Theo thông tin Ngân hàng HSBC cho biết ngày 19/2, ngân hàng chỉ cam kết giảm 40% lượng khí thải trong toàn bộ hoạt động, kinh doanh và chuỗi cung ứng vào 2030, thay vì đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) ở thời điểm này.
Mốc mục tiêu Net Zero mới của ngân hàng này là năm 2050, tức chậm hơn 20 năm so với kế hoạch ban đầu họ đưa ra.
Julian Wentzel, Giám đốc phát triển bền vững của HSBC cho rằng các doanh nghiệp gặp thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi, giảm phát thải khi kinh tế khó khăn. Điều này ảnh hưởng tới việc đưa ra các chính sách tín dụng xanh cho doanh nghiệp.
Ông cũng thêm rằng với mục tiêu khí hậu mới, họ sẽ "tiếp cận có cân nhắc hơn" với hoạt động cho vay dầu khí, nhưng việc này không có nghĩa ngân hàng thay đổi chính sách cấp tín dụng cho các ngành cụ thể.
"Một số chính sách của chúng tôi khá cứng nhắc, nên cố gắng để chúng linh hoạt hơn", ông nói

Trụ sở chính của HSBC tại khu tài chính Canary Wharf, London, Anh, ngày 13/3/2023. Ảnh: AP
HSBC là ngân hàng lớn nhất châu Âu xét về tổng tài sản, theo xếp hạng của S&P Global năm ngoái. Thực tế, mục tiêu khí hậu mới của ngân hàng này tương đương với cam kết giảm phát thải của Goldman Sachs và Barclays.
Các nhà vận động khí hậu lo ngại giới nhà băng đang nắm bắt bối cảnh chính trị thay đổi dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, để giảm cam kết phi carbon hóa trong danh mục đầu tư.
Trước đó, Morgan Stanley đã hạ kỳ vọng về giảm phát thải từ danh mục cho vay doanh nghiệp của mình vào tháng 10 năm ngoái. Thêm vào đó, loạt nhà băng Mỹ, Canada, Australia đã rời khỏi Liên minh Ngân hàng Net Zero.
Bảo Bảo (theo Reuters)