Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT TPBank
Đã tham gia vào giới buôn tiền hơn 10 năm, nhưng nhiều người vẫn quen gọi Chủ tịch Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) là ông "Phú DOJI". Ông Đỗ Minh Phú sinh năm 1952 (Nhâm Thìn) trong một gia đình nhiều đời làm doanh nhân.
Ông Đỗ Minh Phú. Ảnh: DOJI
Thế nhưng, ông lại từng tự nhận mình là người không may mắn lắm trong kinh doanh. Bởi ông bước chân vào thị trường vàng hay ngân hàng đều trúng thời điểm nhiều khó khăn, thậm chí gần như khủng hoảng, thay vì được dọn sẵn "mâm cao cỗ đầy". Với vàng, DOJI ra đời những năm 2000 khi thị trường đã có nhiều thương hiệu lớn tên tuổi hàng chục năm.
Còn với ngân hàng, cũng vào năm Thìn (2012), ông Phú tham gia TienPhongBank (tên gọi cũ của TPBank) - một trong những nhà băng bị liệt vào danh sách "yếu kém", buộc phải tự cơ cấu. Từng ví von quyết định này như lao đầu vào đá bởi nhà băng này, theo ông lúc đó có 3 thứ không, gồm không có cách chuẩn để phát triển một ngân hàng thương mại, không có đội ngũ lãnh đạo đủ năng lực và không có công nghệ.
Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm, tố chất của một người lăn lộn hàng chục năm trên thương trường và sự tâm huyết, ông "Phú DOJI" cũng đã cơ cấu thành công ngân hàng này. Chỉ 5 năm sau tái cơ cấu, TPBank đã đạt mức lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng từ một ngân hàng thua lỗ. Nhưng cũng trong 5 năm này, ông cho biết phải đánh đổi nhiều thứ như chưa một lần nào được lên giường trước 12h đêm, thậm chí còn phải nhập viện dài ngày. Ông chỉ dành một phần ba thời gian làm việc tại công ty vàng, còn lại phần lớn dồn vào TPBank.
Cuối năm 2017, ông cũng quyết định thôi làm Chủ tịch DOJI - nơi tạo nên tên tuổi, hình thành phong cách kinh doanh để làm Chủ tịch HĐQT TPBank nhằm đúng với quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi. Ngoài ra khi đó, ông chia sẻ với nhân viên tại cả hai doanh nghiệp rằng vẫn còn nhiều việc phải làm với TPBank sau khoảng thời gian được trải nghiệm thách thức với vai trò một banker. Năm 2022, ngân hàng này đạt đỉnh lợi nhuận với khoản lãi trước thuế hơn 9.600 tỷ đồng. Đến cuối năm ngoái, ngân hàng này đã có 12 triệu khách hàng.
Trong khi đó, DOJI cũng đạt được mức lãi hơn 1.000 tỷ đồng vào năm 2022. Ngoài kinh doanh vàng, bạc, đá quý, tập đoàn này cũng đầu tư phát triển một số dự án bất động sản. Hiện tại, hai con ông Phú đều nối nghiệp kinh doanh và giữ vai trò lãnh đạo cấp cao tại tập đoàn này. Trong đó, ông Đỗ Minh Đức làm Phó chủ tịch thường trực DOJI từ tháng 9/2023, còn bà Đỗ Vũ Phương Anh làm tổng giám đốc.
Ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch HĐQT LPBank
Sinh năm 1976 (Bính Thìn), ông Nguyễn Đức Thụy cũng là một banker tay ngang và xuất thân trong một gia đình có truyền thống kinh doanh. Cuối năm 2022, ông Thụy làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), tiền thân của LPBank hiện nay.
Trong năm đầu tiên của chủ tịch mới, LPBank lãi hơn 7.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022. Với thế mạnh sở hữu mạng lưới hàng đầu cả nước hơn 1.000 điểm giao dịch, Bầu Thụy cũng đặt mục tiêu thay đổi toàn diện LPBank trong những năm tới, trở thành ngân hàng bán lẻ top đầu thị trường.
Bầu Thụy lần đầu xuất hiện với vai trò Chủ tịch HĐQT LPBank hồi tháng 4/2023. Ảnh: LPB
Trước đó, ông Thụy đã làm chủ tịch và lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, xây dựng, năng lượng, xi măng... như Chủ tịch Tập đoàn Thai Group, Công ty cổ phần Thaiholdings, Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên, Công ty cổ phần Enclave Phú Quốc và Phó chủ tịch Công ty Điện Mặt trời Xuân Thiện Ninh Thuận, Điện Mặt trời Xuân Thiện Đăk Lăk.
Tên tuổi của doanh nhân gốc Ninh Bình này lại biết đến nhiều hơn trong lĩnh vực bóng đá với cái tên "Bầu Thụy". Giai đoạn 2011 - 2013, ông giữ vai trò Chủ tịch CLB bóng đá Sài Gòn Xuân Thành. Với việc mạnh tay chi hàng chục tỷ đồng để đưa các ngôi sao về đội, khi ấy, ông được giới chuyên gia đánh giá là tiêu biểu cho khẩu hiệu "cái gì không mua được bằng tiền thì mua bằng nhiều tiền".
Gần đây, ông Nguyễn Đức Thụy dường như đã trở lại với niềm đam mê bóng đá khi thường xuyên xuất hiện trên khán đài sân Hàng Đẫy mỗi trận CLB Công An Hà Nội thi đấu. Cuối năm ngoái, LPBank của Bầu Thụy cũng trở thành đối tác toàn diện của CLB HAGL. Sau thỏa thuận này, đội bóng của Bầu Đức được đổi tên thành LPBank - HAGL.
Theo Bầu Đức, ông quyết định tìm đến đối tác có khả năng tài chính rõ ràng, ổn định để cùng nhau phát triển CLB và học viện HAGL. Trong tương lai, đối tác có thể kế thừa đội bóng và học viện. Song song với động thái này, các cá nhân có liên quan đến LPBank và Thaigroup cũng dự kiến mua 130 triệu cổ phiếu HAGL trong đợt phát hành riêng lẻ sắp tới.
Ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phenikaa
Sinh năm 1964 (Giáp Thìn), ông Hồ Xuân Năng có trình độ Phó giáo sư, Tiến sĩ Cơ khí động lực, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Ông từng làm giảng viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội, rồi cán bộ tại Viện cơ điện Nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 1993-1996.
Từ một nhà nghiên cứu, sự nghiệp của ông Năng nhanh chóng chuyển hướng khi giữ vai trò Giám đốc sản xuất nhà máy ôtô Ford Việt Nam - Hải Dương, rồi các vị trí lãnh đạo tại Nhà máy đá ốp lát cao cấp Vinaconex (tiền thân của Vicostone hiện tại).
Ông Hồ Xuân Năng (giữa) điều hành phiên họp thường niên năm 2023 của Vicostone. Ảnh: VCS
Khoảng 10 năm trước, ông Năng gây xôn xao với thương vụ thâu tóm ngược hiếm có trên thị trường. Năm 2014, đại hội đồng cổ đông Vicostone chấp thuận trở thành công ty con của Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) - một tên tuổi mới và chưa có nhà máy sản xuất. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Vicostone bị đe dọa mất thị phần, hiệu quả hoạt động khi Phenikaa đã ký hợp đồng độc quyền 6 năm với Breton về công nghệ sản xuất đá tấm thạch anh.
Điều này đồng nghĩa việc Vicostone sẽ không còn quyền đầu tư mua thiết bị từ hãng này và không còn khả năng tăng trưởng. Tuy nhiên, cuối năm 2014, ông Hồ Xuân Năng khi đó là Chủ tịch HĐQT, kiêm CEO Vicostone đã bất ngờ mua lại 90% vốn điều lệ của công ty mẹ Phenikaa.
Từ tháng 12/2015, ông trở thành Chủ tịch HĐQT Phenikaa. Bằng chiến lược kinh doanh đột phá và tầm nhìn dài hạn, chỉ trong thời gian ngắn, ông đã đưa Phenikaa từ một công ty nhỏ trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành có tên tuổi trên thị trường.
Trong đó, công ty con Vicostone hiện nằm trong top 3 thương hiệu đá thạch anh cao cấp trên toàn cầu với 6 dây chuyền, công suất hơn 3 triệu m2 mỗi năm. Sản phẩm của công ty được tiêu thụ tại trên 50 quốc gia với khoảng 10.000 đại lý, đối tác, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Australia. Giai đoạn 2017-2022, Vicostone đều đặn lãi trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Cuối năm 2023, tổng tài sản của Vicostone đạt hơn 6.400 tỷ đồng.
Ngoài sản xuất, Phenikaa còn hoạt động trong các lĩnh vực như giáo dục, công nghệ, nghiên cứu khoa học, chăm sóc sức khỏe, thương mại và dịch vụ. Tập đoàn này hiện có hệ thống trường liên cấp và đại học Phenikaa. Ông Năng cũng đang làm Chủ tịch hội đồng, kiêm Tổng giám đốc Đại học Phenikaa.
Đến hết 31/12, doanh nhân này sở hữu hơn 5,98 triệu cổ phiếu VCS của Vicostone, tương đương 3,74% vốn. Số cổ phiếu này có trị giá lên đến gần 370 tỷ đồng nếu tính theo giá chốt phiên giao dịch 7/2. Trên thị trường, Chủ tịch Phenikaa còn thường được gọi với cái tên "Năng Do Thái".
Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái
Cũng sinh năm 1964, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội giống ông Hồ Xuân Năng, ông Phạm Đình Đoàn hiện là Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái.
Ông Phạm Đình Đoàn. Ảnh: Phú Thái
Sau khi tốt nghiệp, ông Đoàn được phân về làm cán bộ nghiên cứu tại Viện Công nghiệp thực phẩm thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ (nay là Bộ Công Thương). Nhờ năng lực chuyên môn tốt, ông tiếp tục được cử đi học tại Thái Lan và Pháp.
Năm 1993, ông Đoàn trở về nước nhưng quyết định từ bỏ con đường nghiên cứu khoa học. Ông chọn khởi nghiệp và thành lập Phú Thái năm 1993 chỉ với 10 nhân sự. Khi đó, ông nhận ra cơ hội từ thị trường phân phối, bán lẻ ở nước ngoài đã phát triển rất mạnh mẽ, trong khi tại Việt Nam chủ yếu vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước.
Đến năm 1995, sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Ông Đoàn cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để làm ăn với các đối tác và đầu tiên là Procter & Gamble (P&G). Đến nay, Phú Thái vẫn là nhà phân phối chính thức các sản phẩm của P&G tại Việt Nam.
Với lợi thế về ngoại ngữ, ông Đoàn có thể trực tiếp đàm phán với các đối tác nước ngoài. Nhờ đó, Phú Thái cũng nắm bắt được cơ hội hợp tác với chiến lược "đứng trên vai người khổng lồ" ngay từ lúc nền kinh tế mới mở cửa. Doanh nhân này coi việc hợp tác với các đối tác, tập đoàn lớn nước ngoài giúp cả ông và Phú Thái đều vào thế phải vươn lên, hoạt động chuyên nghiệp, quản trị minh bạch hơn. Trên con đường lập nghiệp của mình, ông cũng luôn đề cao sự liêm chính trong kinh doanh.
Vượt qua nhiều khó khăn giai đoạn ban đầu, ông Đoàn được coi là một trong những người khai phá và đặt nền móng cho mô hình bán lẻ hiện đại tại Việt Nam. Đến nay, Phú Thái có gần 5.000 nhân viên. Doanh thu năm 2022 của Phú Thái và các đơn vị thành viên đạt gần 10.000 tỷ đồng.
Tại Việt Nam, Phú Thái đang là đối tác phân phối của nhiều thương hiệu nổi tiếng như P&G, Caterpillar (Mỹ), Jaguar Land Rover (Anh), Pon (Hà Lan), BJC (Thái Lan), Itochu, Watakyu, Colowide (Nhật Bản), Medion (Indonesia).
Ông Đoàn cũng từng là Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam. Hiện tại, ông Đoàn vẫn giữ vai trò đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
Đào Hữu Duy Anh - Tổng giám đốc Hóa chất Đức Giang
Sinh năm 1988 (Mậu Thìn), Đào Hữu Duy Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang thuộc thế hệ doanh nhân Việt F2. Ông là con trai của Chủ tịch HĐQT Hoá chất Đức Giang - Đào Hữu Huyền.
CEO Hóa chất Đức Giang - Đào Hữu Duy Anh. Ảnh: FBNV
CEO Đức Giang tốt nghiệp Thạc sỹ Hóa tại Đại học Cambridge (Anh). Trước khi nắm vai trò điều hành doanh nghiệp có hàng loạt công ty con và giá trị vốn hóa lên đến hơn 36.000 tỷ đồng này, Duy Anh đã trải qua nhiều vị trí công việc ở Đức Giang.
Khi còn du học, mỗi kỳ nghỉ hè, ông đều dành gần như toàn bộ quãng thời gian này để về Việt Nam, làm quen với công việc kinh doanh của gia đình từ những việc nhỏ nhất. Ông từng làm công nhân đổ bê tông hay công nhân ở xưởng nguyên liệu.
Sau khi về nước, công việc đầu tiên của Duy Anh là trợ lý cho ông Đào Hữu Huyền. Đến tháng 4/2013, ông mới làm Phó tổng giám đốc một công ty của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang. Từ năm 2019, Duy Anh trở thành uỷ viên HĐQT, kiêm Phó tổng giám đốc của tập đoàn này, phụ trách về xuất khẩu - mảng đem về hơn 70% doanh thu giai đoạn 2019-2021 cho Đức Giang.
Hiện tại, CEO Đức Giang nắm giữ hơn 11,4 triệu cổ phiếu DGC. Số cổ phiếu này có giá trị gần 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Đào Hữu Duy Anh từng nói rằng thực sự không có cảm giác gì khác lạ vì tài sản trên thị trường chứng khoán không đánh giá được hết những gì ông có.
CEO này cho rằng một trong những tài sản quý nhất mà ông có là ngôn ngữ về học thuật và kỹ thuật để trao đổi với những chuyên gia hàng đầu liên quan xu hướng của thị trường hoá chất trên thế giới. Từ đó, Đức Giang biết được mặt hàng nào thiếu nguồn cung, giúp tối ưu hoá sản xuất và lợi nhuận.
Anh Tú