Tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ chiều 28/3, các chuyên gia cho rằng qua 12 năm, Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng đã thành công, hoàn thành mục tiêu "chống vàng hóa" trong nền kinh tế.

Do đó, các chuyên gia, thành viên Hội đồng tư vấn đề xuất và cho rằng đã tới lúc nên bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và cấp phép sản xuất mặt hàng này cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện.

Đề xuất này từng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại cuộc họp với Chính phủ hôm 20/3. Nghị định 24 được ban hành từ 2012, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng để kiểm soát chặt nguồn cung. Nhưng từ 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa đấu thầu bán vàng miếng, tăng cung trên thị trường, khiến chênh lệch giá trong nước và quốc tế tăng cao.

chuyen-gia-Tran-Du-Lich-jpeg-4742-1711637178.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VdzsG3km8iEwTBr-ZbWb3Q

TS Trần Du Lịch phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ, ngày 28/3. Ảnh: VGP

Trước đó, giới chuyên môn từng đề cập một số cơ chế để can thiệp vào thị trường vàng như xuất vàng từ quỹ dự trữ quốc gia, dùng dự trữ ngoại hối để nhập vàng hoặc để doanh nghiệp trực tiếp nhập vàng từ nước ngoài. Các cơ chế này nhằm hạ nhiệt giá vàng khi thị trường biến động mạnh.

Tại cuộc họp hôm nay, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia tổng hợp các giải pháp, báo cáo Thủ tướng cho ý kiến. Ông cũng yêu cầu cơ quan quản lý rà soát pháp lý, chính sách và có giải pháp để thị trường vàng phát triển minh bạch, lành mạnh.

Hôm nay, mỗi lượng vàng miếng tăng hơn nửa triệu đồng, lên hơn 81 triệu, trong khi vàng nhẫn và nữ trang chững giá. Trước đó, thị trường liên tục biến động, chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới lên tới hơn 20 triệu đồng vào cuối 2023. Hiện, khoảng cách này khoảng 14-15 triệu đồng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nhìn nhận nhiều thời điểm giá vàng biến động phức tạp, nhưng thị trường tương đối ổn định. Điều này góp phần không gây áp lực sang thị trường ngoại tệ như trước đây. Cùng đó, huy động, cho vay vốn bằng vàng đã không còn.

"Thói quen, nhận thức của người dân với vàng miếng có thay đổi", ông nói, thêm rằng một phần nguồn lực vàng trong dân đã chuyển hóa để phát triển kinh tế.

Le-Minh-Khai-jpeg-1457-1711637178.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5irXx-e_8lCVFcAlSaJcOg

Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ, ngày 28/3. Ảnh: VGP

Ngoài quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước cũng có các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ. Theo báo cáo của cơ quan này, lãi suất bình quân huy động và cho vay giảm khoảng 0,4-0,6% so với cuối năm 2023. Cùng đó, tín dụng phục hồi trong tháng 3, thanh khoản dồi dào và dư địa tăng trưởng tín dụng còn nhiều để cung ứng vốn cho nền kinh tế thời gian tới.

Vướng mắc được Phó thống đốc Phạm Thanh Hà nêu, là triển vọng kinh tế trong và ngoài nước khó lường, giá hàng hóa thế giới tăng trở lại, rủi ro lạm phát tiềm ẩn, lãi suất và tỷ giá USD quốc tế ở mức cao. "Điều này tạo thách thức lớn cho điều hành cân bằng lãi suất và tỷ giá, tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế", ông Hà nói.

Mặt khác, nợ xấu có xu hướng tăng, khả năng huy động vốn trung, dài hạn của tổ chức tín dụng còn thấp so với nhu cầu vốn đầu tư dài hạn của nền kinh tế.

Để khơi thông các nguồn lực, chuyên gia đề xuất nhà chức trách sớm hoàn thiện pháp lý với các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số và nâng cao năng suất lao động. Cùng đó, cơ quan quản lý cần thực hiện nâng hạng thị trường chứng khoán, "không vì một số sự cố mà làm chậm tiến trình".

Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp để sử dụng hiệu quả dư địa chính sách tài khóa, gồm giải pháp về thuế, phí. "Phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân", ông Khái nói.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022