Thông tin trên được nêu trong "Báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2024" của công ty dữ liệu thương mại điện tử Metric (một trong hai đơn vị cung cấp dữ liệu thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam). Công ty cho biết dữ liệu công bố được thu thập bằng công nghệ, đã loại bỏ đơn ảo và hàng quà tặng. Theo đó, tổng doanh số 5 sàn trong nửa năm qua đạt 143.900 tỷ đồng, tăng 54,91% so với cùng kỳ 2023. Tốc độ này cao hơn đáng kể so với tăng trưởng 7,4% của ngành bán lẻ trong 6 tháng đầu năm, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê.

Trong cùng giai đoạn, tổng mức bán lẻ cả nước đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng. Như vậy, quy mô thị trường của 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam này ước chiếm khoảng 6% ngành bán lẻ. "Thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục phát triển và trở thành điểm sáng trong toàn cảnh bức tranh kinh tế", Metric nhận định.

Đóng góp chính vào tăng trưởng doanh số kênh trực tuyến đến từ TikTok Shop và Shopee, lần lượt đạt 150,54 % và 65,97% so với cùng kỳ 2023. Theo Metric, điều này là nhờ 2 nền tảng có sự hiểu biết sâu sắc về thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam. Trong khi Lazada, Tiki và Sendo chứng kiến chi tiêu của khách hàng giảm 2 con số nửa năm qua.

Sáu tháng đầu năm, người tiêu dùng mua 1,533 triệu sản phẩm trực tuyến (tính theo đơn nhận thành công), tăng 65,5% so với cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, phân khúc giá rẻ dưới 200.000 đồng vẫn duy trì sức hấp dẫn mạnh mẽ, với thị phần tăng thêm 3% so với cùng kỳ.

"Với nhiều biến động của tình hình kinh tế hiện nay, thắt chặt chi tiêu vẫn là tiêu chí được nhiều gia đình áp dụng. Vì vậy, người tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm có giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền", báo cáo nhận định.

Nhờ lợi thế ở phân khúc giá rẻ, nhất là bán khuyến mại qua livestream, tăng trưởng tính theo sản lượng hàng hóa trên TikTok Shop tăng mạnh nhất nửa đầu năm, đến hơn 240% so với cùng kỳ 2023, trong khi Shopee tăng 65,5%.

Tính theo nhóm ngành, người Việt chi tiêu nhiều nhất cho làm đẹp, thời trang nữ và nhà cửa - đời sống trong nửa năm qua. Cả 3 ngành này dẫn đầu về doanh số lẫn sản lượng bán trực tuyến. Tính trung bình mỗi ngày, người Việt chi 144 tỷ đồng cho đồ làm đẹp, hơn 100 tỷ đồng cho quần áo nữ cũng như vật dụng nhà cửa.

Đi cùng tăng trưởng mạnh mẽ là nhiều thách thức cho người bán lẫn người mua hàng trực tuyến. Google & Temasek dự báo quy mô thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 24 tỷ USD vào 2025. Theo chuyên gia Lê Hoàng Long của NielsenIQ Việt Nam, ngành này tăng trưởng nhanh nhưng thay đổi cũng nhanh.

"Livestream có thể là động lực cho năm nay và năm tới nhưng môi trường online thay đổi rất nhiều và nhanh nên cần liên tục theo dõi để nắm bắt những thay đổi sắp tới", ông Long nêu ví dụ trong một sự kiện gần đây.

Thực tế, các nhà bán hàng đang chịu mức độ cạnh tranh ngày càng cao, nhất là khi nhiều cuộc đua xuống đáy về giá trong các phiên livestream. Chị Nguyễn Huyền Trang, chủ một cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng tại TP HCM nói từng đạt đỉnh điểm bán 1.000 đơn mỗi ngày vào tháng 8/2023 nhưng nay chỉ còn 60-70%.

"Sụt giảm do nhiều yếu tố, từ xu hướng thắt chặt chi tiêu, khách hàng lựa chọn những sản phẩm giá rẻ hơn, chờ đợi những chương trình khuyến mại hoặc các phiên livestream giá 'sập sàn'", chị Trang nói.

online-jpeg-6648-1721895705.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bbJvLn55qEYPwapVZ7idpw

Hàng giảm giá theo khung giờ được bán trên một sàn thương mại điện tử ngày 25/7. Ảnh: Dỹ Tùng

Kênh online đang ngày càng cạnh tranh khi nhiều thương hiệu chuyển dần từ kênh bán hàng truyền thống sang, sự tham gia của những người nổi tiếng, các nhà xưởng muốn bán trực tiếp cho khách đầu cuối. Chưa kể, trên hầu hết sàn, khách còn có thể mua sản phẩm từ cửa hàng nước ngoài dễ dàng, đa dạng.

Dữ liệu của Metric cho biết có 573.800 cửa hàng hoạt động trên 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop trong 6 tháng đầu năm. Ngược với doanh số tăng, lượng cửa hàng giảm 7,54% so với cùng kỳ, cho thấy mức độ cạnh tranh và đào thải cao.

Với người mua, cơ hội sắm hàng rẻ qua chợ mạng cũng đi kèm rủi ro bị hàng kém chất lượng trà trộn. Nửa năm qua, cơ quan quản lý thị trường đã triệt phá nhiều kho hàng trực tuyến có dấu hiệu bán sản phẩm giả hoặc không rõ nguồn gốc.

Trong văn bản triển khai cuộc vận động dùng hàng Việt do TP HCM ban hành tháng trước, UBND TP HCM đã yêu cầu Cục quản lý thị trường địa phương "đặc biệt quan tâm" kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm trong kinh doanh, mua bán trực tuyến, livestream.

Hiện một số khách hàng tự chủ động lựa chọn các gian hàng chính hãng (Shop Mall) để mua sắm. Metric cho hay thị phần của Shop Mall nửa năm qua đã tăng 12,29%, cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm nguồn gốc rõ ràng, nhà bán uy tín.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022