Chiều 7/6 Bộ Công Thương họp thông tin về tình hình cung ứng điện, trong bối cảnh nhiều địa phương tại miền Bắc, trong đó có Hà Nội, bị mất điện những ngày qua.

Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, công suất khả dụng của tất cả các nguồn điện ở miền Bắc (gồm điện nhập khẩu) là 17.500-17.900 MW, tức khoảng 59,2% công suất lắp đặt. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện khoảng 20.000 MW và có thể lên tới 23.500-24.000 MW vào thời điểm nắng nóng.

Như vậy, hệ thống điện miền Bắc thiếu hụt khoảng 4.350 MW, với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh và ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh.

"Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày", Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nói.

Trước khó khăn cung ứng điện, EVN đã phải cắt giảm điện ở miền Bắc. Chẳng hạn, ngày 5/6, công suất tiêu thụ điện bị cắt giảm 3.609 MW lúc 16h30, trong đó cắt điện của khu vực công nghiệp lớn khoảng 1.423 MW, sinh hoạt 1.264 MW.

Tran-Viet-Hoa-7-6-jpeg-2487-1686132650.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7sSEnp21BKDYajOkMCrEGg

Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) trả lời tại cuộc họp ngày 7/6. Ảnh: Anh Minh

Lý do phải cắt điện, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực nói, hai nguồn cung ứng lớn cho điện ở phía Bắc là thủy điện và nhiệt điện đều gặp khó khăn do nắng nóng, hạn hán khiến mực nước các hồ cạn và sự cố tổ máy.

Về thủy điện, đến 6/6, hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mức nước chết, như Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. "Riêng hai hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy xuống dưới mực nước chết. Và hiện còn duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12-13/6", ông Hòa thông tin.

Công suất không huy động được từ thủy điện khoảng 5.000 MW và có thể tăng lên 7.000 MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết. Như vậy, đến 6/6, huy động từ thủy điện chỉ đạt 23,7% công suất lắp đặt, tương đương 3.110 MW.

Tương tự, nhiều tổ máy bị sự cố kỹ thuật sau thời gian hoạt động tối đa trong thời gian dài, nên nguồn từ nhiệt điện chỉ cung ứng được 11.934 MW, chiếm 76,6% công suất lắp.

Nói thêm, ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, ngành điện phải giảm 30% công suất tiêu dùng điện trong những ngày nắng nóng, tương đương sản lượng giảm trung bình 6 -10%, tùy ngày.

Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết từ giữa tháng 4 đến nay, EVN gặp phải khó khăn trong đảm bảo cung cấp điện của khách hàng. "Miền Nam và miền Trung hoàn toàn đảm bảo cung cấp điện, nhưng riêng miền Bắc còn nhiều khó khăn", ông Nhân nói.

Lãnh đạo EVN cho hay, tập đoàn này cố gắng đảm bảo vận hành hệ thống điện, tốt nhất từ nay cho đến khi nước về. Tuy nhiên, nhu cầu dùng điện tăng cao khi nắng nóng trong khi nguồn cung thiếu, nên có thời điểm không đáp ứng đủ, phải tiết giảm điện. Tổng giám đốc EVN mong khách hàng, người dân chia sẻ, thông cảm.

Ở khía cạnh này, ông Trần Việt Hòa cho biết để xảy ra tình trạng thiếu điện, cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội là "trách nhiệm không thể biện minh".

"Thay mặt cơ quan nhà nước và đơn vị chức năng, chúng tôi gửi lời xin lỗi tới nhân dân, chúng ta cùng chung tay vượt qua giải pháp vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Hòa nói.

Về giải pháp, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, yêu cầu EVN huy động mọi nguồn lực, các giải pháp kỹ thuật để duy trì độ sẵn sàng các nhà máy, tổ máy nhiệt điện và đẩy nhanh thời gian khắc phục sự cố nhanh nhất có thể.

"Chúng tôi cố gắng tăng huy động nhiệt điện để ngăn chặn suy giảm mực nước thủy điện; đẩy mực nước các hồ thủy điện lớn lên khỏi mực nước chết càng sớm càng tốt", ông Hòa nêu.

Cùng đó, ngành điện đẩy nhanh đưa các nhà máy điện tái tạo chuyển tiếp vào vận hành. Hiện đã có 18 nhà máy chuyển tiếp, công suất gần 1.116 MW vận hành thử nghiệm và thương mại.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022