Sở hữu một hoặc nhiều tài khoản ngân hàng là thực trạng phổ biến với nhiều người hiện nay. Tuy nhiên, sau sự việc nhiều khách nợ phí ngân hàng tiền triệu dù tài khoản không sử dụng, một số người vỡ lẽ rằng không chỉ thẻ ngân hàng, ngay cả tài khoản thanh toán thông thường cũng mặc định các loại phí.

Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ như chuyển khoản, rút tiền mặt, trả hóa đơn... Đây là loại tài khoản thông dụng nhất nên thường được hiểu như "tài khoản ngân hàng".

Thời gian gần đây, các nhà băng đang chạy đua trong xu thế miễn, giảm phí dịch vụ, phổ biến nhất là mở tài khoản, sử dụng ngân hàng số, chuyển khoản, rút tiền tại ATM... Tuy nhiên, khách hàng vẫn phải đóng một số phí cố định khi sở hữu tài khoản ngân hàng, thường gặp nhất là phí quản lý hoặc phí duy trì tài khoản. Điều này đồng nghĩa dù có mở thẻ ngân hàng (thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng...) hay không, bạn vẫn có thể chịu phí.

img-0410-1711017880-1229-1711017955.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ixRB7-iTXoVdj0rakuv4kw

Một người dùng đang sử dụng ứng dụng ngân hàng số. Ảnh: Tất Đạt

Phí quản lý tài khoản là khoản tiền phải trả định kỳ nếu muốn tiếp tục sử dụng tài khoản và các dịch vụ kèm theo của ngân hàng.

Khảo sát của VnExpress cho thấy, phí quản lý của các ngân hàng thương mại nội địa thường rơi vào khoảng 5.000-11.000 đồng mỗi tháng. Nhiều ngân hàng triển khai chính sách miễn phí quản lý nếu khách giữ số dư bình quân trong tài khoản trên mức quy định. Một số ngân hàng hiện miễn khoản phí này vô điều kiện gồm MBB, ACB, Techcombank, Timo, SHB, OUB, Woori Bank...

Các ngân hàng nước ngoài có xu hướng thu phí quản lý tài khoản cao hơn hẳn, có thể lên đến 100.000-200.000 đồng mỗi tháng. Cùng thu 200.000 đồng mỗi tháng, nhưng khách hàng Public Bank chỉ cần giữ số dư bình quân trên 1 triệu đồng sẽ được miễn phí, còn ANZ Bank yêu cầu lên đến 50 triệu đồng - cao nhất toàn hệ thống ngân hàng hiện nay.

Bên cạnh đó, khách hàng cần chú ý đến phí duy trì tài khoản. Sau một thời gian không phát sinh giao dịch chủ động như chuyển tiền, nhận tiền (không gồm các giao dịch trả lãi hoặc trừ phí từ ngân hàng), thường khoảng 6-12 tháng, ngân hàng sẽ thu thêm phí duy trì tài khoản. Loại phí này nhằm mục đích kích cầu, đảm bảo khách hàng thường xuyên sử dụng tài khoản. Ngoài thời gian hoạt động, một số ngân hàng còn quy định kèm thêm số dư bình quân trong tài khoản.

Vì không để ý chính sách này, không ít khách hàng tá hỏa khi tài khoản "bốc hơi" tiền triệu sau thời gian dài không giao dịch.

Do vậy, khi không sử dụng dịch vụ của một ngân hàng nào đó, bạn nên chủ động đóng cả thẻ và tài khoản để tránh chịu các chi phí không đáng có. Nhiều người chỉ thực hiện đóng thẻ mà không đóng tài khoản, dẫn đến việc bị ngân hàng tính phí quản lý hoặc duy trì.

Hiện tại chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu nào có thể giúp tra cứu mỗi người đang sở hữu bao nhiêu tài khoản và thẻ ngân hàng. Cách duy nhất chính là tự rà soát theo trí nhớ, gọi tổng đài hoặc đến phòng giao dịch các ngân hàng để tra cứu và làm thủ tục đóng.

Khi đó, bạn có thể phải trả thêm phí đóng tài khoản. Thông thường, nếu đóng tài khoản dưới 12 tháng kể từ ngày mở, ngân hàng sẽ thu phí 20.000-50.000 đồng. Một số ngân hàng, chủ yếu vốn ngoại, có thể tính phí 100.000-300.000 đồng cho thủ tục này. Với các ngân hàng miễn phí đóng tài khoản, bạn vẫn có thể phải thanh toán đủ các phí còn nợ mới được thực hiện thủ tục này.

Tất Đạt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022