Việt Nam hiện có trên 5,2 triệu hộ kinh doanh, tạo ra 8-9 triệu việc làm, tương đương với khối công ty tư nhân, theo số liệu của Cục Thống kê các năm 2018-2020. Khu vực này được coi là "xương sống" trong nhiều ngành, lĩnh vực, từ công-nông nghiệp đến thương mại, dịch vụ. Nếu một phần năm số hộ này chuyển thành doanh nghiệp, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đặt ra cho năm 2030, nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chuyển từ hộ kinh doanh thành công ty được một năm rưỡi, chị Lê Thị Bích Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thảo Nguyên QN (Cẩm Phả, Quảng Ninh), vẫn loay hoay với bài toán vận hành doanh nghiệp.
Thảo Nguyên QN sản xuất và kinh doanh ruốc hải sản, là một trong số ít hộ "nâng đời" lên doanh nghiệp. Việc tuân thủ nhiều quy định khắt khe đồng nghĩa với uy tín doanh nghiệp được nâng cao, nhiều khách hàng hơn. Sản lượng ruốc cung ứng của doanh nghiệp này hàng tháng tăng gấp 2-3 lần so với trước.
Song, hơn 20 năm hoạt động theo mô hình hộ kinh doanh cá thể, giờ quản lý hơn chục lao động, phát sinh nhiều báo cáo, thủ tục, chị Thảo thừa nhận "thực sự khó" với người chưa qua trường lớp đào tạo bài bản như chị.
Năm ngoái, trên 5,2 triệu hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế gần 26.000 tỷ đồng, theo số liệu của Cục Thuế (Bộ Tài chính).

Chị Lê Thị Bích Thảo (ngoài cùng bên trái) kiểm tra chất lượng chả mực tại khu chế biến ở phường Cẩm Phú, Cẩm Phả, Quảng Ninh. Ảnh: Thảo Nguyên
Tuy nhiên, phần lớn hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi. Một trong những lý do họ "không muốn lớn", theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, là mức thuế suất chênh lệch tới 13 lần.
Hiện 3 loại thuế, phí các hộ, cá nhân kinh doanh phải đóng gồm lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập cá nhân. Ngoài ra, họ có thể phải nộp thuế bảo vệ môi trường, tài nguyên... nếu kinh doanh hàng hóa thuộc diện chịu thuế của các luật này. Theo quy định, mức lệ phí môn bài từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng tùy doanh thu, với hộ có thu trên 100 triệu đồng một năm. Họ cũng phải nộp thêm 1,5%, gồm 0,5% thuế thu nhập cá nhân và 1% VAT.
"Trong khi đó, thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%. Vậy họ lớn làm gì?", bà Cúc nói tại một sự kiện về kinh tế tư nhân hồi giữa tháng 3.
Theo nghiên cứu "Xác định địa vị pháp lý cho hộ kinh doanh" được Công ty Economica Việt Nam tiến hành hồi tháng 8/2024, bình quân mỗi hộ đóng thuế 2,7 triệu đồng mỗi năm.
TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, cũng là người thực hiện báo cáo, cho biết khi chuyển đổi sang mô hình công ty, chi phí tuân thủ trung bình lên tới 180-200 triệu đồng mỗi năm. Mức này tăng 7 lần bởi mô hình doanh nghiệp yêu cầu đủ "ban bệ" gồm giám đốc, kế toán, ban kiểm soát, trụ sở kinh doanh.
Bên cạnh đó, tính phức tạp trong vận hành cũng là rào cản khiến hộ, cá nhân kinh doanh "ngại lớn". Chính sách kế toán, thủ tục hành chính buộc Công ty Thảo Nguyên QN có thêm vị trí kế toán, hành chính. Chị Bích Thảo thừa nhận khó khăn trong nhiều mặt gồm quản trị, quản lý tài chính, nhân sự và công nghệ, trong khi chị khó tuyển dụng được vị trí phù hợp ở địa phương.
Thực tế, việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp được quy định từ năm 1999, nhưng các sáng kiến thúc đẩy việc này chưa thành công. Ví dụ, quy định hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng thường xuyên trên 10 lao động phải thành doanh nghiệp được đặt ra từ năm 2005, nhưng ngưỡng này đã được bỏ, không giới hạn số lao động tại Luật Doanh nghiệp 2020.
Nhiều chính sách khuyến khích hộ kinh doanh "lên đời" cũng được áp dụng như hỗ trợ lệ phí, hoặc miễn phí môn bài, chi phí thực hiện phần mềm kế toán, biển hiệu... Tuy nhiên, rất ít đơn vị chuyển đổi.
Giai đoạn 2018-2020, cả nước chỉ có gần 1.900 doanh nghiệp thành lập trên cơ sở chuyển từ mô hình kinh doanh cá thể, trong đó tỉnh Thanh Hóa có hơn 1.000 đơn vị. Trong một nghiên cứu khác do Economica Việt Nam phối hợp với Chi cục Thống kê một số địa phương thực hiện, tỷ lệ muốn thành doanh nghiệp chỉ ở mức 0,8% tại Hòa Bình và Lào Cai. Tại An Giang, hơn 1.000 hộ được hỏi đều không có ý định thay đổi.
Theo số liệu của Cục Thuế, hiện trên 100.000 hộ kinh doanh có doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng việc hộ kinh doanh có doanh thu lớn tương đương công ty, nhưng không chịu thành lập doanh nghiệp để hưởng mức thuế chưa đến một phần mười, là chưa bình đẳng.
Để hộ kinh doanh "chịu lớn", bà Cúc cho rằng cần một chính sách đột phá. Chẳng hạn, họ cũng phải kê khai nộp thuế như doanh nghiệp tư nhân, thay vì áp dụng thuế khoán. "Thuế khoán chỉ nên áp dụng cho những hộ dân sinh với doanh thu rất thấp", bà khuyến nghị.
Song việc nâng thuế chưa hẳn là giải pháp tốt thúc đẩy hộ kinh doanh "lên đời", theo Giám đốc công ty Thảo Nguyên. Chị cho rằng điểm khác biệt mấu chốt của mô hình hộ so với công ty là tính dễ quản lý và tuân thủ. Bản thân chị cũng chấp nhận mức thuế cao hơn 3-4 triệu đồng mỗi năm so với trước khi chuyển đổi, để hướng tới phát triển bền vững.
Ở góc độ vĩ mô, TS Lê Duy Bình cho rằng việc nâng thuế sẽ làm chi phí môi trường kinh doanh đắt đỏ lên. Ông thêm rằng việc áp dụng các biện pháp thị trường sẽ khuyến khích chuyển đổi hơn là sử dụng công cụ pháp luật.
Theo Giám đốc Economica Việt Nam, cần đi vào bản chất và xác định mô hình doanh nghiệp phù hợp. Ông phân tích, hộ kinh doanh ở Việt Nam có đặc điểm là một cá nhân làm chủ và vận hành, tài sản không tách bạch với hoạt động. Đặc tính này khá tương đồng với doanh nghiệp cá thể hay một chủ tại Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Mỹ.
Tại nhiều quốc gia, loại hình doanh nghiệp trên là hình thức đơn giản, thuận tiện và tiết kiệm chi phí nhất để khởi sự kinh doanh. Các quy định về đăng ký, kê khai thuế, báo cáo tài chính và các nghĩa vụ khác rất đơn giản với chi phí tuân thủ thấp. Điều này giúp tỷ lệ đăng ký kinh doanh mới rất cao, như tại Pháp 92,3%, Hà Lan (86,4%), Mỹ (73%), EU (70%).
Từ kinh nghiệm quốc tế, TS Bình khuyến nghị một loại hình doanh nghiệp "gọn nhẹ" cho hộ kinh doanh chuyển đổi, cùng với các quy định quản trị, kế toán, báo cáo tài chính đơn giản. Loại hình này có thể cải cách từ "doanh nghiệp tư nhân" quy định trong Luật Doanh nghiệp, nhưng cần "bình dân hóa" để phù hợp với đa số hộ kinh doanh cá thể.
Ví dụ, một tiệm hoa, cửa hàng bánh mì hay cà phê, chỉ cần yêu cầu họ báo cáo kế toán đơn giản với các khoản thu, chi, thay vì "sổ nọ sách kia".
"Các quy định về thuế, kế toán với đơn vị chuyển đổi cần đơn giản hóa, hướng đến cả hộ có trình độ quản lý không cao, chứ không nên chỉ nhìn vào đơn vị ở thành phố lớn. Khi thấy cơ hội, họ sẽ chuyển đổi", TS Bình nói.
Khu vực kinh tế tư nhân, gồm hộ kinh doanh, hiện đóng góp khoảng 51% GDP và trên 30% ngân sách nhà nước. Một Nghị quyết về phát triển khu vực này đang được cấp có thẩm quyền dự thảo, trong đó khuyến khích hộ kinh doanh "lên đời" doanh nghiệp là một trong các nội dung được bàn thảo.
TS Lê Duy Bình khuyến nghị những cải cách sắp tới nên tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, chi phí tuân thủ và rủi ro pháp lý thấp. "Một môi trường như vậy sẽ mang lại sự tự tin hơn để người dân mạnh dạn khởi nghiệp và mở rộng kinh doanh", TS Bình nói.
Ở góc độ doanh nghiệp nhỏ, chị Thảo mong được hỗ trợ về tiếp cận vốn, mở rộng thị trường, quản trị doanh nghiệp, công nghệ. "Được Nhà nước quan tâm, hộ kinh doanh sẽ tự tin và dám lớn", chị nói.
Thủy Trương