa 2 tài khoản để tự tâm sự với chính mình.
Sau mỗi lần tâm sự cùng tài khoản phụ, An cảm thấy thoải mái hơn nhưng cảm giác cô đơn là không thể tránh khỏi. An cho biết, cô là người hướng nội nên có xu hướng thích giải quyết mọi chuyện một mình và không thích cảm giác làm phiền người khác.
An cũng từng thử tâm sự cùng bạn bè nhưng những gì cô nhận lại chỉ là sự thờ ơ, thiếu quan tâm, những lời động viên sáo rỗng hoặc sự phủ nhận cảm xúc của cô từ đối phương.
"Từng tâm sự với bạn bè nhưng mình thường bị bảo là đang làm quá mọi thứ lên hoặc do mình nhạy cảm quá. Tuy nhiên, nếu ai không trong hoàn cảnh giống mình thì sẽ không hiểu được cảm xúc của mình nên mình có thể thông cảm cho những phản ứng như vậy", An nói.
Việc tự nói chuyện với chính mình trên mạng xã hội khiến An tự nhận thấy bản thân gặp cản trở trong việc giao tiếp với những người xung quanh. Cô không còn thích nói chuyện với người khác và chỉ nói chuyện khi thực sự cần thiết.
"Mình dần khép mình lại và không còn muốn chăm chút cho những mối quan hệ khác. Nếu họ không chủ động, mình cũng sẽ mặc kệ", An chia sẻ.
Nhiều người trẻ tự nhắn tin với chính mình để giải tỏa cảm xúc tiêu cực (Ảnh: T. Thủy).
Nguyễn Thị Thúy An cũng cho biết, cô lớn lên trong gia đình mà mỗi thành viên không quan tâm tới việc bày tỏ tình cảm. Do đó, cô chưa từng tâm sự với người thân nên việc tự nói chuyện với chính mình trở thành một thói quen khó sửa.
An cho rằng đó không phải là việc gì quá lớn lao nhưng lại nguy hiểm đối với những người bị trầm cảm: "Lúc đó trong đầu họ chẳng nghĩ được gì ngoài cái chết nên những lời viết ra sẽ chỉ càng tiêu cực hơn mà thôi".
Cảm thấy như một người điên sống trong hoang tưởng của mình
Cũng giống như Nguyễn Thị Thúy An, Đỗ Mạnh Hùng (20 tuổi) cũng nói chuyện với tài khoản phụ của chính mình. Tuy nhiên, khác với An, Hùng đã từ bỏ thói quen này trong vòng một năm trở lại đây.
Hùng kể lại, quãng thời gian thường xuyên tâm sự với tài khoản phụ của mình rơi vào giai đoạn cậu vừa chuyển từ cấp 2 lên cấp 3.
Mạnh Hùng từng nhiều lần tự nhắn tin với chính mình để động viên bản thân (Ảnh: NVCC).
Sự chuyển giao này khiến Hùng gặp khó khăn trong việc thích nghi, cộng thêm gặp nhiều chuyện tiêu cực trong các mối quan hệ với gia đình và bạn bè, Hùng thu mình lại và ít giao tiếp hơn với mọi người. Ngoài ra, trong giai đoạn này, Hùng cũng thường xuyên phải ở nhà và học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tâm trạng vì thế càng trở nên bí bách và tù túng.
Sau mỗi lần tự trò chuyện với chính mình bằng tài khoản phụ, Đỗ Mạnh Hùng cảm thấy nhẹ lòng hơn nhưng cậu vẫn cảm nhận được đó chỉ là những lời động viên vô ích.
"Nói chuyện như vậy không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm giảm bớt đi những suy nghĩ, lo lắng, sợ hãi của mình mà thôi", Hùng nói.
Tự nhắn tin với chính mình để tự trấn an bản thân (Ảnh: NVCC).
Tuy nhiên, trong vòng một năm trở lại đây, Hùng đã nhận thức được rằng việc tự nói chuyện với chính mình là điều vô nghĩa vì nó khiến bản thân cậu trở nên mệt mỏi hơn. Hùng từng dành thời gian đọc lại những tin nhắn cậu tự gửi cho chính mình và tự nhận thấy nó thật ngu ngốc và không giúp được gì cho cuộc sống hiện tại.
"Khi nhìn lại quãng thời gian ấy, mình thấy giống như một cơn ác mộng. Mình không khác gì một người điên đang sống trong hoang tưởng của chính mình", Hùng chia sẻ.
Hùng cũng cho biết thêm, khoảng thời gian được nhà trường cho đi học quốc phòng an ninh cũng là điều kiện giúp Hùng cởi mở hơn với mọi người. Lúc này, Hùng được học tập, sinh hoạt và kết thêm được nhiều bạn mới, được đi xa và trải nghiệm thêm nhiều thứ mới mẻ. Điều này khiến bản thân cậu cũng trở nên hào hứng hơn.
Đặc biệt, khi tham gia hoạt động thiện nguyện ở bệnh viện vào năm lớp 12, Hùng cảm nhận được cuộc sống của mình vẫn còn nhiều may mắn hơn so với những mảnh đời bất hạnh cậu từng tiếp xúc.
"Mình cảm thấy mình vẫn còn may mắn lắm, không thể tự mình chết trong những điều tiêu cực được", Hùng nói.
Hiện tại, Hùng chỉ coi việc nói chuyện cùng tài khoản phụ giống như viết nhật ký để lưu trữ lại những kỷ niệm đẹp hoặc những bước ngoặt quan trọng trong cuộc sống.
Không còn nói chuyện một mình, giờ đây Hùng đã tâm sự cùng những người xung quanh nhiều hơn, từ bạn cùng lớp, bạn cùng trọ cho đến những người ở trên mạng xã hội có chung những cảm xúc, nỗi lo với cậu.