Tham vọng lật ngược tình thế của Intel đang ngày càng xa vời, sau khi hãng công bố kết quả kinh doanh quý I. Dù doanh thu không còn co lại và Intel vẫn là hãng sản xuất bộ vi xử lý lớn nhất cho máy tính để bàn và laptop, doanh số quý I lại thấp hơn dự báo, chỉ đạt 12,72 tỷ USD. Intel cũng ước tính số liệu quý II còn giảm hơn nữa, do nhu cầu yếu.
Chốt phiên giao dịch 26/4, cổ phiếu Intel giảm 9%, xuống thấp nhất từ đầu năm.
Những tin tức này cho thấy công việc của CEO Pat Gelsinger vẫn rất thách thức. Năm nay là năm thứ 4 ông lãnh đạo Intel.
Tuy vậy, giới phân tích cho rằng các vấn đề của Intel là kết quả tích tụ của nhiều thập kỷ. Trước khi Gelsinger quay lại công ty năm 2021, Intel đã để mất lợi thế sản xuất chip về tay đối thủ TSMC (Đài Loan, Trung Quốc). Hiện tại, họ đang chi hàng tỷ USD để lấy lại những gì đã mất.
"Ưu tiên số một là nhanh chóng thu hẹp khoảng cách công nghệ, gây ra bởi cả thập kỷ đầu tư không đúng mức", Gelsinger cho biết trước nhà đầu tư hôm 25/4. Ông nói rằng công ty vẫn đang trên đà bắt kịp các đối thủ, muộn nhất là năm 2026.
Dù vậy, nhà đầu tư vẫn ngờ vực. Năm nay, Intel hiện là cổ phiếu công nghệ tệ nhất trong chỉ số S&P 500, với mức giảm 37%. Trong khi đó, hai mã tăng trưởng hàng đầu lại là Nvidia và Super Micro Computer. Cả hai hưởng lợi nhờ nhu cầu máy chủ AI của Nvidia tăng vọt.
Diễn biến giá cổ phiếu Super Micro Computer, Nvidia và Intel từ đầu năm. Đồ thị: CNBC
Intel từng là hãng chip giá trị nhất Mỹ. Nhưng hiện tại, vốn hóa của hãng chỉ bằng 1/16 Nvidia. Intel hiện tại thậm chí nhỏ hơn cả Qualcomm, Broadcom, Texas Instrument và AMD. Suốt hàng thập kỷ, họ là công ty bán dẫn lớn nhất thế giới về doanh số. Nhưng gần đây, doanh thu của hãng có thời điểm giảm 7 quý liên tiếp và năm ngoái đã bị Nvidia vượt qua.
Gelsinger đang đặt cược vào việc thay đổi mô hình kinh doanh đầy rủi ro. Intel giờ sẽ không chỉ tự sản xuất, mà còn gia công cho các hãng chip khác. Tuy nhiên, để thành công thu hút khách hàng, Intel cần lấy lại vị thế dẫn đầu.
Các hãng sản xuất sản phẩm bán dẫn khác đang cần lựa chọn thay thế TSMC, để không phụ thuộc vào một đối tác gia công. Giới chức Mỹ, trong đó có Tổng thống Joe Biden, vẫn coi Intel là nòng cốt của chuỗi cung ứng vi xử lý tại đây.
"Intel là công ty lớn, mang tính biểu tượng và là người dẫn đầu suốt nhiều năm. Tôi cho rằng công ty này đáng để bảo vệ. Và họ phải lấy lại lợi thế cạnh tranh", Nicholas Brathwaite - Giám đốc quỹ đầu tư Celesta Capital cho biết.
Tuy nhiên, Intel vài năm qua vẫn chưa cho thấy tiến triển. "Suốt 2-3 năm qua, tôi cho rằng tất cả chúng ta đều từng nghe họ nói quý sau sẽ tốt hơn quý này", Akshara Bassi - nhà phân tích tại Counterpoint nói.
Giới chuyên gia cho rằng Intel đã mắc nhiều sai lầm trong các năm qua. Họ bỏ lỡ làn sóng chip di động khi iPhone ra mắt năm 2007. Họ cũng đứng ngoài cuộc đua AI, trong bối cảnh các công ty như Meta, Microsoft và Google đặt hàng số lượng lớn chip từ Nvidia.
Lỡ cơ hội từ iPhone
Khi Apple phát triển thế hệ iPhone đầu tiên, CEO khi đó là Steve Jobs đã đến gặp cựu CEO Intel Paul Otellini. Hai bên thảo luận liệu Intel có thể làm chip dùng trong iPhone hay không.
Tuy nhiên, Jobs sau đó đã quyết định không dùng, do Intel "khá chậm chạp" và Apple không muốn chip này được bán cho cả các đối thủ. Otellini thì nói rằng hai bên đã không thống nhất được về giá cả và quyền sở hữu trí tuệ, tác giả Walter Isaacson cho biết trong cuốn tiểu sử "Steve Jobs".
Cuối cùng, Apple sử dụng chip của Samsung khi ra mắt iPhone năm 2007. Apple mua hãng chip Mỹ PA Semi năm 2008 và ra mắt chip tự phát triển năm 2010.
Ngày nay, gần như mọi smartphone hiện đại dùng chip theo kiến trúc Arm thay vì chip x86 của Intel. Các chip Arm do Apple và Qualcomm sản xuất tiêu thụ ít điện năng hơn so với chip Intel. Việc này khiến chip Arm được ưa chuộng hơn trên các thiết bị chạy pin.
Intel sau đó nỗ lực tham gia thị trường smartphone. Họ ra mắt chip có tên Atom, sử dụng trong chiếc Asus Zenphone 2012. Tuy nhiên, smartphone này không bán chạy và đã bị khai tử năm 2015.
Việc bỏ lỡ làn sóng chip di động đã khởi đầu cho thập kỷ xuống dốc của Intel.
Bóng bán dẫn
CEO Intel Pat Gelsinger tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thụy Sĩ tháng 1/2024. Ảnh: Reuters
Các bộ vi xử lý sẽ hoạt động nhanh hơn nếu có nhiều bóng bán dẫn hơn. Vi xử lý đầu tiên của Intel, sản xuất năm 1971, có 2.000 bóng bán dẫn. Chip Intel hiện tại đã có hàng tỷ.
Intel từng luôn duy trì được lợi thế đi trước gần hai năm so với các đối thủ. Tuy nhiên, sau 2014, mọi thứ bắt đầu trở nên tồi tệ. Kế hoạch tạo chip 10 nm bị phá sản do các bước sản xuất phức tạp. Chỉ trong chưa đầy một thập kỷ, họ đã trượt từ vị trí đi trước các đối thủ một thế hệ về công nghệ chip xuống vị trí đi sau một thế hệ.
TSMC đã sản xuất chip 5 nm từ 2020 và 4 nm năm 2022. Hiện tại, chip tốt nhất của TSMC được sản xuất trên tiến trình 3 nm. Trong khi đó, Intel hiện mới dừng ở 7 nm.
Ở lĩnh vực máy tính, điều này giúp các đối thủ trực tiếp của Intel đang thuê TSMC gia công, như AMD và Nvidia, có các sản phẩm chip tiên tiến. Từ việc gần như không có thị phần trong mảng CPU cho máy chủ cách đây một thập kỷ, AMD bắt đầu giành thị phần từ Intel.
Đến năm 2022, CPU của hãng này có mặt trong 20% máy chủ bán ra. Doanh số bán hàng cũng tăng 62% năm đó, theo ước tính của Counterpoint Research năm 2023. Vốn hóa AMD cũng vượt Intel cùng năm.
Bỏ lỡ làn sóng AI
Việc OpenAI ra mắt ChatGPT năm 2022 đã tạo ra làn sóng trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu, giúp Nvidia tăng doanh số gấp ba trong một năm qua. Các doanh nghiệp cũng chi mạnh tay hơn cho các máy chủ đắt đỏ.
Tuy nhiên, trong khi các công ty chip lạc quan về triển vọng nhờ cơn sốt AI, Intel lại bị đánh giá quá chậm chân trong cuộc đua. Hồi tháng 1, Hans Mosesmann, nhà phân tích tại Rosenblatt Securities, nhận định: "AI dường như xuất hiện ở khắp nơi trừ Intel". Còn Russ Mould, Giám đốc đầu tư của AJ Bell, đánh giá: "Intel có nguy cơ bị bỏ lại phía sau so với các đối thủ Nvidia và AMD trong lĩnh vực AI".
Intel cũng làm chip AI, có tên Gaudi 3. Họ dự báo doanh thu từ Gaudi 3 đạt 500 triệu USD năm nay, chủ yếu trong nửa cuối năm. Trong khi đó, AMD ước tính thu về 3,5 tỷ USD mỗi năm từ chip AI. Các nhà phân tích trong khảo sát của FactSet thì ước tính mảng này của Nvidia đạt doanh thu 57 tỷ USD nửa cuối năm nay.
Dù vậy, Intel vẫn có cơ hội lật ngược thế cờ. Chính phủ Mỹ đang muốn hồi sinh hoạt động sản xuất chip trong nước, sau khi để phần lớn việc sản xuất chuyển sang châu Á - nơi có chi phí lao động thấp hơn và giới chức có nhiều ưu đãi hào phóng hơn. Washington năm ngoái kích hoạt Đạo luật Chips (Chips Act) tài trợ 53 tỷ USD cho việc sản xuất chip trong nước. Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó cũng ghé thăm một nhà máy của Intel ở Ohio.
Hôm 25/4, Intel cho biết họ vẫn đang trên đà bắt kịp các đối thủ vào năm 2026. Tuy nhiên, cái giá phải trả không hề rẻ. Intel quý trước ghi nhận khoản lỗ hoạt động 2,5 tỷ USD trong mảng gia công. Doanh thu đạt 4,4 tỷ USD. Tháng trước, Intel cũng cho biết khoản lỗ hoạt động trong mảng gia công năm ngoái là 7 tỷ USD.
Các con số này cho thấy hãng đang tiêu tốn chi phí khổng lồ cho cơ sở hạ tầng và thiết bị để sản xuất chip tiên tiến hơn. "Gia công rất tốn kém. Đó là lý do vì sao phần lớn đối thủ của Intel chọn để TSMC gia công", Bassi nói.
Dù vậy, việc kinh doanh của Intel sẽ khởi sắc nếu họ giành lại được vị thế dẫn đầu trong việc sản xuất ra các bóng bán dẫn nhỏ nhất. Hôm 25/4, Gelsinger cho biết nhu cầu chip 3 nm của Intel, sẽ ra mắt năm nay, hiện khá cao.
"Chúng tôi đang gây dựng được niềm tin với khách hàng. Họ nhìn vào chúng tôi và nói rằng: ‘Ồ, Intel đã quay trở lại’", Gelsinger nói.
Hà Thu (theo CNBC, Reuters)