IFC - thành viên World Bank Group - vừa công bố nghiên cứu về thúc đẩy nữ giới tham gia các vị trí lãnh đạo ngành ngân hàng Việt Nam, thực hiện qua thu thập thông tin nhân sự 18 ngân hàng và khảo sát 39.094 lao động tại 50 ngân hàng.

Kết quả, nữ giới chiếm 68% tổng nhân sự tại 18 ngân hàng tham gia khảo sát. Tuy nhiên, các vị trí quản lý cấp cao và lãnh đạo cấp cao có tỷ lệ thấp hơn nhiều, lần lượt là 33% và 26%.

Tỷ lệ nữ giảm 21 điểm phần trăm từ quản lý cấp trung (54%) đến quản lý cấp cao (33%). Tỷ lệ nữ giới được đề bạt cũng giảm tương tự. Ngoài ra, chưa tới một phần ba số lượng nhân sự được đề bạt vào các vị trí quản lý cấp cao là nữ.

vpbank-thanhtung39-1678207637-2941-1678207795.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8j052ZmjpG1ODUFXg6JPkA

Giao dịch tại một chi nhánh VP Bank sáng 14/11/2022. Ảnh: Thanh Tùng

Do đó, nghiên cứu khuyến nghị tăng tỷ lệ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong ngành ngân hàng để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và tăng năng suất. Theo bà Kim See Lim, Giám đốc Khu vực châu Á Thái Bình Dương của IFC, các tổ chức có nhiều lãnh đạo nữ thường có kết quả kinh doanh, đổi mới sáng tạo tốt hơn, đội ngũ nhân viên đa dạng và gắn kết hơn.

"Các tổ chức có nhiều nữ ở các vị trí lãnh đạo thường chú trọng nhiều hơn đến các yếu tố xã hội, môi trường và quản trị, cũng như minh bạch hơn", bà nói thêm.

IFC dẫn một số nghiên cứu khác cho lập luận này. Nghiên cứu "Đa dạng Giới trong Hội đồng quản trị ở ASEAN" - được họ thực hiện tại sáu quốc gia Đông Nam Á có Việt Nam - cho thấy doanh nghiệp có trên 30% nữ là thành viên hội đồng quản trị có kết quả tài chính tốt hơn so với doanh nghiệp không có nữ trong hội đồng quản trị và doanh nghiệp nơi nữ giới chiếm chưa tới 30% số thành viên.

Ngoài ra, doanh nghiệp không có nữ trong hội đồng quản trị đạt tỷ số lợi nhuận trên tài sản trung bình 2,4%. Trong khi đó, doanh nghiệp có nhiều hơn 30% nữ giới trong hội đồng quản trị đạt tỷ số lợi nhuận trên tài sản trung bình 3,8%.

Covid-19 cũng làm nổi bật đóng góp của lãnh đạo nữ. Tạp chí Harvard Business Review cho biết các nữ lãnh đạo doanh nghiệp được đánh giá tích cực hơn trong đại dịch. Họ ghi điểm cao hơn về kỹ năng lãnh đạo và quản lý khủng hoảng, bao gồm quan tâm đến phúc lợi lao động, khả năng truyền cảm hứng và tạo động lực, sự chính trực, linh hoạt, quyết đoán, hợp tác, đổi mới sáng tạo.

Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết thiếu đa dạng giới trong các ban lãnh đạo ngành ngân hàng là vấn đề toàn cầu. "Mặc dù Việt Nam đang làm tốt hơn một số quốc gia khác về tỷ lệ nữ nắm giữ các vị trí quản lý tại ngân hàng, báo cáo này cho thấy rõ ràng cần phải làm nhiều hơn nữa để biến các cam kết thành những hành động thiết thực", ông nói.

Cụ thể, nghiên cứu đưa ra 4 nhóm khuyến nghị. Một là thực thi cam kết về đa dạng và hòa nhập. Mặc dù hầu hết ngân hàng coi bình đẳng giới là một phần trong các ưu tiên chiến lược, hầu như chưa nhà băng nào thực hiện các bước thực tế để chuyển những cam kết thành quy định nội bộ hoặc đưa vào hoạt động.

Hai là thu hẹp khoảng cách giới liên quan đến tiếp cận cơ hội đào tạo và phát triển kỹ năng lãnh đạo. Ba là đẩy mạnh các hoạt động thân thiện với gia đình và sự linh hoạt do nữ giới phải đối mặt với phân biệt đối xử cả rõ ràng và vô thức do việc sinh con và đóng vai trò chính trong chăm sóc con cái, gia đình. Cuối cùng là cải thiện nơi làm việc bởi nghiên cứu cho hay việc bắt nạt và quấy rối có xảy ra ở các ngân hàng tham gia khảo sát.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022