Tuần tới, các nhà khoa học tham gia báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) dự kiến họp tại Hàng Châu, Trung Quốc. Nhưng TS Kate Calvin, nhà khoa học trưởng và cố vấn khí hậu cấp cao của NASA, sẽ không tham gia, dù giữ cương vị đồng chủ trì một nhóm thảo luận.

Một nhà khoa học tham gia IPCC khẳng định việc này chịu ảnh hưởng từ lệnh của chính quyền Tổng thống Donald Trump, theo CNN. Các nguồn tin của Reuters xác nhận Mỹ buộc giới khoa học nước này ngưng tham gia các báo cáo về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc. Đây là động thái mới nhất nhằm rút Mỹ khỏi hoạt động nghiên cứu khí hậu toàn cầu.

trump-1740220256-7837-1740220523.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jeHbqw4TJ1Tb_MAXNR7_Tg

Ông Donald Trump phát biểu tại Oaks, bang Pennsylvania ngày 14/10. Ảnh: AP

Bên cạnh đó, khoản tài chính Mỹ đã cam kết viện trợ cho IPCC khoảng 1,5 triệu USD cũng chưa được Quốc hội phân bổ.

Nhà Trắng từ chối bình luận về vấn đề này.

IPCC là cơ quan hàng đầu thế giới về biến đổi khí hậu trực thuộc Liên Hợp Quốc, được thành lập năm 1988. Đơn vị này cung cấp các báo cáo đánh giá tác động khủng hoảng khí hậu. Báo cáo này quy tụ hàng nghìn nhà khoa học tham gia trong nhiều năm, được dùng như cơ sở khoa học để các quốc gia hoạch định chính sách thích ứng.

Các nhà khoa học Mỹ tham gia nhiều trong công tác lập kế hoạch nội dung của báo cáo IPCC tiếp theo, dự kiến công bố vào năm 2029.

"IPCC là xương sống của khoa học khí hậu toàn cầu, cung cấp hiểu biết khách quan dựa trên bằng chứng cần thiết để đối mặt với cuộc khủng hoảng khí hậu", Harjeet Singh, Giám đốc sáng lập của Tổ chức Khí hậu Satat Sampada, nói. Ông nhận định các nỗ lực hợp tác đa bên sẽ suy yếu đáng kể khi thiếu các nhà khoa học Mỹ, trong bối cảnh cần hành động khí hậu mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Cuộc họp của nhóm khoa học IPCC tại Hàng Châu dự kiến diễn ra từ 24-28/2, sẽ thảo luận một số quyết định quan trọng định hình kết quả của báo cáo đánh giá khí hậu tiếp theo, bao gồm vai trò của công nghệ loại bỏ và thu giữ carbon.

Việc Mỹ rút khỏi IPCC không bất ngờ với giới khoa học khí hậu, bởi ông Trump đã rút nước này khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris ngay ngày đầu nhậm chức. Bên cạnh đó, chính quyền của tân Tổng thống cũng cắt nguồn tài chính khí hậu toàn cầu và quan hệ đối tác quốc tế trong lĩnh vực ông Trump gọi là "trò lừa".

Trước sự rút lui của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và các nước dễ bị tổn thương bởi khí hậu lo ngại báo cáo đánh giá toàn cầu tiếp theo của IPCC có thể chậm trễ.

"Chúng ta nợ tất cả những người chịu tác động khủng hoảng khí hậu và thế hệ tương lai. Chúng ta cần đưa ra quyết định về tương lai của Trái Đất trên cơ sở bằng chứng và kiến thức tốt nhất đang có", ông Wopke Hoekstra, Ủy viên phụ trách vấn đề khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) và các bộ trưởng từ 17 quốc gia gồm Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Quần đảo Marshall, Guatemala cho biết trong một tuyên bố chung hôm 21/1.

Bảo Bảo (theo CNN, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022