Sáng 31/7, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Gautam Adani, Chủ tịch tập đoàn Adani.

Adani Group là nhà điều hành sân bay lớn nhất Ấn Độ và kiểm soát Cảng Mundra - cảng lớn nhất Ấn Độ. Tập đoàn còn đầu tư trong lĩnh vực truyền tải điện, năng lượng xanh.

Ông Gautam Adani, 61 tuổi, từng là người giàu nhất châu Á và giàu thứ ba thế giới với khối tài sản trị giá hơn 150 tỷ USD vào tháng 9/2022. Tháng 6/2024, tỷ phú Gautam Adani một lần nữa trở thành người giàu nhất châu Á, với tổng tài sản đạt 122 tỷ USD.

Ông sáng lập Adani Group vào năm 1988 với lĩnh vực kinh doanh ban đầu là hàng hóa. Tập đoàn mở rộng hoạt động nhờ tích cực mua bán sáp nhập và đề ra chiến lược phù hợp với các chính sách ưu tiên của Chính phủ về cơ sở hạ tầng, năng lượng xanh, quốc phòng và dịch vụ kỹ thuật số.

Tại cuộc gặp, lãnh đạo Tập đoàn Adani cho biết đang đề xuất đầu từ vào cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) với tổng vốn dự kiến 2 tỷ USD, với kỳ vọng tạo hệ sinh thái đầy đủ về logistics tại thành phố.

Adani cũng dự định đầu tư dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (Bình Thuận) với tổng vốn dự kiến 2,8 tỷ USD. Ngoài ra, tập đoàn còn muốn tham gia xây sân bay Long Thành giai đoạn 2 và sân bay Chu Lai.

"Với khả năng về tài chính, kỹ thuật, chúng tôi sẽ tham gia sâu thêm vào nhiều dự án tại tại Việt Nam. Cam kết của cá nhân tôi là như vậy", ông Gautam Adani, Chủ tịch tập đoàn Adani chia sẻ và mong Thủ tướng thúc đẩy để tập đoàn thực hiện tốt cam kết này.

36d07d38ebc84e9617d9-7305-1722406907.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=J1Wnhb9R6NVVuCAtIKkSNg

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Gautam Adani, Chủ tịch tập đoàn Adani, sáng 31/7. Ảnh: Nhật Bắc

Trước các ý kiến của lãnh đạo tập đoàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, với dự án cảng Liên Chiểu, phía Việt Nam chủ trương lựa chọn một nhà đầu tư hạ tầng tổng thể, còn việc khai thác có thể hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Ông giao TP Đà Nẵng, Bộ Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư trao đổi trực tiếp với tập đoàn Adani ngay sau cuộc gặp để xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan, thống nhất cách làm, triển khai thủ tục.

Với sân bay Chu Lai, Thủ tướng chia sẻ, nếu Adani liên danh cùng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư thì "rất tốt", bởi dự án này có nhiều điều kiện thuận lợi. Sân bay đã có 2 đường băng, diện tích 1.200 ha có sẵn, không mất thời gian giải phóng mặt bằng. Đây là sân bay có vị trí chiến lược quan trọng không chỉ với Việt Nam mà còn là trung tâm trung chuyển của Đông Nam Á và châu Á. Vì vậy, nếu Adani đầu tư thì sẽ thuận lợi và có tiềm năng khai thác lớn.

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Adani hoàn thiện hồ sơ, cung cấp đầy đủ thông tin về dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3, gửi Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan để triển khai. Ông cũng giao Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Adani tham gia xây sân bay Long Thành giai đoạn 2 như đường băng.

Ngoài ra, Việt Nam mong muốn Adani tăng chuyển giao công nghệ, hợp tác và giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, tham gia vào chuỗi cung ứng, hệ sinh thái của Adani.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực hạ tầng. Ông Chính cũng nhấn mạnh tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả, sản phẩm cụ thể".

Viết Tuân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022