Nếu Điện Kremlin có ý định làm tê liệt hệ thống năng lượng của châu Âu bằng cách cắt giảm xuất khẩu khí đốt của Nga sang lục địa này thì đến nay đã không thành công. Nhờ mùa đông ôn hòa bất thường, năng lực phân phối điện và chuyển sang các nguồn năng lượng khác, châu Âu tránh được kịch bản cắt điện luân phiên.

Tuy nhiên, các nền kinh tế của châu Âu vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Cuộc khủng hoảng năng lượng khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp phải vật lộn với giá điện cao kỷ lục, gây ra lạm phát phi mã và lãi suất cao hơn.

Từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine và nguồn cung cấp khí đốt của Nga giảm dần, an ninh năng lượng của châu Âu dường như dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết trước các sự kiện toàn cầu không thể đoán trước.

Ngay cả trước khi Nga tiến quân vào Ukraine vào tháng 2/2022, hệ thống năng lượng của châu Âu đã căng thẳng. Nhu cầu về điện tăng vọt khi các nền kinh tế phục hồi sau các đợt đóng cửa do đại dịch và một mùa đông dài. Các nhà sản xuất điện phải vật lộn để cung cấp khi khí đốt bị thiếu hụt và tốc độ gió thấp bất thường làm giảm sản lượng điện gió.

Kết quả, giá điện tăng hơn gấp ba lần vào nửa cuối năm 2021. Sau đó, chiến dịch quân sự của Nga đã kích hoạt các lệnh trừng phạt chống lại Moskva của EU. Đáp lại, Nga đã ngừng tất cả các nguồn cung cấp thông qua một đường ống chính đến Đức vào tháng 9/2022. Đồng euro sụt giảm khi các nhà đầu tư định giá tác động với nền kinh tế châu Âu.

Trước tình huống này, châu Âu đã phải đối phó thế nào? Đầu tiên là tiêu thụ ít hơn. Khi giá điện và khí đốt tăng lên ít nhất 4 lần, các gia đình và doanh nghiệp cắt giảm sử dụng năng lượng để đảm bảo khả năng chi trả. Các chính phủ ra lệnh giảm hệ thống sưởi và chiếu sáng tại các cơ quan nhà nước, từ bể bơi thành phố, phòng tập thể dục đến dinh tổng thống.

Mọi người tắm nhanh hơn, hạ thấp máy điều hòa và cách nhiệt tốt hơn cho ngôi nhà của họ. Morgan Stanley dự báo mức sử dụng khí đốt của châu Âu thấp hơn khoảng 16% so với mức trung bình 5 năm trong suốt năm 2023. Các nhà máy ở Tây Âu đang sử dụng khí đốt ít hơn khoảng một phần tư so với bình thường từ tháng 8 đến cuối năm 2022, theo BloombergNEF. Mặc dù vậy, sản xuất tiếp tục mở rộng. Vào tháng 11/2022, sản lượng sản xuất ở khu vực đồng euro cao hơn 3% so với mức trung bình năm 2021.

1x-1-jpeg-1673761525-4844-1673761637.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YXVqzEsiSWjaCQEgyE4sqw

Một kho cảng LNG vận hành bởi Uniper SE, tại Wilhelmshaven, Đức. Ảnh: Bloomberg

Cùng với tiết kiệm, châu Âu dần tìm cách thay thế nguồn cung khác. Na Uy trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất khu vực, với xuất khẩu tăng 8% vào năm 2022. Đức và Hà Lan đã lắp đặt các cơ sở mới để tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập từ Qatar, Mỹ và Australia.

Theo Morgan Stanley, nhập khẩu LNG vào các thị trường chính của châu Âu đã tăng gần gấp đôi vào năm 2022. Đức cũng kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hạt nhân còn lại và hồi sinh một số nhà máy nhiệt điện than. Việc sử dụng than cứng và than non để phát điện ở EU đã tăng 6% vào năm 2022 so với 2021.

Kết quả, đèn vẫn sáng và hầu hết nhà máy tiếp tục hoạt động. Châu Âu chưa bao giờ gần cạn kiệt khí đốt, một phần nhờ vào mùa đông ôn hòa hơn. Các thành phố từ Berlin đến Warsaw ghi nhận thời tiết bắt đầu năm mới 2023 ấm nhất từ trước đến nay. Giá khí đốt tháng 1 thấp hơn mức khi xung đột Ukraine bắt đầu và giảm 80% so với mức cao nhất trong tháng 8/2022. Giá điện cũng giảm tương tự.

Tuy nhiên, nỗi lo năng lượng của châu Âu chưa kết thúc. Các chính phủ đã chi hơn 700 tỷ USD để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp khỏi giá năng lượng tăng cao. Và điều đó sẽ không ngăn được khả năng một cuộc suy thoái kéo dài và mức sống giảm mạnh trong toàn khu vực. Việc loại bỏ phần lớn khí đốt và dầu của Nga khỏi nguồn cung năng lượng đã khiến giá cả trở thành con tin cho những biến động giá lớn hơn. Kết quả là phần bù rủi ro có thể khiến người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn trong những năm tới.

Vậy tương lai của cuộc chiến năng lượng sẽ về đâu? Nga là một trong những nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới và châu Âu là khách hàng hàng đầu của họ. Khi các nhà máy điện than và hạt nhân trên toàn khối bị đóng cửa trong những năm gần đây, Đức và một số quốc gia khác càng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các đường ống dẫn khí đốt khổng lồ từ Siberia.

Các quan chức châu Âu đã nói về sự cần thiết phải giảm sự phụ thuộc này. Nhưng vì cả hai bên đều có lợi và khí đốt được vận chuyển bằng đường ống thường rẻ hơn (và sạch hơn) so với các nguồn năng lượng khác, nên rất ít hành động được thực hiện. Khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, châu Âu đột nhiên không thể hài lòng khi phải chi tới một tỷ USD mỗi ngày cho khí đốt, dầu và than nhập từ Nga.

Đến nay, không hẳn để cho rằng châu Âu sẽ dừng mua khí đốt của Nga mãi mãi. Theo Morgan Stanley, dù vận chuyển đường ống qua Ukraine đã giảm xuống chỉ còn 3% nhu cầu ở Tây và Trung Âu trong quý IV, Nga vẫn là nhà cung cấp LNG lớn thứ ba của châu Âu vào năm 2022.

Khó có thể nói liệu dòng chảy có giảm xuống 0 hay không và nếu có thì khi nào. Cả Nga và EU đều không cho rằng sẽ sớm dừng hoàn toàn. Các biện pháp trừng phạt của EU đối với Moskva nhằm mục đích loại bỏ dần việc nhập khẩu năng lượng của Nga, nhưng khí đốt vẫn đang chảy qua Ukraine và một đường ống dẫn qua Thổ Nhĩ Kỳ vào Balkan cũng đang hoạt động.

Với các nguồn năng lượng thay thế bền vững, đó sẽ là câu chuyện mang tính dài hạn. Cuộc khủng hoảng đã khiến các chính phủ châu Âu quyết tâm hơn trong việc loại bỏ năng lượng của Nga - cũng như nhiên liệu hóa thạch nói chung - và đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ sạch hơn.

Sản lượng điện mặt trời và điện gió của EU đã tăng 12% vào năm 2022. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết việc triển khai điện gió và mặt trời sẽ tăng gần gấp đôi trong 5 năm tới trên toàn cầu. Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách EU vẫn kiên định với chính sách khí hậu "Thỏa thuận Xanh" (Green Deal).

Nó gồm một gói luật nhằm loại bỏ khí thải nhà kính vào giữa thế kỷ. Năng lượng tái tạo chiếm một phần năm tổng cung năng lượng 27 nước EU vào 2020. Họ có kế hoạch tăng tỷ lệ đó lên 40% vào năm 2030. Nhưng sau xung đột Ukraine, họ nâng mục tiêu lên 45%.

Phiên An (theo Bloomberg)

Tin mới

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022