Tỷ giá trong ngân hàng hôm nay tăng mạnh, vượt 25.000 đồng một USD và là mức kỷ lục từ trước đến nay. Trên thị trường tự do, giá đôla Mỹ vẫn neo quanh vùng 25.440 - 25.540 đồng một USD.

Tại họp báo Chính phủ chiều 3/4, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói cơ quan này có đủ công cụ điều hành để ổn định thị trường ngoại hối.

"Tỷ giá là chỉ dấu điều hành kinh tế vĩ mô quan trọng, ảnh hưởng tới sức mua đồng tiền Việt Nam, các chính sách kinh tế khác. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước xác định sẽ điều hành linh hoạt, đảm bảo tỷ giá lên xuống phù hợp", ông nói.

Ngoài các công cụ điều chỉnh tỷ giá bằng chính sách tiền tệ, theo Phó thống đốc, hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá dồi dào, tới cuối 2023 khoảng 100 tỷ USD. Trường hợp cần thiết, cơ quan này sẽ can thiệp để ổn định.

Dao-Minh-Tu-8742-1712143299.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mFoY-r53pt-jTUd-yO7qig

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại họp báo Chính phủ, chiều 3/4. Ảnh: Phạm Dự

Từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu, hút tiền trên thị trường liên ngân hàng để ổn định tỷ giá ngoại hối. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong tháng 3, khoảng 164.300 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước hút về trên thị trường liên ngân hàng, tăng lợi suất tín phiếu. Đây là một trong số cách thức can thiệp để giảm áp lực, song tỷ giá vẫn trong đà tăng.

Hai ngày gần đây, đà tăng tỷ giá mạnh mẽ hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước dừng phát hành tín phiếu, sau 3 tuần liên tục hút tiền trên thị trường liên ngân hàng.

Lý do tỷ giá tăng nóng, theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa đưa ra thời điểm cụ thể nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất nên giá trị đồng đôla Mỹ tăng cao. Điều này tác động, khiến nhiều đồng tiền của các quốc gia trên thế giới, trong đó có VND, giảm giá.

Sức ép tỷ giá còn đến từ chênh lệch lãi suất giữa USD và VND trên thị trường liên ngân hàng, tức lãi suất tiền đồng thấp hơn so với đôla Mỹ, khi lãi suất giảm sâu vừa qua. Ngoài ra, tín hiệu tích cực từ xuất nhập khẩu trong quý đầu năm, trên 178 tỷ USD, cũng đẩy nhu cầu ngoại tệ tăng cao so với cuối 2023.

Hiện, mức mất giá của VND so với USD khoảng 2,6%, tính từ đầu năm đến nay. Song mức này, ông Tú nói, thấp hơn nhiều đồng tiền khác, như yen Nhật giảm giá tới 7,52% so với đôla Mỹ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022