Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 20/1 cho biết năm ngoái, lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga tăng 1% so với năm 2023, lên kỷ lục 108,5 triệu tấn. Con số này gồm dầu thô vận chuyển bằng đường ống và đường biển, tương đương 2,17 triệu thùng một ngày.

Trước đó, Reuters cũng đưa tin Trung Quốc mua thêm dầu Nga do nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu và chính phủ nước này tăng tích trữ. Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Ngược lại, lượng dầu mua từ Saudi Arabia lại giảm 9% so với năm 2023, về 78,64 triệu tấn. Một phần nguyên nhân là các nhà máy lọc dầu Trung Quốc chuộng dầu Nga giá rẻ trong bối cảnh biên lợi nhuận giảm. Saudi Arabia hiện là nước sản xuất lớn nhất trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

oil-tank-1737366133-4559-1737366229.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NLE9mbSBbw7tgmOucEuqDQ

Tàu chở dầu thô cập cảng ở thành phố Ninh Ba (Chiết Giang, Trung Quốc). Ảnh: AFP

Trong phần lớn thời gian năm 2024, dầu thô Saudi bị lép vế trước dầu giá rẻ từ Nga và Iran. Đến quý IV/2024, thị phần của nước này trong dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc mới hồi phục nhờ giảm giá mạnh tay.

Tính chung cả năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu nhiên liệu giảm 1,9%. Đây là năm hiếm hoi số liệu này đi xuống, nếu không tính thời kỳ đại dịch. Nguyên nhân là tăng trưởng kinh tế trì trệ và nhu cầu nhiên liệu đã đạt đỉnh.

Lượng dầu Trung Quốc nhập từ Malaysia - điểm trung chuyển của dầu Iran và Venezuela tăng 28% năm ngoái, lên 70,38 triệu tấn. Gần như toàn bộ dầu được Trung Quốc mua từ Iran là vào các nhà máy lọc dầu tư nhân. Nhóm này đang chịu sức ép khi biên lợi nhuận co lại và nhu cầu nhiên liệu, hóa chất giảm sút.

Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây lên dầu Nga sau xung đột tại Ukraine, Trung Quốc vẫn mua lượng lớn nhiên liệu nước này cho các nhà máy lọc dầu trong nước. Trung Quốc và Ấn Độ hiện là hai quốc gia tiêu thụ dầu Nga hàng đầu thế giới.

Hà Thu (theo Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022