Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 đã cải thiện ở mức 8,9%, sau tháng 10 giảm tốc vì ảnh hưởng của bão Yagi.
Tính chung 11 tháng, mức tăng 8,4% của IIP tương đương cùng kỳ 2022 và cải thiện tích cực so với cùng giai đoạn của năm ngoái (tăng 0,9%). Đóng góp lớn nhất vào mức tăng chung là ngành chế biến - chế tạo, với IIP tăng 9,7%, trong khi cùng kỳ 2023 đạt 1%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực đã hồi phục đáng kể trong 11 tháng qua, ở mức hai con số như: cao su (25,5%); gỗ nội thất (24,7%); xe có động cơ (18,3%); hoá chất (13,4%); dệt (12,1%) và đồ da (12,6%).
Phục hồi sản xuất diễn ra diện rộng, ở 60 tỉnh thành và giảm ở 3 địa phương. IIP tăng mạnh ở Phú Thọ (hơn 42%); Lai Châu (39,9%); Bắc Giang (28,3%); Quảng Nam (20,7%) và Thanh Hóa (19,3%).
Tại đầu tàu kinh tế TP HCM, Cục Thống kê địa phương cho biết IIP trên địa bàn tiếp tục phục hồi và duy trì đà tăng trưởng mạnh, ước tăng 9,7% trong tháng 11 và 7,1% trong 11 tháng. Trong đó, công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 7%, với các ngành đồ gỗ, cao su, hóa chất khá tích cực.
Với sự phục hồi của sản xuất, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tính đến đầu tháng này tăng 4,4% so với cùng thời điểm 2023. Xuất khẩu cũng tiếp đà đi lên. Tính chung mười một tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 370 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, hàng công nghiệp chế biến sơ bộ chiếm 88%, theo Tổng cục Thống kê.
Công nhân Khu chế xuất Tân Thuận trong giờ sản xuất năm 2023. Ảnh: Lê Tuyết
Trước đó, chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý III do Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ghi nhận mức 52 điểm, là mức tăng đáng kể so với 45,1 điểm hồi quý III/2023. Chỉ số dưới 50 phản ánh niềm tin suy giảm.
Dẫu vậy, ngành sản xuất cũng có vài thách thức ngắn hạn. Khảo sát của S&P Global cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 tại Việt Nam đạt 50,8 điểm, nằm trên ngưỡng 50, cho thấy các điều kiện kinh doanh đã cải thiện tháng thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, so với PMI 51,2 điểm của tháng 10 thì sức khỏe ngành sản xuất chỉ mạnh lên ở mức khiêm tốn.
Theo hãng phân tích Mỹ này, tổng số đơn đặt hàng mới tăng trong bối cảnh nhu cầu cải thiện và có thêm khách hàng mới, nhu cầu quốc tế yếu cũng đã ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung. Niềm tin kinh doanh có giảm nhưng các nhà sản xuất vẫn lạc quan về sản lượng tăng trong năm sau.
Cuộc khảo sát gần nhất của EuroCham được thực hiện sau khi bão Yagi xảy ra cho biết gần một nửa doanh nghiệp châu Âu (47,4%) tin rằng tình hình kinh tế vĩ mô sẽ có sự cải thiện trong quý IV. Gần 70% kỳ vọng về môi trường kinh doanh thuận lợi trong 5 năm tới và 67% khuyến nghị Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn mặc dù vẫn còn một số thách thức nhất định.
"Kết quả này không chỉ là những con số; chúng tô điểm một bức tranh toàn cảnh nêu bật sự phát triển của Việt Nam như một trung tâm kinh doanh chiến lược", Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert bình luận.
Viễn Thông