Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 8% trở lên, quy mô GDP khoảng trên 500 tỷ USD. Việt Nam phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục tới 2045, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Tại thông báo 52 về kết luận của Thường trực Chính phủ tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp, Chính phủ nhắc lại với khát vọng về "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Nhà nước phải kiến tạo, nhân dân ủng hộ, doanh nghiệp phải đồng hành đóng góp vào sự phát triển chung.
"Việc này trên tinh thần 'không nói khó, nói có mà không làm', chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân và không tham nhũng, lãng phí", thông báo nêu.

Khu Đông TP HCM với các dự án chung cư, cao ốc, đất nền, nhà phố, tháng 10/2024. Ảnh: Quỳnh Trần
Hiện, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp gần 45% GDP của cả nước, thực hiện hơn 40% vốn đầu tư của toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% số lao động của cả nước. Khu vực này cũng chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế.
Thường trực Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp, doanh nhân tiên phong trong đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, phát triển các lĩnh vực như kinh tế số - xanh - tuần hoàn.
Các doanh nghiệp cũng phải đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho 3 đột phá chiến lược về thể chế, xây dựng hạ tầng, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực. Cùng với đó, họ cần tăng tốc, bứt phá trong tăng trưởng, đề xuất tham gia các công trình, dự án quan trọng quốc gia.
Thường trực Chính phủ đề nghị ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn tham gia vào các chuỗi giá trị, cung ứng, sản xuất toàn cầu, để nâng thương hiệu quốc gia. Mặt khác, họ vẫn phải kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc.
Thông báo nêu rõ nhà điều hành sẽ rà soát những kiến nghị của doanh nghiệp để xây dựng thể chế thông thoáng, đội ngũ cán bộ dám làm, chịu trách nhiệm, chấm dứt cơ chế xin cho, giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, Việt Nam sẽ giữ ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh. Cụ thể, các chính sách kinh tế vĩ mô theo hướng kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, phù hợp với thực tế. Hạ tầng sẽ được phát triển, góp phần giảm chi phí logistics, tăng cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa. Nguồn nhân lực cho đất nước cũng được tập trung đào tạo nhằm phục vụ doanh nghiệp.
Với các bộ ngành, Thường trực Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng các doanh nghiệp để triển khai các dự án lớn trong quý II. Theo đó, các dự án có thể giao tư nhân tham gia như làm đường ray, sản xuất toa tàu trong xây dựng đường sắt tốc độ cao, đào hầm, làm đường, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo, khí hydrogen.
Các bộ ngành phải xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp trước ngày 20/3. Bộ Tài chính tổng hợp kết quả xử lý gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 31/3 để báo cáo Thủ tướng.
Phương Dung