Từ cuối năm 2024, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex - VGT) đã kỳ vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cả năm 2025 lần lượt là 6% và 10% nhờ các đơn hàng đang phục hồi mạnh. Theo đó, họ lên kế hoạch ghi nhận gần 19.200 tỷ doanh thu và lãi trước thuế hơn 810 tỷ đồng.

Sau Tết, nhiều công ty con của Vinatex cho biết 100% lao động đều quay lại làm việc. Các nhà máy đang tập trung đẩy mạnh tăng năng suất, chất lượng và thực hành tiết kiệm, tối ưu chi phí trong sản xuất. Họ hướng tới nhóm khách hàng cao cấp và kỹ thuật cao trong năm nay.

Lạc quan hơn, Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH) đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.500 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng tới 600 tỷ đồng, tăng 11% và là mức cao nhất lịch sử hoạt động.

Năm nay, May Sông Hồng sẽ nâng công suất khi nhà máy Xuân Trường II gồm 50 chuyền may đi vào hoạt động. Tình hình đơn hàng cũng lạc quan khi đây là nguyên nhân chính giúp họ lãi kỷ lục vào quý IV/2024.

Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) cũng vừa công bố kế hoạch doanh thu năm nay khoảng 3.270 tỷ đồng, tăng hơn 170% so với năm 2024. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 310 tỷ đồng, gấp 6,8 lần cùng kỳ. Nếu thành công, STK sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục trong lịch sử hoạt động suốt 25 năm qua.

Kế hoạch tham vọng được đưa ra khi nhà máy quy mô lớn Unitex của họ dự kiến vận hành chính thức từ quý II. Ban lãnh đạo kỳ vọng điều này giúp tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng các dòng sợi thân thiện với môi trường cho xu hướng tiêu dùng bền vững, mở ra cơ hội hợp tác với nhiều thương hiệu lớn đang ưu tiên sử dụng các sản phẩm trên.

Các doanh nghiệp khác cũng đưa ra nhiều kịch bản khả quan. TNG gần đây cho biết đơn hàng đã phủ kín đến hết tháng 6 và công ty đang tiếp tục đàm phán để hoàn tất kế hoạch sản xuất cả năm. Họ chủ động tiếp cận khách hàng lớn tại các thị trường Mỹ, Pháp, Đức... và xây dựng mối quan hệ hợp tác với các nhà bán lẻ nổi tiếng. Công ty cũng đưa vào hoạt động thêm 45 dây chuyền sản xuất, nâng công suất 15%.

Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ (HTG) lên kế hoạch doanh thu 5.050 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất khoảng 350 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu trên đều giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng nền so sánh của năm 2024 là mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động của họ. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng tăng 3% lên mức 255 triệu USD.

Riêng Tổng công ty May 10 (M10) đặt mục tiêu tổng doanh thu 5.055 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 135 tỷ đồng. Chỉ tiêu doanh thu được nâng thêm gần 9% so với mức kỷ lục của năm 2024. Lợi nhuận lại dự báo giảm nhẹ 4% nhưng vẫn duy trì ở mức cao hơn trước dịch.

vne4166-1665-1719811933-174011-5869-6058-1740115480.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XbQHdsju6QwBQc1vScchUw

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Dệt may 29/3, Đà Nẵng, tháng 6/2024. Ảnh: Nguyễn Đông

Các doanh nghiệp đặt kế hoạch tự tin sau một năm toàn ngành phục hồi mạnh mẽ, nhất là giai đoạn cuối năm. Theo thống kê của Chứng khoán KIS Việt Nam (KISVN), tổng doanh thu trong quý IV/2024 của 32 công ty niêm yết trong mảng may mặc và xơ, sợi dệt các loại tiếp tục tăng mạnh 14,4% so với cùng kỳ, đạt 21.962 tỷ đồng, phù hợp với xu hướng xuất khẩu của ngành hàng may mặc.

Biên lợi nhuận gộp toàn ngành tích lũy 3,2 điểm phần trăm lên 14,8%. Hầu hết doanh nghiệp đã ghi nhận biên lãi gộp phục hồi, điều này có thể được lý giải nhờ vào đơn hàng gia tăng mạnh mẽ, tối ưu hóa quy trình sản xuất và dần cải thiện giá gia công khi nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính như Mỹ và EU tăng mạnh trong mùa cao điểm cuối năm.

Năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 47-48 tỷ USD, tăng trưởng 6,8-9,1% so với số ước tính năm trước. Một số thị trường nhập khẩu chủ đạo Mỹ, EU, Nhật Bản tiếp tục ghi nhận sự phục hồi cả về kinh tế và nhu cầu tiêu dùng, trong khi tồn kho đang giảm mạnh.

Tuy nhiên theo KISVN, mặc dù hầu hết công ty đã đảm bảo đơn hàng cho quý I và đàm phán cho quý II, họ vẫn phải đối mặt với các thách thức như giá đi ngang, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng gấp và yêu cầu khắt khe hơn. Riêng mảng xuất khẩu xơ, sợi tiếp tục đối mặt với thách thức ngay từ đầu năm do cạnh tranh từ sợi Trung Quốc giá rẻ. Do đó, giá bán vẫn phải đặt ở mức thấp để duy trì đơn hàng, dẫn đến triển vọng tiêu cực cho cổ phiếu trong mảng này ít nhất trong nửa đầu năm.

Tất Đạt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022