Tính chung cả năm, doanh số giao dịch (GMV) trên 5 sàn gồm Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo đạt 318.900 tỷ đồng, tăng trưởng 37,36% so với năm 2023, theo báo cáo mới công bố của công ty dữ liệu thương mại điện tử Metric.

Con số này chiếm gần 6,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước năm 2024, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của kênh trực tuyến nhanh gấp 4,5 lần so với mức tăng trưởng chung của ngành bán lẻ (8,3%).

Thực tế, chi tiêu của người Việt cho mua hàng online có thể còn lớn hơn vì số liệu của Metric chưa tính đến GMV của các giao dịch trên mạng xã hội và các nền tảng xuyên biên giới.

Cuối năm ngoái, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương ước tính quy mô thị trường thương mại điện tử 2024 đã vượt 25 tỷ USD, tăng trưởng 20%, cao hơn dự báo 22 tỷ USD của Google, Temasek, Bain & Company.

Cùng với doanh số, sản lượng hàng hóa bán qua 5 sàn lớn nhất cũng tăng mạnh hơn 50% năm qua, đạt hơn 3,4 triệu sản phẩm. "Những con số cho thấy sức mua của thị trường vẫn duy trì ở mức cao", báo cáo Metric nhận xét.

Ông Trần Lâm, chuyên gia đào tạo bán hàng trực tuyến kiêm CEO Julyhouse, bổ sung rằng thương mại điện tử tiếp tục đi lên còn nhờ nhiều doanh nghiệp gia tăng đầu tư, do nhận ra kênh này đóng vai trò ngày càng quan trọng.

"Họ thấy online không chỉ là nơi bán hàng mà còn ảnh hưởng đến kênh trực tiếp (offline). Bán online tốt thì offline sẽ tốt theo nhờ hiệu quả nhận diện thương hiệu", ông nói.

Về xu hướng tiêu dùng, người Việt ngày càng chuộng nhu yếu phẩm, ưu tiên hàng chính hãng hoặc có nguồn gốc nước ngoài khi "chốt đơn".

Cụ thể, làm đẹp, nhà cửa - đời sống, thời trang là 3 ngành hàng mang lại doanh số nhiều nhất cho các sàn, nhưng bách hóa - thực phẩm mới tăng trưởng cao nhất, đến 76,3%. Xu hướng này cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưu tiên mua online nhu yếu phẩm thường nhật thay vì đi chợ hoặc siêu thị.

Các gian hàng chính hãng như Shopee Mall và TikTok Shop Mall ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt gần 70% và hơn 180%. Trong khi tổng số shop trên 5 sàn có đơn năm qua lại giảm 20,25%, còn 650.000, cho thấy cạnh tranh khốc liệt. Nhiều nhà bán hàng nhỏ, hoạt động không hiệu quả đã rời thị trường, nhường chỗ cho những đơn vị có chiến lược rõ ràng, cung cấp sản phẩm đúng thị hiếu với khả năng vận hành linh hoạt.

IMG-4924-7074-1738650699.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YYL7EBmp6FyhSdM4FiuzZQ

Shipper chờ khách nhận hàng tại phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội vào tháng 2/2024. Ảnh: Ngọc Thành

Đáng chú ý, năm 2024 chứng kiến sự gia tăng đáng kể của hàng nhập khẩu với hơn 324,1 triệu sản phẩm được đưa vào Việt Nam, tạo ra 14.200 tỷ đồng doanh số, tăng trưởng lần lượt gần 38% và 43% so với 2023.

Theo Metric, người tiêu dùng Việt Nam không còn quá e ngại khi đặt mua sản phẩm từ nước ngoài do hệ thống logistics được cải thiện giúp thời gian vận chuyển nhanh hơn và giảm thiểu nguy cơ thất lạc. Bên cạnh đó, các nền tảng cũng cung cấp chính sách đổi trả, bảo vệ khách hàng tốt hơn.

Ngoài ra, giá cả cạnh tranh của hàng quốc tế cũng là yếu tố quan trọng, khi nhiều sản phẩm có giá tốt hơn trong nước nhờ vào chi phí sản xuất thấp. "Đây là tín hiệu quan trọng cho các doanh nghiệp nội địa, đòi hỏi họ phải tối ưu sản phẩm và chiến lược giá để có thể cạnh tranh", báo cáo Metric nhận định.

Ông Trần Lâm dự báo thị trường thương mại điện tử sắp tới cạnh tranh khốc liệt, nhất là với sức mạnh của sản phẩm nhập khẩu. Theo ông, hàng Trung Quốc đang tràn vào nhiều và khả năng có những làn sóng đổ bộ mới để tìm đầu ra trong bối cảnh bị bủa vây bởi thuế quan.

"Tôi đã thấy nhiều nhà bán thời trang nội địa không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc giờ phải chuyển qua kinh doanh nông sản, thực phẩm, sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên", ông Lâm nêu.

Metric cho rằng sự trỗi dậy của hàng nhập khẩu và thay đổi nhu cầu tiêu dùng tạo ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp trong nước, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội nâng cao chất lượng và cạnh tranh hiệu quả hơn.

Mới đây, chính phủ đã bỏ chính sách miễn thuế VAT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ bán qua chuyển phát nhanh từ ngày 18/2. Bộ Tài chính cho rằng quyết định nhằm đảm bảo công bằng, khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022