Chốt phiên giao dịch 2/8, chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 5,8%, xuống 35.909 điểm. Đây là phiên hạ sâu nhất của chỉ số này kể từ tháng 3/2020, theo số liệu của FactSet. Đây cũng là lần đầu tiên Nikkei 225 tuột mốc 36.000 điểm kể từ tháng 1.

Chỉ số Topix điều chỉnh mạnh hơn, với 6,14% - ghi nhận phiên tệ nhất 8 năm. Chỉ số này đóng cửa tại 2.537 điểm.

japan-stock-reuters-6920-1722591528.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tEai_GVncPg_vl-1heIhgQ

Bảng điện tử bên ngoài một công ty chứng khoán ở Tokyo (Nhật Bản) hôm 2/8. Ảnh: Reuters

Cổ phiếu giảm nhiều nhất trong Nikkei 225 là công ty chứng khoán Daiwa Securities, với 18,9%. Một số mã khác cũng sụt sâu là tập đoàn viễn thông SoftBank (8%), công ty thương mại Mitsui (10%) và Marubeni (8%).

Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm cũng đi xuống, về dưới 1%. Đây là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6.

Giới phân tích cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến chứng khoán Nhật Bản đi xuống là giá yen tăng. Việc này có thể làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp nước này, do hàng xuất khẩu kém cạnh tranh hơn trên thế giới và lợi nhuận ở nước ngoài khi đổi về nội tệ giảm sút.

Từ đầu tháng 7, giá yen bắt đầu mạnh lên so với USD, do giới chức Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ và khoảng cách lãi suất giữa hai nước bắt đầu thu hẹp. Hôm 31/7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nâng lãi tham chiếu lên quanh 0,25%, từ mức 0-0,1% trước đó. Cơ quan này cũng ra tín hiệu tiếp tục tăng lãi nếu nền kinh tế diễn biến đúng kỳ vọng.

Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo điều chỉnh lãi suất trong tháng 9. Gần đây, người tiêu dùng tại Mỹ dần thắt hầu bao do lãi suất và lạm phát vẫn ở mức cao.

Hiện tại, mỗi đôla Mỹ đổi được 148,9 yen, giảm so với 161 JPY một USD hồi đầu tháng 7. Số liệu chính thức từ Bộ Tài chính Nhật Bản cũng cho thấy trong tháng 7, giới chức nước này đã chi 5.530 tỷ yen (36,8 tỷ USD) để kéo giá yen lên cao.

Nhiều thị trường khác tại châu Á hôm nay cũng giảm điểm. Kospi (Hàn Quốc) chốt phiên mất 3,6%. Shanghai Composite (Trung Quốc) hạ 0,9%. Hang Seng Index (Hong Kong) mất 2%. Chứng khoán Singapore, Malaysia, Thái Lan, Australia cũng chìm trong sắc đỏ.

Giới phân tích cho rằng chứng khoán châu Á hôm nay chịu ảnh hưởng từ tâm lý bi quan tại Wall Street. Phiên 1/8, các chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ giảm 1-2%. Nhà đầu tư lo ngại suy thoái sau khi nền kinh tế lớn nhất thế giới công bố số liệu việc làm, sản xuất kém lạc quan, còn Fed bị đánh giá là chậm giảm lãi suất.

Hà Thu (theo Reuters, CNBC)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022