Đây là bước đi đầu tiên trong lộ trình chuyển đổi toàn quốc sang nhiên liệu xanh, dự kiến bắt đầu từ năm 2026. Xăng sinh học E10, với thành phần gồm 10% ethanol sinh học pha trộn cùng 90% xăng khoáng, được xem là giải pháp quan trọng nhằm giảm phát thải CO₂, thúc đẩy ngành nông nghiệp ethanol và đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Theo lộ trình của Chính phủ, xăng sinh học E10 sẽ từng bước thay thế xăng khoáng trên thị trường.
Hai đầu mối lớn nhất thị trường xăng dầu là Petrolimex và PVOIL, đang lên kế hoạch triển khai bán E10 trong tháng 8. Trong đó, Petrolimex chọn triển khai trước tại TP HCM. Doanh nghiệp này đã hoàn tất chuẩn bị về hệ thống bồn chứa, công nghệ pha chế và phối hợp cùng các nhà máy lọc dầu để đảm bảo nguồn cung E10 ổn định trong suốt thời gian thí điểm.
PVOIL cũng dự kiến triển khai tại Hà Nội và Hải Phòng. Theo ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch HĐQT PVOIL, việc bán xăng E10 từ ngày 1/8 nhằm giúp khách hàng dần làm quen với nhiên liệu mới, tránh gây "cú sốc" khi chuyển đổi. Ngoài đáp ứng nhu cầu nội tại, PVOIL còn định hướng đầu tư cho hoạt động gia công pha chế E10 cho các đầu mối khác nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường.

Trạm xăng dầu Petrolimex trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. Ảnh: Thanh Tùng
Đại diện Petrolimex kỳ vọng, người tiêu dùng sẽ đón nhận E10 vì giá có thể thấp hơn RON95, trong khi lại thân thiện hơn với môi trường.
Nguồn cung ethanol cũng đang được rà soát để bảo đảm đủ cho nhu cầu thí điểm và mở rộng. Hiện cả nước có 6 nhà máy ethanol, trong đó 2 đơn vị đang hoạt động với công suất khoảng 100.000 m3 một năm. Nếu tất cả cùng vận hành trở lại, sản lượng có thể đạt 500.000 m3 một năm, đủ để pha chế xăng E10 phục vụ thị trường nội địa.
Trong giai đoạn đầu, ethanol nhập khẩu vẫn được tính đến như nguồn bổ sung. Tuy vậy, mục tiêu lâu dài là chủ động hoàn toàn nguồn cung trong nước, đồng thời phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp - năng lượng. Các nguyên liệu đầu vào như sắn và ngô - vốn nhiều mùa gặp khó về giá, có thể tìm được đầu ra ổn định khi thị trường nhiên liệu sinh học phát triển.
Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, xăng E10 còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính nhờ hàm lượng ethanol 9-10%. Đây là một trong những yếu tố giúp Việt Nam tiến gần hơn tới cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. Ngoài ra, việc phát triển nhiên liệu sinh học còn được kỳ vọng củng cố an ninh năng lượng quốc gia.
Một số quốc gia như Mỹ, Brazil, Thái Lan đã áp dụng xăng sinh học từ nhiều năm trước. Thái Lan từng đặt mục tiêu thay toàn bộ xăng RON91 bằng E10 và E20, qua đó hình thành thị trường nhiên liệu sinh học hoàn chỉnh và ổn định.
Thi Hà - Phương Dung