Ông Hoàng, thương lái chuyên thu mua sầu riêng tại Đông Nam Bộ, cho biết từ tháng 6, lượng sầu riêng được các doanh nghiệp mua để xuất khẩu đã tăng gấp 2-3 lần so với trước.

Cùng với lượng hàng tăng, giá sầu riêng cũng nhích lên 3.000-5.000 đồng mỗi kg. Cụ thể, loại Monthong A (2,7 hộc) hiện đạt 73.000-78.000 đồng một kg, Ri6 loại A ở mức 43.000-44.000 đồng. Hàng loại B (2,5 hộc) cũng tăng tương ứng, dao động 26.000 đến 58.000 đồng một kg.

Tín hiệu tích cực từ thị trường thể hiện rõ trong số liệu xuất khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch rau quả tháng 6 đạt 807 triệu USD, tăng hơn 30% so với tháng trước và tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng đầu tiên trong năm, xuất khẩu rau quả tăng trưởng trở lại, sau 5 tháng liên tục giảm. Riêng sầu riêng đóng góp khoảng 360 triệu USD trong tháng 6, tăng hơn 70% so với tháng 5.

dsc00131-jpg-1753239931-7291-1753240109.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QIteW5hhL4PaC14BhKgmGQ

Thu hoạch sầu riêng tại thị xã Cai Lậy, Tiền Giang. Ảnh: Hoàng Nam

Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group, công ty xuất khẩu đều đặn khoảng 20 container sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc mỗi tháng. Việc đẩy mạnh xuất hàng đông lạnh giúp giảm rủi ro khi thời tiết thất thường và kiểm soát chất lượng tốt hơn. "Nếu các doanh nghiệp đầu tư bài bản cho quy trình cấp đông, sầu riêng Việt sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi vào Trung Quốc", ông nói.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá từ tháng 5 là thời điểm sầu riêng chính thức trở lại "đường đua". Tới nay, mặt hàng này đã tăng trưởng mạnh tại nhiều thị trường, đặc biệt là Trung Quốc đại lục, Thái Lan, Campuchia và Hong Kong. "Kim ngạch tháng 6 cho thấy xuất khẩu sầu riêng đã quay lại trạng thái ổn định như năm 2024", ông nhận xét.

Ông Nguyên dự báo nếu đà tăng này tiếp tục, trong cao điểm vụ mùa sắp tới (tháng 9-10), xuất khẩu sầu riêng có thể đạt 500-550 triệu USD mỗi tháng. Tuy nhiên, giá khó có thể quay lại mức đỉnh như giai đoạn 2023-2024 vì nguồn cung toàn cầu ngày càng dồi dào. Ngoài Thái Lan và Việt Nam, nay còn có Malaysia, Indonesia, Campuchia và Lào tham gia thị trường xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào Trung Quốc.

Dù vậy, các doanh nghiệp Việt hiện đã kiểm soát tốt hơn các chỉ tiêu kỹ thuật như chất vàng O, cadimi - yếu tố từng khiến hàng bị trả về. Nhiều doanh nghiệp yêu cầu nhà vườn, vựa trung gian phải xét nghiệm chất lượng trước khi nhập hàng, giúp tăng tỷ lệ thông quan.

Thời điểm này cũng trùng với vụ thu hoạch sầu riêng tại Đông Nam Bộ và Tây Nguyên - hai vùng kiểm soát tốt dư lượng chất cấm. Nhờ đó, hàng hóa thuận lợi hơn khi xuất sang Trung Quốc.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam kỳ vọng, những tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục khả quan, đặc biệt là mặt hàng sầu riêng đông lạnh, dừa... với tổng kim ngạch cả năm có thể đạt 6,5-7 tỷ USD, tiệm cận mức của năm trước.

Thi Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022