Sau 5 phiên tăng liên tiếp, VN-Index nhiều lần kiểm tra mốc kháng cự quan trọng 1.100 điểm. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch hôm qua, thị trường bắt đầu rung lắc với biên độ hẹp khiến nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc chốt lời một phần.

Sáng nay, chỉ số đại diện sàn HoSE tăng vượt 1.115 điểm trong phiên ATO. Ngay lập tức, lực bán chủ động xuất hiện ngày càng lớn kéo chỉ số này giảm dần, có lúc về dưới tham chiếu. Sau đó, VN-Index dùng dằng trên tham chiếu với biên độ hẹp.

Buổi chiều, chỉ số này nhanh chóng bị nhuộm đỏ. Tuy có lúc vượt 1.110 điểm nhưng áp lực bán đổ về ồ ạt đã ghì chặt chỉ số đại diện sàn TP HCM dưới tham chiếu. Chốt phiên, VN-Index giảm hơn 8 điểm, về còn 1.101,3 điểm.

Toàn sàn HoSE có 269 mã giảm, cao gần gấp đôi số lượng 139 mã tăng. Riêng rổ VN30, diễn biến còn kém khả quan hơn khi có 23 cổ phiếu giảm, kéo chỉ số này giảm hơn 13 điểm.

A-nh-ma-n-hi-nh-2023-06-08-lu-6108-7050-1686213218.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=I8A1D4h_SFkQ0Gex6XSpHw

VN-Index "đổ đèo" vào buổi chiều trước áp lực chốt lời lớn. Ảnh: VNDirect

Thị trường quay đầu giảm khi nhà đầu tư ồ ạt chốt lời cổ phiếu. Thanh khoản đạt gần 23.690 tỷ đồng, cao nhất kể từ ngày 22/4. Trong đó, công nghiệp, bất động sản, ngân hàng và chứng khoán là những ngành tập trung nhiều giao dịch nhất.

Theo VNDirect, ngành ngân hàng góp đến 6 đại diện trong top 10 cổ phiếu khiến thị trường mất điểm nhiều nhất, dẫn đầu là mã chứng khoán của ba nhà băng BID, TCB và VPB.

Trừ VCB và PGB tăng giá, SGB dừng ở mức tham chiếu, tất cả cổ phiếu ngân hàng đều giảm trong hôm nay. NVB giảm mạnh nhất với 4,4% nhưng thanh khoản không đáng kể. Ngành này ghi nhận loạt cổ phiếu có giá trị giao dịch hàng trăm tỷ đồng, thị giá giảm mạnh như STB, VIB, EIB, LPB.

Ở nhóm chứng khoán, số cổ phiếu giảm cũng chiếm đa số. Hơn 1.200 tỷ đồng đổ vào mã VND - cao nhất toàn thị trường, chủ yếu là do nhà đầu tư xả hàng, có thời điểm lực bán chủ động chiếm gần 97%. Điều này kéo thị giá VND lùi 6% so với tham chiếu, gần cuối phiên bảng điện xuất hiện bên mua với giá sàn. Ngoài ra, ngành chứng khoán cũng ghi nhận nhiều cổ phiếu có thanh khoản lớn, giảm giá như SSI, SHS, HCM, VCI.

Bảng điện ngành bất động sản đa sắc màu hơn. Hôm nay ngành này có 9 mã tăng trần và 1 mã nằm sàn. Đa số cổ phiếu lớn trong ngành đều rung lắc với biên độ đáng kể như DIG và CEO cùng giảm trên 5% so với tham chiếu, DXG giảm 4,6% và CII đi lùi 3,6% hay NLG cũng mất 3,3% thị giá.

Không chỉ nhà đầu tư nội địa, khối ngoại cũng giao dịch nhộn nhịp khi bán ra hơn 2.750 tỷ đồng và dành hơn 2.440 tỷ đồng mua vào cổ phiếu. Giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt mức cao nhất một tháng rưỡi qua. Cán cân tiếp tục nghiêng về bán ròng với biên độ hơn 300 tỷ đồng, chủ yếu là VNM và GEX.

Tất Đạt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022