Đầu tháng 3, giá cà phê ở mức 86.000 đồng một kg, tăng trên 30% so với cuối năm ngoái. Trong 20 ngày, loại nông sản này đắt thêm gần 10%, lên 95.000 đồng một kg. Mức này cũng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều ngày nay, ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More (huyện Hóc Môn, TP HCM) liên tục họp với các đơn vị cung ứng để thương thảo điều chỉnh đơn giá. Theo ông, giá cà phê tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đẩy nhiều doanh nghiệp chế biến vào thế khó.
"Giá đầu vào lên 85.000-95.000 đồng một kg, nhưng doanh nghiệp không thể tăng giá bán do hợp đồng đã ký đều theo giá nguyên liệu quanh 50.000-60.000 đồng", ông chia sẻ.
Ông Luận cho rằng chưa bao giờ doanh nghiệp lại khó "trở tay" như năm nay. Hàng năm, giá cà phê không biến động "sốc" nên việc thu mua nguyên liệu dễ dàng. Năm nay, các doanh nghiệp không thể mua dự trữ do giá leo thang. Trường hợp nhập được, họ chỉ dám mua số lượng rất ít để giao nốt đơn hàng cũ.
"Chúng tôi không dám ký mới với những đơn hàng giá thấp. Công ty đang cố gánh lỗ đến tháng 6", ông Luận nói.
Người dân Đăk Hà (Kon Tum) thu hoạch cà phê. Ảnh: Huỳnh Phương
Tình cảnh trên đang diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu cà phê. Ông Nguyễn Đức Hưng, CEO Napoli Coffee (hệ thống nhượng quyền với hơn 2.000 cửa hàng trên cả nước), nói công ty đang phải "gồng lỗ" khi giá nguyên liệu leo thang.
Theo ông Hưng, hàng trong kho chỉ đáp ứng được 70% đơn hàng xuất khẩu đã ký. 30% đơn còn lại, công ty phải chịu phạt để hủy khi đối tác nhập không chịu điều chỉnh thêm 5-10%. "Nếu càng xuất khẩu, chúng tôi càng lỗ", ông Hưng nói.
Mặt khác, nhu cầu thu mua cà phê tăng cao nhưng lượng bán ra nhỏ giọt. Điều này, theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group, dẫn tới thực tế người trồng thấy giá cao nên găm hàng không bán. Thương lái không đủ hàng giao cho các nhà chế biến, còn doanh nghiệp lỗ khi mua cao, bán thấp.
Với giá nguyên liệu quanh 95.000 đồng một kg hiện nay, các công ty ước tính họ lỗ hàng chục triệu đồng mỗi tấn cà phê sau chế biến. Con số này tăng lên hàng chục tỷ đồng nếu lượng hàng cần giao khoảng 1.000 tấn.
Theo dữ liệu của Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 20/3, giá cà phê đạt 94.300 đồng một kg, tăng 124% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam, nêu nguyên nhân khiến giá nông sản này tăng vọt. Trước tiên, tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu, khiến sản lượng sụt giảm. Riêng Việt Nam, sản lượng hụt 10% trong vụ mùa 2023-2024, do người trồng chuyển đổi canh tác khi giá lao dốc trước đây. Tồn kho trong doanh nghiệp thấp kỷ lục, nguồn cung ít đẩy giá tăng.
Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị, căng thẳng khu vực Biển Đỏ khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng. Cuối cùng, nhiều nhà đầu tư tài chính chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ, khiến giá nông sản này đắt thêm.
Giá leo thang, cạnh tranh của cà phê trên thị trường giảm. Theo các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu đang chuyển hưởng sang mua từ Ấn Độ, Brazil vì hàng Việt sốt giá. Nhưng từ tháng 4, Brazil vào vụ, giá cà phê có thể quay đầu hạ.
Dù vậy, số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy hai tháng đầu năm, Việt Nam xuất 438.000 tấn cà phê, thu gần 1,4 tỷ USD. Mức này tăng gần 28% về lượng và 85% giá trị so với cùng kỳ 2023. Robusta và Arabica vẫn là hai loại cà phê có tăng trưởng bứt phá.
Thi Hà